(Dân trí) - Chỉ vì bị miệt thị rồi xảy ra xô xát, Hiền "Đầu Bạc" từ một sinh viên sớm rơi vào vòng lao lý. Cú sa ngã biến gã thành một tướng cướp khét tiếng, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều người ở Thanh Hóa.

Xã Lũng Cao nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và là một trong những địa phương xa xôi, khó khăn của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Dưới những tán rừng âm u của hơn 3 thập niên về trước, là những cuộc tranh giành, thanh trừng lẫn nhau của bao người ôm mộng đổi đời từ bãi vàng. Cái tên Hiền "Đầu Bạc" vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người dân nơi đây, khi nhắc về những cuộc chiến của gã vì vàng...

Hiền "Đầu Bạc" (SN 1965, quê ở xã Cẩm Sơn, Cẩm Thủy, Thanh Hóa), có cái tên khai sinh chân chất - Nguyễn Mạnh Hiền. Có lẽ, khi đặt tên cha mẹ gã chỉ mong mỏi đứa con của mình hiền lành, mạnh khỏe. Cái biệt danh Hiền "Đầu Bạc" có lẽ xuất phát từ việc mái tóc bạc trước tuổi của gã.
Hiền từng là niềm tự hào của gia đình khi đậu vào một trường đại học nức tiếng ở Thủ đô. Nhưng rồi, tương lai xán lạn đã khép lại, một lần bị miệt thị, Hiền dùng "nắm đấm" để lấy lại tự tin.
Trận ẩu đả cũng khiến Hiền bầm dập, nhưng vô tình khơi dậy bản chất côn đồ, máu lạnh và sự liều lĩnh vốn ẩn sâu trong khuôn mặt thư sinh kia. Dần dần, Hiền thích chứng tỏ bản thân trong những màn ẩu đả hơn là trên giảng đường đại học. Sự nghiệp đèn sách của Hiền chỉ gắng gượng được đến năm thứ 3 rồi "đứt gánh" bằng một quyết định buộc thôi học của nhà trường.
Không dám về quê với cái tiếng "bị đuổi học", Hiền quyết định đến Lũng Cao tìm cơ hội đổi đời giữa cơn sốt khai thác vàng. Anh ta quy tụ dưới trướng nhiều đối tượng đầu gấu, có tiền án, tiền sự để tổ chức các vụ cướp nhằm vào dân khai thác vàng để rồi phải đổi lấy bản án 8 năm tù. Thụ án được một năm, Hiền cùng 3 phạm nhân khác cưa song sắt, trốn khỏi trại giam.

Năm 1989, Hiền cùng một đối tượng có biệt danh Thành "Toét" quay lại bãi vàng ở Cao Sơn (thuộc ba bản Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao) để ẩn náu. Tại đây, gã thu nạp thêm nhiều đối tượng cộm cán, mua vũ khí và tổ chức cướp bóc, thanh toán các băng nhóm khác để mở rộng thế lực.
Một thời gian sau, nhận thấy khu vực bản Kịt, xã Lũng Cao có nhiều bãi vàng tiềm năng, Hiền cùng đàn em thân tín, trong đó có Thành "Côi" và Thành "Toét", di chuyển đến đây để độc chiếm và xây dựng lãnh địa.
Với đàn em trung thành và liều lĩnh, Hiền liên tục gây ra các cuộc tranh chấp, thanh trừng nhằm giành quyền kiểm soát những hang đào vàng bãi Kịt. Tại đây, gã tổ chức xây dựng hầm, lán trại, trang bị thêm vũ khí, súng, lựu đạn cho đàn em, biến khu vực ẩn náu thành một đại bản doanh có người canh gác và sẵn sàng đổ máu nếu có xâm nhập.
Để xác tín những câu chuyện nhuốm màu giai thoại của một trong những tướng cướp khét tiếng ở xứ Thanh này, chúng tôi tìm đến ông Hà Văn Thao (SN 1968), Bí thư kiêm Trưởng bản Kịt. 35 năm trôi qua, những ám ảnh về tên cướp này dường như vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông Thao.
"Nhắc đến tên Hiền "Đầu Bạc", ai cũng kinh hãi. Hắn không chỉ cướp bãi vàng mà còn rất tàn bạo. Nhóm nào muốn vào khai thác vàng đều phải được Hiền thông qua, nếu không hắn sẵn sàng cho ăn "kẹo đồng". Các cuộc thanh trừng giữa những băng nhóm xảy ra liên tục, khiến không ít người bị thương hoặc mất mạng", ông Thao nhớ lại.

Ông Thao kể, có lần nhóm giang hồ Chiến "Toàn" từ huyện Cẩm Thủy lên nhằm gây gổ, tranh giành địa bàn với Hiền. Thế nhưng, băng nhóm của Chiến Toàn nhanh chóng thúc thủ trước sự chống trả quyết liệt của nhóm Hiền "đầu bạc". Hiền may mắn được đàn em cứu nguy trước mũi súng của Chiến "Toàn" và không hề mảy may run tay khi "xử đẹp" đối thủ.
"Chiến "Toàn" bị đàn em của Hiền đánh, rơi xuống hố. Không đợi đối thủ kịp bò lên thì Hiền đứng phía trên, nhắm vào đùi anh ta rồi nã đạn. Thấy Chiến "Toàn" bị thương, cố lê chân tháo chạy, Hiền đuổi theo, lạnh lùng dùng gậy đánh vào đầu cho đến khi đối thủ chỉ còn là một cái xác...", ông Thao không khỏi rùng mình khi nhớ lại.

Ông Thao cho hay, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, cùng với hoạt động khai thác vàng trái phép và tranh giành lãnh địa của các băng nhóm, bản Kịt còn là nơi tập trung nhiều thành phần, từ "thượng vàng" đến "hạ cám".
"Một khu chợ được hình thành ngay khu vực bãi vàng, cái gì cũng bán, từ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đến mại dâm, ma túy... Có món hàng được mua bán bằng tiền, có thứ được giao dịch bằng vàng", ông Thao kể.
Người bản Kịt hay những bản lân cận cũng tham gia gánh đất, đãi vàng thuê, hay đơn giản là gánh hàng vào bán cho phu vàng, trong đó có H.T.Đ.. Với thân hình cao ráo, cân đối, nước da trắng và nụ cười mê hồn, "hoa khôi bản Kịt" nhanh chóng lọt vào mắt xanh của đại ca bãi vàng Hiền "Đầu Bạc". Cũng chẳng cần biết người ta có tình ý gì với mình hay không, Hiền "Đầu Bạc" hùng hổ đưa quân đến nhà... cướp vợ.
"Thấy con gái bị bắt, bố của Đ. can ngăn thì Hiền rút súng dọa bắn. Sợ cả nhà khó toàn mạng, bố Đ. đành phải để Hiền đưa con gái đi", ông Thao kể.

Thế nhưng, sau thời gian chung sống, cô gái dần đem lòng yêu Hiền. Gã cùng đàn em mua một con lợn khoảng 80kg, rời "đại bản doanh" xuống bản để xin phép gia đình và tổ chức tiệc rượu, mời hàng xóm đến chung vui.
Ông Thao cho biết, dù là tướng cướp khét tiếng, Hiền "Đầu Bạc" lại không gây hại hay cướp bóc của dân làng. Gã chỉ nhắm vào những người làm vàng trong bãi. Một lần, ông Thao lén vào bãi đãi cặn vàng để kiếm chút tiền tiêu Tết thì bị Hiền bắt gặp. Nhưng thay vì trừng phạt, Hiền mời ông uống rượu và còn cho hai chỉ vàng mang về ăn Tết.

Đầu năm 1990, tình hình an ninh trật tự tại khu vực bãi vàng thuộc bản Kịt ngày càng nghiêm trọng, Công an tỉnh Thanh Hóa quyết định huy động lực lượng truy bắt Hiền "Đầu Bạc". Ông Thao khi đó giữ chức Thôn đội trưởng, cũng được huy động tham gia vào cuộc vây bắt tướng cướp khét tiếng này.
Ông Thao kể, mỗi khi phát hiện lực lượng công an tổ chức vây bắt, nhóm của Hiền dùng súng chống trả rất quyết liệt.
Đại tá Lê Trọng Giác, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Chỉ huy trưởng ban chuyên án lúc bấy giờ, cho biết, việc triệt phá băng nhóm Hiền "đầu bạc" là một trong những vụ án khó khăn của lực lượng công an.

Bản Kịt nằm giáp ranh giữa Thanh Hóa và Hòa Bình, trong trường hợp bị tấn công, truy quét, ổ nhóm của Hiền có thể rút sang Hòa Bình để cố thủ, ẩn náu. Với quyết tâm xóa sổ băng cướp khét tiếng này, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp Công an tỉnh Hòa Bình lên phương án tấn công sau khi vận động, thuyết phục bất thành.
Thời gian mở màn chuyên án được ấn định vào ngày 12/9/1990. Công an tỉnh Thanh Hóa cùng quân đội và Công an xã Lũng Cao tấn công thẳng vào hang ổ của Hiền. Trong khi đó, mũi tấn công của Công an tỉnh Hòa Bình đảm nhiệm chặn đường lui của các đối tượng.
"Nhóm tội phạm thông thạo địa bàn, lại rất táo tợn, ngoan cố và manh động nên yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho nhân dân trên địa bàn và lực lượng truy bắt. Suốt 2 ngày đêm từ 12 đến 14/9/1990, lực lượng phá án dường như không ai được nghỉ ngơi", Đại tá Giác nói.
Bị tấn công bất ngờ, băng nhóm của Hiền dùng súng chống trả quyết liệt. Để buộc đối tượng ra ngoài, lực lượng công an đã sử dụng đạn hơi cay. Không chịu nổi, lần lượt các đàn em của Hiền bỏ chạy và bị bắt giữ.
Riêng Hiền tìm cách bỏ trốn. Hắn lẻn vào một nhà dân ở làng Hang, xã Lũng Cao, đe dọa chủ nhà và trốn trên gác nhà sàn. Tuy nhiên, hành tung của gã không qua mắt được trinh sát của Ban chuyên án. Cuộc vây ráp thứ 2 diễn ra chớp nhoáng, buộc Hiền "Đầu Bạc" phải tra tay vào còng.

Đại tá Giác cho biết thêm, khi bị đưa về trại tạm giam, Hiền tiếp tục trốn khỏi nơi giam giữ và bị lực lượng chức năng bắt khi đang lẩn trốn tại thành phố Thanh Hóa.
Trong phiên tòa diễn ra sau đó, Nguyễn Mạnh Hiền bị kết án tử hình với các tội danh Cướp tài sản, Giết người, Tàng trữ vũ khí quân dụng, Trốn khỏi nơi giam giữ. Ngoài ra, 22 đàn em của gã cũng phải chịu mức án nghiêm khắc của pháp luật.