Hẻm nhỏ ở TPHCM dỡ chốt phong tỏa, đường lớn vẫn rào chắn kín mít
(Dân trí) - Một số hẻm nhỏ, ngõ phố ở TPHCM đã được dỡ phong tỏa, nhưng nhiều tuyến đường lớn, trục giao thông chính vẫn bị "bịt kín", chưa biết ngày tháo dỡ.
Trong chiều 27/9, nhiều chốt chặn ở các tuyến đường nhỏ, ngõ phố trong khu vực trung tâm TPHCM đã được tháo dỡ phong tỏa.
Lực lượng chức năng tháo dỡ rào chắn tại chốt đường Ấp Bắc giao cắt với đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Một chiến sĩ gỡ bỏ dây giăng, rào chắn tại E.Town Cộng Hòa cho biết, hiện lực lượng đang tiến hành tháo dỡ một số chốt rào kẽm gai chốt chặn các tuyến đường giao cắt vào Cộng hòa theo lệnh trên chỉ đạo. Một số điểm chốt người dân tự quản rào chắn bằng ghế đá, thùng sắt, cửa gỗ,... cũng được tháo dỡ (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Các rào chắn đã được tháo dỡ, xếp lên vỉa hè. "Lúc sáng tôi thấy mấy anh bên phường đến tháo dỡ, cuộc sống sắp trở lại bình thường, bà con rất vui", một người dân sống trên gần chợ Tân Bình phấn khởi (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Hình ảnh trước và sau khi chốt chặn trên đường Lê Minh Xuân, đối diện chợ Tân Bình đã được dỡ bỏ. Mặt đường trở nên thông thoáng, các phương tiện có thể di chuyển bình thường. (Ảnh: Phạm Nguyễn).
"Tôi rất mừng khi thành phố sẽ nới lỏng giãn cách, tháo bỏ dần các rào chắn, tạo tâm lý thoải mái cho bà con. Tuy nhiên mong lãnh đạo thành phố có biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh khi người dân ồ ạt đổ ra đường quá đông", bác Võ Thông Gia (phường 2, quận Tân Bình) chia sẻ (Ảnh: Hải Long).
Ngoài các điểm đã được tháo dỡ, còn phần lớn các chốt trên đường lớn vẫn còn bít kín, nhưng nhiều người dân lại cố tình vượt rào, lưu thông qua lại ở khu vực đường bị phong tỏa (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Tại khu vực rào chắn trên đường Đinh Công Tráng giao với Hai Bà Trưng (Quận 1), người dân lập rào bằng các tấm ván ép khá thấp nên vẫn có nhiều người bước qua dễ dàng (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Vừa qua, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM Trần Hoàng Ngân cho biết, thành phố thống nhất dỡ bỏ rào chắn, dây giăng phong tỏa để chuẩn bị phương án tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội từ ngày 1/10.
Theo dự thảo về phương án tổ chức đi lại từ ngày 1/10 mà Sở Giao thông vận tải TPHCM gửi các đơn vị lấy ý kiến, TPHCM sẽ chỉ duy trì hoạt động kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra, vào thành phố, gồm 12 chốt chính và 49 chốt phụ (Ảnh: Hữu Khoa).
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, các cơ quan của thành phố đang gấp rút lên kế hoạch cho phương án hoạt động sau ngày 30/9, để công bố sớm, ít nhất trước 72 giờ kế hoạch có hiệu lực (Ảnh: Hữu Khoa).
Ghi nhận của PV chiều 27/9, phần lớn các chốt kiểm soát, rào chắn phong tỏa ở các tuyến đường trung tâm TPHCM vẫn chưa được tháo dỡ, nhiều tuyến đường vẫn bị căng dây, rào kín. Trong ảnh, rào chắn dưới chân cầu Calmette nối Quận 1 và Quận 4 (Ảnh: Hữu Khoa).
Trên đường Phạm Ngọc Thạch (tiếp giáp Quận 1 và Quận 3), nhiều người dân phải quay đầu xe đổi sang các tuyến đường khác để vào trung tâm do rào chắn vẫn chưa được tháo dỡ (Ảnh: Hữu Khoa).
Một hàng rào được khóa chắc chắn trên đường Trần Cao Vân hướng từ Quận 1 về Hồ Con Rùa, Quận 3 (Ảnh: Hữu Khoa).
Khu vực chợ cũ Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé, Quận 1) bị phong tỏa 2 đầu do có nhiều trường hợp là F0 sinh sống bên trong.
Vào buổi chiều, người dân trong khu vực này vẫn ra hẻm đi dạo, tập thể dục (Ảnh: Hải Long).
Một số chợ truyền thống trên địa bàn nhiều quận ở TPHCM vẫn chưa được tháo dỡ rào chắn. Trong ảnh, rào chắn trước chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh chiều 27/9 (Ảnh: Hữu Khoa).
Các công viên cũng trong tình trạng tương tự, giăng dây được kéo bao quanh khu vực Hồ Con Rùa (Ảnh: Hữu Khoa).
Ngã 3 Lê Lai - Trương Định - Phạm Hồng Thái (Quận 1) vẫn bị phong tỏa bởi một hàng rào thép dài khoảng 40 m (Ảnh: Hải Long).
Hầu hết các chốt kiểm soát, các khu vực đường lớn tại trung tâm TPHCM bị phong tỏa từ đầu tháng 7 sau lệnh siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được tháo dỡ (Ảnh: Hải Long).