DMagazine

Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19

(Dân trí) - Ra đi khi đang làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 mà chưa kịp nhìn mặt chồng con, đến nay gia đình một số nữ cán bộ khu phố tại TPHCM vẫn mong mỏi được thành phố ghi nhận, tri ân.

Chuyện buồn thương trong những căn nhà nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống dịch Covid-19 ở TPHCM

(Dân trí) - Ra đi khi đang làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 mà chưa kịp nhìn mặt chồng con, đến nay gia đình một số nữ cán bộ khu phố tại TPHCM vẫn mong mỏi được thành phố ghi nhận, tri ân.

Đại dịch Covid-19 khốc liệt đã cướp đi sinh mệnh của hơn 21.000 bệnh nhân ở TPHCM. Trong số này có nhiều nữ cán bộ phường, khu phố đã vĩnh viễn nằm xuống để góp phần giúp hàng triệu người dân vượt qua dịch bệnh. Ra đi khi đang làm nhiệm vụ, họ đa phần có chung một hoàn cảnh đau lòng, là không được nhìn mặt người thân khi nhắm mắt từ giã cuộc đời.

70 ngày ra đi thầm lặng

Trưa nắng, hành lang tầng 5, chung cư Chu Văn An (phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM) bỗng vọng lên tiếng cải lương chầm chậm. Thanh âm ấy phát ra từ bên trong cánh cửa có gắn số 507 đang khép hờ.

Khẽ đẩy cửa bước vào, một phụ nữ đang phe phẩy chiếc quạt giấy trên tay, ánh mắt ngẩn ngơ. Gần đó có chiếc bàn thờ nhang vừa tàn, khói hương tắt lịm.

Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 1

Em gái cô Do ngơ ngác sau ngày chị qua đời (Ảnh: Hoàng Lê).

"Em gái vợ tôi đó, đầu óc lúc tỉnh lúc mê. Mười mấy năm nay, vợ tôi đưa từ quê lên để tiện bề chăm sóc. Giờ thì…" - chú Nguyễn Phan Đức (66 tuổi, quê TPHCM) giải thích bằng câu nói ngắt quãng, xa xăm. Hơn 2 tháng qua, ngôi nhà của họ cứ trầm buồn như vậy, kể từ khi cô Vũ Thị Do (70 tuổi, vợ chú Đức) vĩnh viễn ra đi.

"Bây giờ nghĩ đến bà ấy, tôi vẫn chảy nước mắt", chú Đức lại thẩn thờ, buột miệng.

Người chồng kể, vợ mình trước đây là dược sĩ ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (quận 5). Từ ngày về chung cư Chu Văn An (quận Bình Thạnh) sống, người phụ nữ nghỉ việc chuyển sang bán hàng bông ở chợ. 4 năm nay được mọi người tín nhiệm, cô Do được bầu làm tổ phó tổ dân phố 86 của khu phố 6, phường 26.

Những ngày siết chặt giãn cách, tất cả các công việc từ lập danh sách lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine Covid-19, phát gói an sinh cho người dân đều do cán bộ khu phố trong đó có cô Do đảm trách. Thương vợ vất vả chống dịch, chú Đức càng lo lắng khi vợ có tiền sử dị ứng thuốc, lại bị suy thận, tiểu đường, tim mạch... không được tiêm vaccine ngoài cộng đồng.

"Lúc ấy nơi nào cũng quá tải, chỉ biết cầu nguyện, rằng 'trời kêu ai nấy dạ'. Không ngờ mọi chuyện lại đến nhanh như vậy" - chú Đức ngậm ngùi.

Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 2
Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 3
Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 4

Bi kịch bắt đầu vào ngày 20/8. Khi đang lo các công việc hỗ trợ người dân khu phố, cô Do lên cơn sốt, ho. Chỉ vài giờ sau, người phụ nữ lâm vào khó thở nặng, không còn bước đi được. Hoảng hốt, người con trai lớn vội gọi xe cấp cứu đến.

"Con trai và y tế phường kẹp nách bà ấy ra xe, đưa vào khu cách ly trường học một đêm. Rồi vợ tôi được chuyển qua bệnh viện dã chiến. Sáng 22/8, bác sĩ gọi cho tôi, nói bà ấy đã mất vì thở máy không nổi, bệnh quá nặng. Tôi còn nhớ lúc đó là 4 giờ 50 phút" - người chồng kể như mọi chuyện vừa xảy ra hôm qua.

Theo chú Đức, vì tình hình dịch phức tạp, mãi đến ngày 29/8, cô Do mới được đưa đi hỏa táng. Và thêm 3 ngày nữa, người chồng mới được ôm vợ trên tay, khi đã trở về nhà trong hũ tro cốt nhỏ.

"Không tưởng tượng nỗi. Lấy nhau từ năm 1977, sống với nhau 44 năm, con trai lớn đã 43 tuổi. Bao nhiêu kỷ niệm mà đến khi bà ấy chết lại không được thấy mặt" - người chồng đau đớn.

Những ngày nhà có người vừa mất vì Covid-19, cuộc sống của gia đình chú Đức đảo lộn. Bà con họ hàng muốn đem đồ đến tiếp tế cũng chỉ dám đứng từ xa.

"Một tháng vợ tôi lãnh được 350.000 đồng. Dân khó tính, mắng với tổ trưởng, tổ phó nhiều nhất. Mỗi lần đi thu tiền này tiền kia là lại bị phản ứng. Nhưng bà ấy không nề hà gì" - người chồng trầm ngâm chia sẻ về "cái nghề" của vợ.

Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 5
Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 6

Sống ở tổ 86 hơn 10 năm, ông Phạm Văn Quang (54 tuổi) luôn giữ một phần ký ức về một hàng xóm hiền lành, một tổ phó hết lòng với bà con, từ chuyện ghi số điện nước, đến thống kê danh sách người khó khăn cần hỗ trợ mùa dịch. "Bà ấy già rồi mà tích cực hoạt động lắm, luôn sống hòa nhã với hết thảy" - người bảo vệ chung cư Chu Văn An chia sẻ.

80 ngày không còn vợ, cuộc sống chú Đức quanh quẩn trong hai từ "trống vắng". Hồi xưa đi chạy xe ôm về có vợ tiếng lớn, tiếng nhỏ. Bây giờ thui thủi một mình. Có điều làm chú Đức hơi chạnh lòng, là nghe thông tin nhiều người được địa phương ghi nhận vì thành tích hy sinh trong chống dịch Covid-19, còn cô Do thì vẫn chỉ có chú ngày đêm nhang khói lặng lẽ.

"Giờ dân còn khổ nhiều, chắc địa phương bận lo cho dân. Tôi cũng không mong đợi gì. Miễn tôi biết bà ấy đã làm được việc tốt trước khi ra đi, là được!" - chú Đức tâm sự.

Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 7

Chú Đức có chút chạnh lòng khi vợ hy sinh vì Covid-19 nhưng chưa được tri ân (Ảnh: Hoàng Lê)

Đã đề xuất khen thưởng, nhưng chưa thấy phản hồi

Với anh Nguyễn Quốc Thái (48 tuổi), 71 ngày xa chị Lương Ngọc Tâm (46 tuổi) là quãng thời gian tận cùng đau khổ. Trước đó, vợ anh là tổ phó tổ dân phố 81A, thuộc khu phố 6, phường 26 (quận Bình Thạnh).

Nhớ lại những ngày dịch bệnh đã qua, anh Thái chỉ thấy vợ đi suốt. Khi thì kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ người nghèo, lúc đi phát rau, gạo muối, lập danh sách những ai cần hỗ trợ. Nhưng đến khi chính mình lâm nạn, chị Tâm cũng phải chịu cảnh ra đi trong cô quạnh.

Cay đắng nhất với người chồng là việc vợ mất giữa lúc ai cũng tưởng mọi thứ đã ổn, khi đã được tiêm một mũi vaccine Covid-19.

"Cấp cứu có một ngày một đêm. Tôi đưa vợ chuyển viện, về lấy bảo hiểm y tế chưa kịp lên thì bác sĩ đã báo mất rồi. Cô ấy mất ngày 8/8, sau khi đi chích về khoảng 10 ngày" - anh Thái nghẹn ngào.

Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 8

Anh Thái đau buồn thắp nén nhang cho chị Tâm (Ảnh: CTV).

Thắp nén nhang lên bàn thờ vợ, ánh Thái nói lúc trước vì muốn tập trung lo cho các con, vợ anh từng xin nghỉ làm tổ phó một thời gian. Nhưng sau này khi đi họp, phường có vận động đi làm lại. Thương bà con và cũng muốn góp sức đẩy lùi dịch bệnh, bà xã anh Thái đồng ý.

"Dịch này, cô ấy tham gia lập danh sách hỗ trợ Covid-19 cho bà con được 2 đợt. Đến đợt thứ 3 thì không kịp nữa…" - người chồng chia sẻ.

Chị Tâm ra đi, để lại người chồng hay đau bệnh và 3 đứa con. Ngoại trừ con trai lớn đi phụ bãi xe giúp gia đình, hai con gái nhỏ vẫn đang còn tuổi ăn học. Mất mẹ với các em đến giờ này vẫn là một cú sốc lớn, khiến gánh nặng con chữ như càng nặng nề hơn.

Trước đây, anh Thái làm ngành du lịch. Từ ngày đau bệnh liên miên, thiếu máu não và hay cao huyết áp, anh đã xin hưu sớm vì không làm nặng nổi. Mong ước của anh là có đủ sức khỏe để lo cho mấy đứa nhỏ đến nơi đến chốn thay vợ. Gà trống nuôi con, cố lay lắt sống qua ngày.

Cũng theo anh Thái, hồi vợ anh mới mất, địa phương có nói sẽ đề xuất lên Thành phố khen thưởng chị đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Đến giờ, anh vẫn chưa thấy thông báo mới từ phường, nên có hơi chạnh buồn.

"Tôi không ham gì tiền thưởng, chỉ mong mọi người có thể đến thắp nén nhang cho vợ tôi là được rồi. Lúc cô ấy qua đời tình hình dịch đang căng thẳng nên không ai đến được, bây giờ thì đã khác..." - anh Thái nói.

Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 9
Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 10
Chuyện buồn thương về những nữ cán bộ khu phố qua đời khi chống Covid-19 - 11

Trả lời Dân trí, bà Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh cho biết, có một số tiêu chí để những cán bộ hy sinh vì Covid-19 được tri ân, như hăng hái tham gia công tác phòng chống dịch ở địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, tổ Covid-19 cộng đồng hoạt động tích cực...

Khi nghe nhắc đến chị Lương Ngọc Tâm, bà Lê Nhật Hương, cán bộ Văn phòng thống kê, UBND phường 26 (quận Bình Thạnh) thừa nhận, đây là một trong những cán bộ tuyến cơ sở vô vùng lăn xả, không ngại hiểm nguy. Do đó khi chị mất vì Covid-19, ai cũng đau xót.

"Chị Tâm chủ động nhường suất tiêm vaccine cho mọi người, vì khu vực đó nhiều nhà trọ, dân nghèo nhiều. Đến khi qua đời, chồng con còn chưa tiêm" - bà Hương nói.

Cũng theo đại diện phường, từ ngày 11/10, sau khi rà soát danh sách, địa phương đã gửi đề xuất khen thưởng cho chị Tâm vì đã hy sinh khi làm nhiệm vụ chống dịch. Đến nay, phường vẫn đang chờ xét duyệt từ UBND TPHCM.

Riêng trường hợp của bà Vũ Thị Do qua đánh giá nhiều tiêu chí, không nằm trong danh sách đề xuất truy tặng bằng khen của địa phương.

Ngày 5/10, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1667, truy tặng bằng khen lần 2 của Thủ tướng Chính phủ cho 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chống dịch Covid-19 ở TPHCM.

21 cá nhân này là những tấm gương tiêu biểu tham gia phòng, chống dịch ở cơ sở, thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng hay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, lực lượng bảo vệ dân phố, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố… Họ nhiễm Covid-19 khi đang làm nhiệm vụ chống dịch và anh dũng hy sinh để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.

Trước đó, vào tháng 9, đã có 18 cá nhân được truy tặng bằng khen sau khi mất vì tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, Thành phố trân trọng, ghi nhận tất cả cán bộ nhân viên của tất cả các bộ ngành, địa phương, đến giúp mình chống dịch. Đối với lực lượng chống dịch tại chỗ, Thành phố đang tiếp tục tổng hợp để có hình thức khen thưởng phù hợp, như có thư khen, giấy khen và những hình thức khen thưởng cao hơn, tùy vào đóng góp. Về việc này, Ban thi đua khen thưởng phối hợp với Sở Y tế TPHCM sẽ tổng hợp danh sách từ các địa phương.

Hoàng Lê - Việt Đức