Điện Biên Phủ trong ký ức người lính cao xạ đầu tiên (kỳ cuối)
(Dân trí) - Khi biết quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ chỉ có một đường tiếp tế duy nhất là đường hàng không, các tiểu đoàn pháo cao xạ của Việt Minh đã đánh thẳng vào điểm yếu chí tử này.
Cuộc hành quân từ Trung Quốc về đến Tuần Giáo đầy khó khăn, nhưng pháo được kéo bằng ô tô nên không tốn sức binh lính. Từ điểm tập kết Tuần Giáo vào đến trận địa Điện Biên Phủ mới thực sự là thử thách khi bộ đội phải kéo pháo bằng tay.
"Mỗi khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, lính cao xạ phải kết hợp với cả đại đội bộ binh mới kéo được lên những con dốc cao chót vót", cựu chiến binh Lâm Đức Hạp nhớ lại.
Đường kéo pháo gian nan
Theo lời kể của Đại tá Trần Liên, khi mới kéo được 2 đại đội pháo cao xạ vào trận địa thì toàn quân bất ngờ nhận lệnh hoãn tiến công từ Bộ Tổng tư lệnh. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân: Chuyển từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" để đảm bảo thắng lợi cho chiến dịch.
Cũng chính trong hành trình kéo pháo ra khỏi trận địa về điểm tập kết, chiến sĩ pháo cao xạ Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo và hy sinh.
Các nguồn sử liệu, nhân chứng kể về sự kiện cứu pháo của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đến nay còn nhiều điểm khác biệt, nhưng đều thống nhất ở những chi tiết sau:
Đêm 1/2/1954, khẩu đội của anh Tô Vĩnh Diện đưa pháo xuống Dốc Chuối, một con dốc cao, hẹp và quanh co. Bất ngờ dây tời đứt, khẩu pháo lao nhanh xuống dốc.
Lúc này, Tô Vĩnh Diện làm nhiệm vụ lái càng pháo, đã lấy hết sức bình sinh đẩy càng về phía vách taluy dương để tránh cho pháo rơi xuống vực. Trong nỗ lực đó, anh bị pháo chèn vào người, chấn thương nặng và hy sinh. Chính phần cơ thể anh và vách taluy đã hãm khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đứng lại.
Sau này, khẩu pháo cao xạ số hiệu 510681 mà Tô Vĩnh Diện đã cứu được đưa trở lại trận địa. Dưới sự điều khiển của Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, nó đã bắn rơi 3 máy bay, bắn bị thương 13 chiếc khác, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân. Khẩu pháo cao xạ số hiệu 510681 cũng được công nhận là Bảo vật.
Nhớ lại kỷ niệm kéo pháo cao xạ vào trận địa, ông Lâm Đức Hạp vẫn còn ám ảnh bởi những đợt pháo kích "cầm canh" của Pháp hòng uy hiếp đường hành quân của ta.
Một hôm, khi trời đã hửng sáng, đội hình kéo pháo chuẩn bị ngụy trang và trú ẩn thì một đợt pháo 105mm của Pháp dội tới. Một vài chiến sĩ bộ binh trúng mảnh pháo hy sinh. Ông Hạp bị một mảnh văng vào chiếc mũ sắt đang đội, vẹt cả một bên mũ nhưng may mắn thoát chết.
"Nếu không phải là lính cao xạ, không được đội mũ sắt mà chỉ có mũ nan như anh em bộ binh, chắc tôi cũng hy sinh rồi", người cựu binh nhớ lại.
Ngày 8/3/1954, tất cả đơn vị lựu pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm của Việt Minh một lần nữa được kéo vào chiếm lĩnh trận địa Điện Biên Phủ theo 6 tuyến đường mới mở. Lần này không còn lệnh hoãn tiến công nào nữa.
Cuộc thư hùng trên bầu trời Điện Biên Phủ
Theo sắp xếp của Bộ Tổng tư lệnh, 2 tiểu đoàn cao xạ được bố trí trên hai hướng đông bắc và bắc, bao quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn 383 bố trí ở Na Lơi, Quang Tum, trong khi Tiểu đoàn 394 bố trí trên cánh đồng Bản Tấu. Ngoài ra, còn 3 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm được bố trí rải rác.
Pháo cao xạ mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam khi đó là loại 37mm (cỡ nhỏ), một nòng, không có thiết bị bắn đêm, cũng không có radar. Nhưng xét trong bối cảnh khi đó, nó là hệ thống khí tài phòng không hiện đại nhất mà Việt Minh được trang bị.
Với vốn liếng thực hành chỉ nằm ở những lần "bắn bóng bay" để tốt nghiệp, sĩ quan tham mưu Trần Liên trăn trở rất nhiều về việc các khẩu đội khi vào trận có bắn trúng được máy bay Pháp hay không.
Trọng pháo 105mm hướng đến các mục tiêu cố định, dễ xác định phần tử để căn góc bắn. Còn pháo cao xạ bắn mục tiêu di động là máy bay, xác định phần tử rất khó.
"Tôi đã đề xuất chế ra một cái thước đo dựa trên nguyên lý tam giác đồng dạng, từ đó tính toán được vận tốc của máy bay để bắn đón", ông Liên nhớ lại. Sáng kiến của ông được phổ biến cho bộ đội luyện tập "ngầm" trong thời gian chờ đợi để sẵn sàng bắn rơi máy bay địch ngay trong ngày đầu xuất trận.
Sáng 11/3/1954, toàn bộ trọng pháo 105mm và cao xạ đã sẵn sàng trong công sự. Trung đoàn cao xạ 367 đặc trách chiến đấu với không quân địch, yểm hộ bộ binh tiến công và bảo vệ trận địa trọng pháo từ Nà Lơi đến Hồng Cúm; sẵn sàng phát triển lực lượng vào phía đông và tây bắc Mường Thanh.
Riêng Đại đội súng máy cao xạ 818 của Tiểu đoàn 383 bố trí hai cụm ở đông Mường Thanh và đông bắc Hồng Cúm, tham gia bảo vệ đội hình chiến đấu của Đại đoàn bộ binh 316 và Trung đoàn 57.
Đến 17h30 ngày 13/3/1954, trọng pháo nã cấp tập vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Loạt pháo đầu của Việt Minh khiến quân Pháp ở Điện Biên Phủ bất ngờ, hoảng hốt. Sáng 14/3/1954, chúng cho một máy bay trinh sát Morane cất cánh để xem pháo ta bắn từ đâu, thế trận bao vây Điện Biên Phủ ra sao", Đại tá Trần Liên nhớ lại.
Đại đội 815 (Tiểu đoàn 383) của ông Lâm Đức Hạp lập tức cho 4 khẩu cao xạ nhả đạn đồng loạt. Chiếc Morane bốc cháy, trở thành máy bay địch đầu tiên bị pháo cao xạ 37mm bắn rơi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 15/3, địch ồ ạt cho máy bay tiêm kích từ Hà Nội lên Điện Biên để tiêu diệt các trận địa hỏa lực của Việt Minh. Đại đội 816 nhắm được một chiếc tiêm kích Hellcat F6F và bắn gãy một bên cánh của nó. Chiếc máy bay quay mòng mòng và rơi xuống chân đồi ngay gần sở chỉ huy trung đoàn 367.
"Chứng kiến chiếc máy bay quay tròn và rơi xuống, cả mặt trận reo ầm lên, sĩ khí quân ta được đẩy lên rất cao sau những khoảnh khắc như vậy", Đại tá Trần Liên kể lại với niềm vui sướng.
Trong ngày 15/3, bộ đội cao xạ bắn rơi 3 máy bay của Pháp. Đến ngày 17/3, Nava ra lệnh huy động toàn bộ không quân chi viện cho Điện Biên Phủ.
Máy bay tiêm kích F6F Hellcat, F8F Bearcat ồ ạt bay lên Điện Biên để tìm diệt các đơn vị của ta. Pháo cao xạ dưới mặt đất đánh trả ác liệt. Trong cuộc giao tranh, hai đại đội cao xạ 815 và 827 bị máy bay địch đánh vào trận địa. Ban chỉ huy Đại đội 827 hy sinh, hỏng 3 khẩu pháo.
Ở vị trí chỉ huy trung đội, ông Lâm Đức Hạp từng đối mặt với những khoảnh khắc máy bay tiêm kích lao thẳng về phía trận địa. Hai bên nhả đạn vào nhau như một cuộc thi gan.
"Một hôm vào rạng sáng, chúng tôi còn chưa kịp đưa pháo vào công sự thì một chiếc tiêm kích của Pháp lao thẳng đến. Tôi phải triển khai đội hình chiến đấu luôn. Lúc đó mình bắn rát lắm nên cuối cùng nó phải cắt bom rồi bay vòng đi. Loạt bom rơi xuống ngay trước trận địa", vị cựu binh hồi tưởng.
Kết thúc đợt tiến công thứ nhất, Trung đoàn cao xạ 367 đã hạ được 12 máy bay của Pháp. Các đơn vị pháo mặt đất cũng diệt hàng loạt máy bay đỗ trên đường băng sân bay Mường Thanh.
Trong đợt tiến công thứ 2 bắt đầu từ 30/3/1954, kế hoạch tác chiến của ta là bóc vỏ - bao vây. Bộ binh đào chiến hào vây lấn ở mặt đất trong khi pháo cao xạ siết chặt vùng trời, cắt đứt cầu hàng không.
Ngày 26/4/1954, Đại tá Trần Liên đã có một trải nghiệm đáng nhớ khi lần đầu tiên bắt giữ và hỏi cung một phi công Pháp tên là Robert Daniel. Viên phi công phải bung dù sau khi chiếc tiêm kích F6F của hắn bị pháo cao xạ bắn rơi. Ông Trần Liên đã có một cuộc trao đổi ngắn với Daniel bằng vốn tiếng Pháp từ hồi học Quốc học Huế.
Ngày 26/4/1954 cũng là ngày tệ hại với không quân Pháp khi có tới 2 chiếc cường kích B-26 bị bắn rơi. Cũng trong ngày đó, tại Thụy Sĩ, Hiệp định Geneva bàn về khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương bắt đầu khai mạc.
Việc Việt Minh khẳng định được sức chiến đấu của pháo phòng không đã khiến quân đội Pháp bối rối. Không phận Điện Biên Phủ bị bóp nghẹt. Những chiếc C-47 Dakota phải thả dù tiếp tế ở độ cao trên 3.000m để tránh tầm bắn của pháo cao xạ. Cũng chính vì thả dù từ cự ly quá cao, rất nhiều hàng tiếp tế đã rơi chệch ra khỏi tập đoàn cứ điểm, lọt vào tay bộ đội Việt Minh.
"Như ngày 4/5/1954, địch thả 514 dù tiếp tế thì 422 dù rơi vào khu vực của ta. Ngày 6/5/1954, máy bay vận tải C-47 chở 2 đại đội dù lên không thả được phải quay về", Đại tá Trần Liên nhớ lại.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, các lực lượng phòng không đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt nhiều phi công Pháp.
Riêng các khẩu đội pháo cao xạ của Trung đoàn 367 đã bắn hạ 52/62 máy bay, trong đó gồm tất cả các loại máy bay mà Pháp tung vào Điện Biên Phủ (B24, B26, F8F, F6F, F4U, C47, C119).
Ngày 10/6/1953, trong thư gửi Trung đoàn 367, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Trong hoàn cảnh một nước, một quân đội chưa có không quân thì Binh chủng Pháo cao xạ lại càng rất quan trọng. Trung đoàn 367 là một trong những đơn vị có trang bị tương đối hiện đại đầu tiên của quân đội ta, sẽ làm cơ sở và nòng cốt cho việc phát triển lực lượng phòng không to lớn sau này…".
Sau ngày về tiếp quản Hà Nội, trung đoàn 367 được tách ra khỏi đại đoàn công pháo 351 và được nâng lên thành sư đoàn phòng không 367 và đến năm 1958 tiếp tục được nâng lên thành Bộ Tư lệnh Phòng không. Bộ tư lệnh này kết hợp với Cục Không quân trở thành Quân chủng Phòng không - Không quân sau này.
Đúng như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người lính 367 như Đại tá Trần Liên, Đại tá Lâm Đức Hạp đã trở thành nòng cốt của lực lượng phòng không Việt Nam, tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời trước sự oanh tạc của không quân Mỹ sau này.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, khi về tiếp quản thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc". Câu nói đó như báo hiệu cho những người lính của trung đoàn 367 về một nhiệm vụ mới sẽ còn gian nan hơn cả trận đánh đầu đời tại Điện Biên.
Trong giai đoạn không quân Mỹ oanh tạc miền Bắc, ông Lâm Đức Hạp là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, trung đoàn cao xạ 213 đóng tại Hải Dương. Đơn vị của ông bảo vệ 2 cây cầu đường sắt Phú Lương và Lai Vu trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. "Lúc đó chúng tôi bắn máy bay Mỹ bằng pháo cao xạ 57mm, có radar trinh sát", ông Hạp kể.
Kết thúc chiến tranh, Đại tá Hạp về Học viện Quốc phòng làm công tác giảng dạy rồi nghỉ hưu tại đó. Còn Đại tá Trần Liên đảm nhận một nhiệm vụ phức tạp hơn.
Hai ông thuộc nhóm cán bộ nòng cốt xây dựng hệ thống radar phòng không đầu tiên và giữ vai trò trực chỉ huy trong tổng trạm radar của quân chủng. Khi miền Bắc phải đối mặt với các loại máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ, radar giữ vai trò quan trọng trong việc cảnh báo xa và giúp pháo cao xạ, tên lửa SAM tiêu diệt máy bay địch.