DNews

Đốt pháo hoa Z121: Sợ Tết mất vui vì công an đến kiểm tra

Ngọc Tân

(Dân trí) - Được con gái ở Hà Nội biếu 3 giàn pháo hoa Z121, vợ chồng ông T. không dám đốt vì sợ công an khu vực đến hỏi giấy tờ.

Đốt pháo hoa Z121: Sợ Tết mất vui vì công an đến kiểm tra

Người Việt đang bước sang mùa Tết Âm lịch thứ 4 được đốt pháo hoa hợp pháp của Bộ Quốc phòng, tính từ ngày Nghị định 137/2020 của Chính phủ ra đời.

So với 3 mùa Tết trước, các mẫu pháo hoa năm nay đa dạng và nhiều hiệu ứng đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, việc lưu hành và sử dụng loại hàng hóa có điều kiện này vẫn tồn tại nhiều tranh cãi.

Vừa đốt pháo vừa lo

Những ngày giáp Tết Âm lịch, vợ chồng ông T. (Hưng Yên) được con gái ở Hà Nội biếu 3 giàn pháo hoa của Bộ Quốc phòng (loại giàn phun viên). Ông T. cất pháo cẩn thận, dự định đúng đêm 30 tháng Chạp sẽ mang ra ngõ đốt mừng Tết.

Đốt pháo hoa Z121: Sợ Tết mất vui vì công an đến kiểm tra - 1

Pháo hoa của nhà máy Z121 mà người dân được phép sử dụng (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, ông được người hàng xóm cho biết việc đốt pháo hoa, bất kể pháo của Bộ Quốc phòng hay pháo lậu, cũng sẽ thu hút sự chú ý của công an địa phương.

"Cán bộ công an khu vực có thể đến nhà ông để kiểm tra giấy tờ chứng minh nguồn gốc của pháo, mấy năm trước họ đều đi kiểm tra như vậy", người hàng xóm cảnh báo.

Ông T. bắt đầu lo lắng vì đúng là số pháo hoa mà con gái gửi tặng không có giấy tờ đi kèm. Ông hỏi lại con gái thì được biết cô mua cả thùng pháo hoa ở một đại lý Z121 và được cấp cho một hóa đơn bán lẻ duy nhất. Sau đó, cô chia ra thành các phần nhỏ ra để biếu tặng và những túi pháo này không có hóa đơn đi kèm.

Chưa nói đến chuyện công an có xử phạt hành vi đốt pháo của gia đình ông T. hay không, riêng chuyện phải tiếp đón nhà chức trách trong ngày đầu năm mới, mất công giải thích lý do vì sao pháo hoa không có giấy tờ... đã khiến ông ngán ngẩm. 

Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa ông T. và cô con gái. Cô khẳng định pháo hoa mua tại cửa hàng của Z121, có bao bì nhận diện thương hiệu đầy đủ thì "cứ đốt thoải mái", trong khi ông T. cho rằng con gái chưa hiểu được những bất cập, phiền hà từ công an địa phương.

Trước đó, vào Tết Nguyên đán 2022, mạng xã hội xuất hiện video một người dân ở Nam Trực (Nam Định) tranh cãi với một nhóm công an xã sau khi người này bị lập biên bản vì đốt pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất.

Lực lượng công an sau đó giải thích họ thấy người dân không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ nên tiến hành lập biên bản ghi nhận vụ việc. Biên bản này được lập để ra Tết tiếp tục làm rõ chứ không xử phạt.

"Xuất hóa đơn khống" để đối phó

Trong vai người đi mua pháo hoa Z121, phóng viên bước vào một đại lý Z121 trên địa bàn Hà Nội để hỏi mua một thùng pháo loại giàn phun viên (thùng 36 giàn).

Người bán đã ghi một hóa đơn bán lẻ với đầy đủ thông tin về người mua, số CCCD, địa chỉ, mục đích sử dụng (pháo chơi tết) và số lượng giàn pháo.

Đốt pháo hoa Z121: Sợ Tết mất vui vì công an đến kiểm tra - 2

Xấp hóa đơn được đại lý pháo hoa "tặng kèm" để đối phó nếu bị công an hỏi (Ảnh: Ngọc Tân).

Sau đó, phóng viên cho biết số pháo này mua về sẽ chia nhỏ ra để biếu tặng, đồng thời lo ngại từng phần pháo hoa đem biếu không có hóa đơn chứng từ đi kèm.

Lúc này, chủ đại lý đưa ra một xấp hóa đơn chưa ghi nội dung, dặn khách biếu pháo hoa cho ai thì đưa kèm cho họ một hóa đơn, ghi rõ số lượng pháo để hợp thức hóa.

Người bán hàng tỏ ra không tiếc những tờ "phôi" hóa đơn được in hàng loạt. Cô còn khẳng định nếu khách mua cả thùng 36 giàn pháo rồi biếu tặng mỗi người một giàn, đại lý cũng sẵn sàng cấp cho 36 phôi hóa đơn đi kèm để đối phó với công an.

Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ đại lý được ủy quyền mà cả dân buôn pháo Z121 trên mạng xã hội (pháo chợ đen) cũng quảng cáo có phôi hóa đơn đầy đủ, "hóa đơn lẻ từng giàn" để khách yên tâm khi mua.

Hành vi "tặng thêm phôi hóa đơn" xuất phát từ mong muốn hỗ trợ khách hàng đối phó với việc kiểm tra của công an địa phương. Tuy nhiên, Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty Luật Minh bạch) khẳng định xuất phôi hóa đơn cho khách tự ghi nội dung là hành vi sai trái từ phía cơ sở kinh doanh.

"Hành vi này là xuất hóa đơn khống. Các đại lý làm như vậy là vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái", Luật sư khẳng định.

"Đúng pháo Z121, không phải sợ"

Từ câu chuyện trên, có thể thấy việc chuẩn bị hóa đơn chứng từ trước mỗi lần đốt pháo hoa Z121 tạo ra không ít phiền hà, nhất là khi pháo hoa được chia nhỏ thành từng giàn để biếu, tặng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Trần Anh Mạnh, Phó Giám đốc Nhà máy Z121, cho biết trường hợp này đang xảy ra ở nhiều nơi, gây phiền toái cho khách hàng của Z121.

"Quan điểm của tôi là sản phẩm đúng do Z121 sản xuất, truy xuất nguồn gốc ra đúng thông tin thì không vấn đề gì. Về mặt pháp lý, theo Nghị định 137, người dân có đủ năng lực hành vi dân sự, sử dụng pháo hoa Z121 đúng mục đích là được", đại tá Mạnh khẳng định.

Tuy nhiên, lãnh đạo Z121 cũng thừa nhận việc kiểm tra giấy tờ là yêu cầu của chính quyền địa phương. Có địa phương yêu cầu giấy tờ nhưng có nơi lại không yêu cầu.

"Chúng tôi đã làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06). Tuy nhiên, phía công an đến nay vẫn chưa thống nhất. Một số địa phương yêu cầu quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng trà trộn pháo lậu, pháo giả...", lãnh đạo Z121 chia sẻ

Đốt pháo hoa Z121: Sợ Tết mất vui vì công an đến kiểm tra - 3

Mã QR truy xuất nguồn gốc được gắn trên từng giàn pháo hoa Z121 (Ảnh: Mạnh Quân).

Đại tá Trần Anh Mạnh cho biết hiện nay mỗi giàn pháo hoa Z121 đều đã được gắn kèm một mã QR để truy xuất nguồn gốc. Người dân có thể căn cứ mã QR này để giải thích với công an khu vực rằng pháo hoa mà mình sử dụng là hợp pháp, không phải pháo lậu.

Trường hợp lực lượng chức năng nhất quyết đòi giấy tờ chứng minh nguồn gốc, khách hàng có thể liên hệ cửa hàng đã mua sản phẩm để xin cấp lại hóa đơn.

Góp ý về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết việc bắt mỗi người dân đốt pháo hoa Z121 phải chuẩn bị giấy tờ chứng minh đi kèm là bất hợp lý, nhất là khi loại hàng hóa này đã được phép lưu thông trên thị trường.

Về nguyên tắc, lực lượng chức năng muốn xử phạt hành chính phải chứng minh được người dân vi phạm thay vì bắt người dân chứng minh họ vô tội. Việc "chứng minh người dân vi phạm" có thể thông qua việc kiểm tra tang vật, xác định pháo hoa người dân sử dụng là pháo hoa tự chế hoặc nhập lậu...

"Nhà máy Z121 đã thiết kế mã QR trên từng sản phẩm để truy xuất nguồn gốc, lực lượng chức năng phải sử dụng các thiết bị công nghệ để kiểm tra, truy xuất, không thể nói 'tôi không biết'", luật sư Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.