DNews

Động đất 7,4 độ ở Đài Loan, cảnh báo gì cho Việt Nam?

Hà Mỹ

(Dân trí) - Chuyên gia tính toán trận động đất mạnh 7,4 độ ở Đài Loan không ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, các địa phương nên thiết lập bản đồ phân vùng rủi ro động đất để chủ động ứng phó loại hình này.

Động đất 7,4 độ ở Đài Loan, cảnh báo gì cho Việt Nam?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đánh giá trận động đất độ lớn 7,4 xảy ra ở Đài Loan là quá mạnh, hệ thống cảnh báo động đất ở Việt Nam cũng ghi nhận và quan trắc được.

Dù vậy, cấp độ rủi ro thiên tai đối với Việt Nam trong trận động đất này được tính toán ở mức 0. 

Để ứng phó chủ động với loại hình thiên tai là động đất, chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro chi tiết. Việc này còn trở nên quan trọng hơn đối với các đô thị đông dân như Hà Nội, nhất là sau khi xảy ra trận động đất có độ lớn 4.0 ở huyện Mỹ Đức hôm 25/3 vừa qua. 

Động đất mang tính chu kỳ

10 ngày sau khi xảy ra trận động đất mạnh M=4 ở huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội), ông đánh giá nguyên nhân của trận động đất này là gì?

- Trước mắt, chúng tôi đánh giá động đất ở Mỹ Đức do khu vực nằm trên đới đứt gãy sông Hồng. Ngay sau khi động đất xảy ra, Viện Vật lý địa cầu đã đi khảo sát và lắp đặt thêm 3 trạm quan trắc ở quanh khu vực này để tiếp tục theo dõi, đánh giá thêm và phục vụ cho nghiên cứu.

Trước đó, các trạm quan trắc quốc gia vẫn phục vụ đủ để ghi nhận và đo lường được cường độ của các trận động đất ở từng khu vực. Tuy nhiên, việc lắp đặt thêm các trạm ở địa phương, đặc biệt xung quanh khu vực xảy ra động đất giúp tăng cường cho việc phát hiện ra động đất nhỏ hơn.

Động đất 7,4 độ ở Đài Loan, cảnh báo gì cho Việt Nam? - 1

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Ảnh: Hà Mỹ).

Có thể hiểu đơn giản, khi một trận động đất lớn xảy ra sẽ kèm theo các dư chấn, sụt lún trong lòng đất, những kích động "nổ lép bép" nhỏ hơn ở xung quanh khu vực đó. Việc thiết lập các trạm quan trắc chính là để ghi nhận những kích động, nếu gần mặt đất sẽ gây tiếng "nổ" này. 

Giống như động đất ở Kon Tum, có những trận có độ lớn rất nhỏ, người dân không cảm nhận được nhưng máy vẫn cảm nhận được. Việc thiết lập các trạm quan trắc địa phương quan trọng ở chỗ đó, giúp chúng tôi đưa ra những đánh giá, cảnh báo rủi ro chính xác hơn cho khu vực. 

Với một địa bàn như Hà Nội, độ lớn 4 có phải cường độ động đất đáng lo ngại?

- Theo lý thuyết, động đất có  độ  lớn 4  vẫn khó có khả năng gây ra thiệt hại. Tuy nhiên thực tế như trận động đất vừa rồi, thiệt hại vẫn xảy ra khu vực gần tâm chấn, ở vùng lân cận Hòa Bình. 

Nói đến điều này để thấy rằng chúng ta rất cần thực hiện công tác đánh giá rủi ro. Tức là với cùng một cường độ động đất, nơi này nền đất tốt hơn có thể không sao, nhưng với những nơi nền đất yếu hơn có thể gây thiệt hại. 

Động đất 7,4 độ ở Đài Loan, cảnh báo gì cho Việt Nam? - 2

Sau trận động đất 4 độ ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), đá sạt lở xuống gây sập nhà một người dân ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình (Ảnh: Người dân cung cấp).

Với riêng địa bàn Hà Nội, tôi khuyến cáo cần có đánh giá rủi ro về động đất cho khu vực bởi đây là địa bàn đông dân cư, nhiều công trình, tải sản. Việc đánh giá phải chi tiết, nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. 

Hình dung đơn giản, khi chúng ta có nghiên cứu, đánh giá mức độ rủi ro về động đất cho từng nơi, người dân hoặc chính quyền hoàn toàn có thể dựa vào đó để xây dựng, cải tạo công trình hoặc nhà ở cho phù hợp. 

Như vậy từ trước đến nay chúng ta chưa có những đánh giá, nghiên cứu chi tiết này, thưa ông? 

- Cũng có những nghiên cứu đã thực hiện nhưng cách đây rất lâu rồi, chưa đồng bộ và cần làm lại. Việc nghiên cứu để cảnh báo thiên tai cũng là công việc được lặp lại thường xuyên, chứ không phải nghiên cứu một lần mà dùng được mãi. 

Vì nói đơn giản như trước đây, vị trí đó chưa có nhà ở xây lên, nhưng bây giờ có công trình nhà ở tại đó thì cần thực hiện đánh giá lại. Hoặc ở thời điểm trước, đánh giá cho thấy công trình an toàn với động đất, nhưng 20 năm nữa công trình xuống cấp thì cùng động đất đó lại gây ra thiệt hại khác.

Tóm lại công tác đánh giá, nghiên cứu không chỉ làm một lần là xong, mà đó là công việc cần lặp lại. Việc nghiên cứu lặp lại giúp chúng tôi rà soát số liệu, nhận định xu hướng, đưa ra cảnh báo kịp thời.  Chính vì thế phải rà soát phòng chống thiên tai hàng năm theo quy định của Chính phủ.

Theo các nghiên cứu mà ông và đồng nghiệp có được, Hà Nội có thể hứng chịu động đất mạnh nhất cấp mấy? 

- Hiện nay, đới đứt gãy sông Hồng trải dài từ biên giới ra đến Biển Đông. Trên đới đứt gãy này, các chuyên gia đánh giá có độ lớn động đất mạnh nhất có thể ghi nhận là trên 6. Nhưng cụ thể độ lớn ấy có thể xảy ra ở khu vực nào thì cần nghiên cứu, phân loại, xem đoạn nào mạnh, đoạn nào yếu chi tiết hơn.

Một đới đứt gãy sau khi tích lũy năng lượng trong thời gian nhất định, nó sẽ giải phóng năng lượng. Động đất càng mạnh thì thời gian tích lũy càng lâu.
TS Nguyễn Xuân Anh Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu

Nói vậy để thấy nếu đưa ra nhận định "Hà Nội có thể hứng chịu động đất mạnh nhất là 6" có thể gây hoang mang không cần thiết. Tôi không nói thế. Tôi nhấn mạnh đây là độ lớn dự báo đối với các khu vực nằm trên đới đứt gãy sông Hồng và Hà Nội nằm trên đới này. 

Để nhận định Hà Nội có thể hứng chịu trận động đất mạnh hơn 6 hay không, chúng ta vẫn cần quan trắc, nghiên cứu đánh giá nguy hiểm động đất, đặc biệt phân đoạn đứt gãy và phân vùng rủi ro chi tiết hơn đặc biệt cho các khu vực đông dân cư, công trình quan trọng. 

Thực ra về bản chất, động đất thông thường mang tính chu kỳ. Như chúng ta còn nhớ trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ đầu năm 2023 có chu kỳ 500-700 năm mới xuất hiện một lần. Tương tự, các trận động đất mạnh ở Việt Nam có thể chu kỳ lên đến cả hàng nghìn năm.

Tại Hà Nội, trong lịch sử có thông tin các trận động đất xuất hiện ở thế kỷ XII gây nứt tượng, nhưng thực ra thông tin hồi đó do chưa có máy móc quan trắc nên khó xác minh. Nhưng giả sử nếu nó xảy ra thật thì sao? Về cơ bản tất cả rung chấn, kích động trong lòng đất đều có quy luật lặp lại tần suất từ hàng chục, hàng trăm năm đến cả nghìn năm, nên chúng tôi cần liên tục nghiên cứu, đánh giá. 

Như vậy là chúng ta không thể dự báo chính xác, hoặc tương đối chính xác thời điểm xuất hiện các trận động đất mạnh? 

- Đúng thế, quy luật động đất khác với thời tiết ở chỗ chu kỳ thời tiết và khí hậu là hàng năm, nhưng động đất lại là hàng nghìn năm. Như trận động đất mạnh 6,7-6,8 trên Tây Bắc xảy ra năm 1935 và 1983, nếu quy luật của nó là 50-70 năm lặp lại một lần thì cũng nguy hiểm.

Khoa học có quy tắc về lặp lại động đất, như một đới đứt gãy sau khi tích lũy năng lượng trong thời gian nhất định, nó sẽ giải phóng năng lượng, từ đó sinh ra động đất. Vì vậy những trận động đất càng lớn thông thường thời gian tích lũy càng lâu.

Dù vậy đi chăng nữa, chúng tôi chỉ có thể dự báo về khoảng thời gian lặp lại, còn về thời điểm xảy ra chính xác thì lại khó dự báo. 

Hệ thống ở Việt Nam ghi nhận được trận động đất ở Đài Loan

Ngoài động đất ở Hà Nội, gần 2 năm qua, Viện Vật lý địa cầu vẫn liên tục cảnh báo về các trận động đất ở khu vực Kon Plong (Kon Tum). Đến nay, ông đánh giá động đất ở khu vực này còn nguy hiểm không? 

- Khác với Hà Nội, động đất ở Kon Plong (Kon Tum) là động đất kích thích. Theo số liệu mà chúng tôi có, độ lớn động đất ở đây không vượt quá 5,5. Mạnh nhất ghi nhận được bây giờ vẫn là 4,7, tương tự nghiên cứu với động đất kích thích ở sông Tranh.

Dù vậy, tôi nhấn mạnh cần tiếp tục quan trắc động đất ở khu vực Kon Plong để cập nhật những đánh giá trên, vì mức độ cảnh báo có thể thay đổi. Viện đang thực hiện đề tài này và 3 năm sau sẽ có đánh giá chi tiết cho khu vực. 

Động đất 7,4 độ ở Đài Loan, cảnh báo gì cho Việt Nam? - 3

Bản đồ các trạm quan trắc động đất ở Việt Nam và tâm chấn về trận động đất 7,4 độ ở Đài Loan được Viện Vật lý địa cầu ghi nhận, đường màu vàng dọc ven biển Philippines là khu vực cảnh báo sóng thần (Ảnh: Hà Mỹ).

Với Hà Nội cũng vậy, tôi cho rằng cần có đánh giá rủi ro về động đất để phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững. Cùng với đó, cần quan trắc ở một số nhà cao tầng để biết mức độ rung lắc cụ thể đối với từng mức độ động đất, chứ không chỉ dựa vào cảm nhận của người dân. Những cái đó là rất cần.

Động đất và thiên tai khi xảy ra thì người dân quan tâm, còn bình thường sẽ không ai nghĩ đến vì cảm giác nó vẫn xa xôi. Nhưng thực ra đó là những thứ rất đáng để quan tâm, chú trọng, đặc biệt trong công tác cảnh báo, khuyến cáo để người dân ra quyết định khi cần thiết. 

Còn đối với trận động đất mạnh 7,4 ở Đài Loan, sau khi xảy ra, Nhật Bản và Philippines đã phát cảnh báo sóng thần. Vậy trận động đất này có nguy cơ tác động đến Việt Nam hay không, thưa ông? 

- Theo tính toán của chúng tôi, động đất ở Đài Loan không ảnh hưởng đến Việt Nam. Tính toán cho thấy sóng ở bờ biển Việt Nam chỉ nhích rất nhỏ sau 6 giờ kể từ khi trận động đất trên xảy ra. 

Thực tế, do Đài Loan hứng chịu trận động đất quá mạnh, hệ thống nhận tín hiệu của chúng tôi có ghi nhận và đo đạc được trận động đất này dù là ở xa Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phát cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai cho Việt Nam ở mức 0, sau khi tính toán và đo lường các thông số kỹ thuật, cả về quãng đường, thời gian, dao động sóng... 

Dù không ảnh hưởng, chúng ta vẫn có thể rút ra nhiều điều sau trận động đất này. Đó là việc Đài Loan đã xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối chắc chắn, có thể hứng chịu được động đất mạnh, một phần là khu vực nhiều lần ghi nhận loại hình thiên tai này. Việc này giúp thiệt hại về người giảm đáng kể so với một trận động đất mạnh trên 7 có thể gây ra. 

Động đất 7,4 độ ở Đài Loan, cảnh báo gì cho Việt Nam? - 4

Một tòa nhà ở thành phố Hoa Liên (Đài Loan) nghiêng ngả do động đất 7,4 độ ở Đài Loan hôm 3/4 (Ảnh: CNA).

Vậy theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể ứng phó với động đất một cách chủ động?

- Về phía địa phương và cơ quan quản lý, tôi cho rằng cần bám theo quy định phòng chống động đất của Chính phủ, rà soát quy định để điều chỉnh thêm cho phù hợp với thực tế. Ví dụ năm nay có động đất ở Mỹ Đức là yếu tố bất thường so với các năm, Hà Nội sẽ phải rà soát kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm, cập nhật, xem xét để điều chỉnh công tác phòng chống thiên tai.

Hoặc như tôi nhiều lần nhấn mạnh ở trên, công tác nghiên cứu phân vùng rủi ro về động đất nên được làm sớm. Những khảo sát, đánh giá sẽ giúp chúng ta nhận biết những khu vực ảnh hưởng mạnh của động đất, khu vực có nền đất yếu,  ra quyết định đầu tư, xây dựng công trình phù hợp.

Nói một cách dễ hiểu, phát triển kinh tế xã hội bền vững tức là hướng đến việc xây dựng công trình hạ tầng đảm bảo kháng chấn, đúng mức độ cần thiết. Việc phân vùng rủi ro còn hỗ trợ, phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch.

Dù vậy đây là một công việc khó. Cần nguồn lực cả về thiết bị và con người và sự quan tâm của các cấp quản lý từ TƯ đến địa phương.

Thử tưởng tượng nếu không được đầu tư bài bản, số liệu không đầy đủ việc thành lập bản đồ phân vùng rủi ro sẽ không có chất lượng cao và như vậy có thể gây lãng phí cho ngân sách nhà nước, cụ thể như khi không có thông tin dự báo tốt thì thường phải thực hiện các phương án ứng phó quá mức cần thiết. Việc nghiên cứu, đánh giá phân vùng rủi ro khó là ở chỗ đó, nhưng chúng ta vẫn cần phải làm.

Xin cảm ơn ông!