DMagazine

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội

(Dân trí) - Định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội hướng tới mục đích cao nhất và cuối cùng là vì con người, "con người là trung tâm của mọi chính sách".

70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Hà Nội không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm lớn về khoa học và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Nhân dịp này, phóng viên báo Dân trí có cuộc phỏng vấn ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội về những kết quả, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 1

Thưa ông, sau 70 năm giải phóng, Thủ đô Hà Nội đang có vị thế như thế nào?

- Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường dài với nhiều kết quả đáng tự hào của Hà Nội.

Trong suốt 70 năm qua, Thủ đô đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển toàn diện, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị, góp phần nâng cao đời sống của người dân và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cùng sự phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Vị thế, vai trò của Thủ đô Hà Nội ngày càng được khẳng định và được quan tâm đặc biệt.

Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng và cả nước cùng phát triển.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 3

Đây là vinh dự lớn, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với Thủ đô Hà Nội. Cùng với những thành tựu đã đạt được, thời gian tới thành phố sẽ quyết tâm xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là "trái tim của cả nước", nơi đồng bào, chiến sỹ hướng về với niềm tin yêu, tự hào và hy vọng.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 5

70 năm qua, kinh tế - xã hội của Thủ đô đạt được những kết quả nổi bật như thế nào, thưa ông?

- Sau khi giải phóng, Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, đồng thời ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, từ thời kỳ đổi mới (sau năm 1986), Thủ đô đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những đầu tàu, động lực kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Trong suốt 10 năm qua, Hà Nội đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước (6,67%), đưa quy mô nền kinh tế năm 2023 lên khoảng 55 tỷ USD, với GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 6.300 USD. Những thành tích này không chỉ góp phần vào việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại mà còn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Hà Nội tự hào là một trong những thủ đô có bề dày văn hóa hơn nghìn năm tuổi, được quốc tế công nhận với những danh hiệu như "Thành phố vì hòa bình" và "Thành phố sáng tạo".

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa, cho thấy định hướng phát triển bền vững và mang tính chiến lược của thành phố. Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã đầu tư gần 50 nghìn tỷ đồng cho ba lĩnh vực trọng tâm gồm văn hóa, y tế và giáo dục, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền thành phố đối với sự phát triển toàn diện.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 7

Không gian đô thị Hà Nội không ngừng được mở rộng với tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%. Cơ sở hạ tầng giao thông đã phát triển mạnh mẽ, nhiều tuyến đường mới, cầu vượt và khu đô thị hiện đại, đồng bộ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ và kết nối cao, rút ngắn khoảng cách giữa thành phố và nông thôn, đồng thời kết nối Hà Nội với các tỉnh thành trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Công tác an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cũng được chăm lo, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao. Hà Nội đã trở thành trung tâm y tế lớn của cả nước, nhiều bệnh viện hiện đại và dịch vụ y tế chất lượng cao. Chính quyền thành phố đã nâng mức trợ cấp và mở rộng nhóm đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện chính sách trợ cấp hàng tháng cho trên 202.000 đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo đúng, đủ và kịp thời.

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Nội đã giảm xuống dưới 0,03%, mục tiêu không còn hộ nghèo vào năm 2025. Hệ thống giáo dục của thành phố cũng đã cải thiện đáng kể, với tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn dự kiến sẽ đạt 84% vào cuối năm 2024.

Hà Nội dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới, 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nông thôn Bắc Bộ, tạo nên một Hà Nội giàu bản sắc.

Với những kết quả nêu trên, Hà Nội đã nỗ lực vượt bậc trong công cuộc phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và khẳng định vị thế của mình, xứng đáng là "trái tim của cả nước".

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 9

Bên cạnh những kết quả tích cực, Hà Nội đang đối mặt với những thách thức và điểm nghẽn nào về kinh tế - xã hội?

- Trong quá trình nghiên cứu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như qua nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất cho rằng, sau bảy thập kỷ phát triển và đặc biệt từ thời kỳ đổi mới, Hà Nội đã giành được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và điểm nghẽn, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Một là tăng trưởng thiếu bền vững. Mặc dù Hà Nội đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn trung bình cả nước, nhưng sự phát triển này còn chưa ổn định.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực dịch vụ và bất động sản, trong khi ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa đạt yêu cầu phát triển bền vững. Việc thiếu đa dạng hóa trong nền kinh tế làm cho Hà Nội dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường.

Hai là cơ sở hạ tầng còn khó khăn. Mặc dù hạ tầng giao thông của Hà Nội đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng như ách tắc giao thông, thiếu quy hoạch hợp lý cho các khu đô thị mới.

Tình trạng ùn tắc giao thông càng diễn ra nghiêm trọng vào giờ cao điểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các khu vực nội thành và ngoại thành còn gặp nhiều khó khăn, khiến cho việc di chuyển và phát triển kinh tế ở các vùng ngoại ô trở nên hạn chế.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 11

Ba là môi trường và biến đổi khí hậu. Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và các thiên tai ngày càng gia tăng. Ô nhiễm không khí mức độ cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Thêm vào đó, các vấn đề như rác thải và quản lý nguồn nước đang gây áp lực lớn lên các cơ quan chức năng và làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách của thành phố.

Bốn là năng lực và kỹ năng của một số bộ phận công chức còn hạn chế. Một số cán bộ chưa có tư duy sáng tạo và đổi mới trong giải quyết công việc; thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung; đặc biệt là thiếu hụt kỹ năng công nghệ để cập nhật các phần mềm quản lý hiện đại làm giảm hiệu quả công việc.

Vậy đâu là giải pháp, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, mặc dù Hà Nội có những bước tiến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và điểm nghẽn đáng lưu ý. Để tiếp tục vươn lên thành một đô thị văn minh, hiện đại, Hà Nội cần có những giải pháp toàn diện và bền vững nhằm khắc phục những khó khăn hiện tại, đồng thời phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình phát triển đã được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra. Trong quá trình nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định 4 khâu đột phá phát triển gồm thể chế và quản trị; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đô thị, môi trường và cảnh quan.

Đồng thời, cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 7 giải pháp chủ yếu, trong đó đặc biệt quan tâm đến giải pháp huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông kết nối và áp dụng công nghệ thông minh để cải thiện ùn tắc.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 13

Ngay sau khi Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, TP Hà Nội sẽ tập trung vào việc triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch. Đây không chỉ là một nhiệm vụ mang tính chất kỹ thuật mà còn là một chương trình mang tính chiến lược quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bản kế hoạch này bao gồm việc phân ra thành các nhiệm vụ cụ thể, các chương trình và dự án đi kèm với phân kỳ đầu tư để đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ các nguồn lực bên ngoài. Sự kết hợp này sẽ tạo nên một bộ khung vững chắc cho việc phát triển đô thị bền vững.

Một điểm cần lưu ý chính là việc triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), với những cơ chế, chính sách đặc thù, không chỉ nhằm tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi mà còn tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư và khuyến khích các hoạt động kinh tế, xã hội. Điều này sẽ góp phần tạo ra thế và lực mới cho Thủ đô trong tương lai.

Trong định hướng phát triển, việc huy động các nguồn lực không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là sự tham gia của doanh nghiệp và người dân. Tất cả các nỗ lực này đều hướng tới mục đích cao nhất, đó là phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Ngoài các nguồn lực cơ bản như khoa học và công nghệ, tài chính, và tài nguyên thiên nhiên, yếu tố con người và văn hóa sẽ là động lực quan trọng, là trung tâm của sự phát triển Thủ đô. Chúng ta cần xây dựng một môi trường sống văn minh, hiện đại; hướng tới một thành phố xanh và thông minh, nơi đáng sống, đáng cống hiến.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 15

Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh cũng như trong chuyển đổi số. Vậy quan điểm của ông như thế nào về việc áp dụng vấn đề này để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô?

- Thời gian vừa qua, Hà Nội đã và đang trong quá trình triển khai quyết liệt triển khai thực hiện chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thành phố thông minh là một mô hình đô thị sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để cải thiện chất lượng dịch vụ công cộng và hiệu quả vận hành cơ sở hạ tầng. Hà Nội, với mục tiêu trở thành một thành phố thông minh, không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà còn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việc áp dụng công nghệ trong quản lý giao thông, y tế, giáo dục, môi trường và an ninh là rất cần thiết để giải quyết những thách thức mà đô thị lớn như Hà Nội đang đối mặt.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 17

Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố cốt lõi để thay đổi phương thức làm việc và tương tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Sự chuyển mình này tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ví dụ, việc triển khai các hệ thống quản lý dữ liệu lớn có thể giúp chính quyền theo dõi và phân tích nhu cầu của dân cư, từ đó đưa ra các chính sách kịp thời và hợp lý.

Tích hợp văn hóa và con người vào phát triển. Đặc biệt, trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số, Hà Nội chú trọng đến văn hóa và con người, như được nêu trong Quy hoạch Thủ đô. Văn hóa không chỉ là sản phẩm của sự phát triển mà còn là nền tảng tạo ra sự kết nối giữa cư dân.

Việc phát triển các ứng dụng công nghệ phải đi đôi với việc khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, giáo dục và cộng đồng, giúp họ cảm thấy gắn bó và nhận thức rõ giá trị của sự phát triển bền vững.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ khoa học công nghệ cho đến tài chính là rất quan trọng.

Tới đây, TP Hà Nội sẽ xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động, đồng thời thúc đẩy sự kết nối giữa các doanh nghiệp công nghệ và cơ quan Nhà nước. Điều này không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 19

Như vậy, việc xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là mục tiêu định hướng trong quy hoạch mà đang trở thành yếu tố quyết định mang tính cốt lõi để Thủ đô Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững và đồng bộ, đời sống người dân hạnh phúc.

Chỉ khi kết hợp giữa công nghệ và con người, chúng ta mới có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng một Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại trong tương lai.

Con người là mục tiêu và động lực phát triển của Hà Nội - 21

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Bạch Huy Thanh

Ảnh: Nguyễn Hải

Thiết kế: Thiết kế: Thủy Tiên