"Tiêm chéo" 2 mũi vaccine Covid-19: Chuyên gia khuyến cáo khi tiêm mũi 3
(Dân trí) - TPHCM đã có kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và cả mũi 4, dự kiến bắt đầu từ tháng 11. Nhiều ý kiến thắc mắc nếu 2 mũi đầu "tiêm chéo" các loại vaccine khác nhau thì nên tiêm mũi thứ 3 thế nào?
Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành Y tế TPHCM - đợt dịch lần thứ 4, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, dự kiến 2 tháng cuối năm 2021, Thành phố sẽ tiêm vét 2 mũi cho tất cả trường hợp trên 18 tuổi. Đến cuối tháng 11 cũng sẽ tiêm xong 2 mũi cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Đồng thời, TPHCM có kế hoạch tiêm nhắc mũi 3 vaccine Covid-19 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch vào tháng 11-12. Đến năm 2022, sẽ tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người đủ thời gian quy định của Bộ Y tế.
Sau thông tin này, có nhiều ý kiến thắc mắc, nếu 2 mũi đầu tiêm chéo các loại vaccine khác nhau thì nên tiêm mũi thứ 3 thế nào? Ngoài ra, nếu đã tiêm cùng một loại vaccine thì mũi 3, cần tiêm loại vaccine nào để đảm bảo có kháng thể tốt nhất?
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết: Xét về nguyên tắc, việc tiêm mũi cơ bản thứ 2 và tiêm mũi tăng cường (còn gọi là mũi 3) vaccine phòng Covid-19, nên sử dụng các loại có kháng nguyên giống nhau thì mới kích thích được các tế bào có trí nhớ miễn dịch tạo ra kháng thể.
Điều này cũng tương tự như muốn nhớ lại một hình ảnh nào đó, thì hình ảnh mới phải giống hoặc gần giống hình ảnh cũ. Vì vậy, cách chắc chắn nhất để chọn lựa vaccine cho mũi tăng cường là sử dụng cùng loại vaccine cho tất cả các mũi tiêm.
Theo PGS Dũng, nghiên cứu cho thấy khi sử dụng cách sử dụng vaccine này thì đáp ứng miễn dịch rất tốt. Như nghiên cứu "SARS-CoV-2 Neutralization1 with BNT162b2 Vaccine Dose 3" của Robert Frenck, thử nghiệm trên người tiêm mũi một, mũi 2 và mũi 3 đều là vắc xin Pfizer. Nghiên cứu này cho thấy ở người 18-55 tuổi, nếu trước khi tiêm mũi 3 vaccine hiệu giá kháng thể chỉ là 83, sẽ lên đến 1754 sau khi tiêm mũi 3.
Đặc biệt, nếu một tháng sau khi tiêm mũi 2 thì kháng thể giảm dần (từ 497 xuống còn 387), còn sau khi tiêm mũi 3 một tháng thì kháng thể lại tăng lên (từ 1,754 lên 2,119). Điều này cho thấy, tiêm cùng loại vaccine là rất tốt nếu mũi 1 và mũi 2 cùng loại (với vaccine Pfizer hoặc Moderna).
Tuy nhiên PGS Dũng nhận định, do tiên liệu việc cung ứng vaccine có thể khó khăn và dựa trên các lý thuyết miễn dịch, một số nhà khoa học đã thăm dò khả năng sử dụng loại vaccine khác để tiêm mũi tiêm tăng cường.
Qua phân tích các số liệu, có thể kết luận, nếu các mũi tiêm cơ bản sử dụng vaccine mRNA như Pfizer và Modera thì có thể sử dụng bất kỳ loại vaccine nào để tăng mũi tiêm tăng cường.
Nếu các mũi tiêm cơ bản sử dụng loại vaccine yếu hơn (như vaccine Ad26.COV2.S - vaccine Janssen/Johnson & Johnson, là vaccine vectơ adenovirus) thì nên sử dụng vắc xin mRNA để làm mũi tiêm tăng cường để có đáp ứng miễn dịch tốt hơn.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, tính đến ngày 31/10, Việt Nam đã tiêm gần 82 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó tiêm mũi đầu là hơn 57,3 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 24.5 triệu liều.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cập nhật, đến chiều 31/10, hơn 5,7 triệu người dân Thành phố đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ngoài ra sau 5 ngày triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, TPHCM đã tiêm vaccine cho hơn 445.000 trẻ, bao gồm trên 200.000 trẻ 16-17 tuổi và hơn 245.000 trẻ 12-15 tuổi.