Hàng trăm tấn cá chết ở Hải Dương: Thất thần bên những lồng cá
(Dân trí) - Đứng thất thần bên những lồng cá nuôi chết hàng loạt, ông Đỗ Văn Nhạ (54 tuổi, ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) buồn rầu nói "tôi mong sớm tìm ra nguyên nhân cá chết".
Khoảng một tuần trở lại đây, một số lồng nuôi cá trên sông Thái Bình thuộc địa phận TP Hải Dương và huyện Thanh Hà của tỉnh Hải Dương xảy ra hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương, đã có 300 tấn cá chết.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí vào chiều 8/4, tại lồng nuôi cá trên sông Thái Bình, thuộc địa phận phường Nam Đồng, TP Hải Dương, cá nuôi vẫn tiếp tục chết.
Trước hiện tượng cá chết bất thường, ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I của Bộ NN&PTNT đã về địa phương kiểm tra nhanh hiện tượng cá chết. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra.
Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy.
Lượng cá chết quá nhiều, chủ lồng nuôi và chính quyền địa phương cũng chưa mang cá đi nơi khác xử lý kịp.
Ông Đỗ Văn Nhạ (54 tuổi, ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), chủ 56 lồng nuôi cá bị chết cho biết: "Khoảng một tuần trở lại đây, cá trong lồng nhà tôi bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến ngày 8/4, số lượng cá chết của nhà tôi cũng lên tới hàng trăm tấn. Tôi mong cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân cá chết, từ đó có giải pháp khắc phục".
Với những lồng nuôi còn cá sống, ông Nhạ dùng máy bơm bơm liên tục để tạo oxy. Theo ông Nhạ, trước đó khoảng ngày 24/3, cá nuôi đã có dấu hiệu mắc bệnh khi ông cho ăn thấy cá không ngoi lên như bình thường.
Để xử lý số lượng cá chết quá nhiều, chính quyền địa phương đã huy động đoàn thanh niên, sinh viên,... đến hỗ trợ thu gom cá chết.
Cá chết liên tục được chở ra khỏi khu vực nuôi cá lồng của gia đình ông Nhạ.
Ông Nhạ làm nghề nuôi cá lồng trên sông Thái Bình đã được 7 năm, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết nhiều như vậy.
Từng bao cá chết được chở đi nơi khác xử lý.
Theo nhận định vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, tại các lồng nuôi với mật độ cao, các con yếu sẽ bị chết rải rác.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Khi cá chết cần phải vớt lên mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo việc tăng cường bảo vệ sản xuất trong nuôi trồng thủy sản.