(Dân trí) - Nhiều khí tài hiện đại được Binh chủng Pháo binh mang đến trưng bày tại Triển lãm - Hội chợ Việt Bắc 2019 để phục vụ người dân tham quan.
CHIÊM NGƯỠNG DÀN PHÁO "KHỦNG" CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Nhiều khí tài hiện đại được Binh chủng Pháo binh mang đến trưng bày tại Triển lãm - Hội chợ Việt Bắc 2019 để phục vụ người dân tham quan.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm quân sự, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Quân đội Nhân dân Việt Nam còn là “Đội quân công tác”, góp phần quan trọng tạo lập và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa; là đội quân lao động sản xuất trên tinh thần tự lực, tự cường, chăm lo sản xuất, xây dựng kinh tế, giảm một phần đóng góp của dân, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, nhất là ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
“Với bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang, chúng ta tin tưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thật sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân Việt Nam - một nền quốc phòng vì hòa bình và phát triển”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Kíp pháo thủ tiêu chuẩn của M46 130mm là 8 người. Phân hạng pháo xe kéo và với khối lượng 8,45 tấn của M46, để di chuyển M46 đảm bảo trong các loại địa hình người ta sẽ cần một xe tải nặng để kéo nó.
Các loại đạn pháo sử dụng cho pháo nòng dài M46 gồm: đạn pháo nổ mảnh 0F-43 và OF-44 có tầm bắn lần lượt là 27km và 22km; đạn pháo tăng tầm tầm bắn 38km; đạn xuyên giáp chống tăng tầm bắn chỉ khoảng 1.140m nhưng là bắn trực tiếp ngắm bắn qua nòng pháo và các loại đạn cháy, đạn khói lẫn đạn hóa học.
M46 được công khai với các quan sát viên phương Tây vào năm 1954 (nên nó được gọi là M1954) và đi vào trang bị trong quân đội các nước thân thiện với Liên Xô từ Trung Đông, châu Phi, Nam Mĩ đến châu Á và Đông Âu. Việt Nam đã nhận được những khẩu M46 đầu tiên từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sử dụng tới tận ngày nay.
Cũng trong triển lãm lần này, có khẩu pháo 152 - D20 là loại pháo chiến dịch có uy lực mạnh nhất trong các loại pháo rãnh xoắn thuộc biên chế trang bị của QĐNDVN, đã tham gia nhiều trận đánh và lập nhiều thành tích trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ biên giới.
Pháo D-20 có trọng lượng lên tới 5,7 tấn, khi di chuyển cần có xe tải kéo và trên chiến trường, khẩu pháo này cũng tỏ ra khá nặng nề nếu được vận hành chỉ bởi sức người. D-20 cũng là khẩu lựu pháo đầu tiên của Liên Xô có cỡ nòng 152mm và tầm bắn xa vượt 20km.
Lựu pháo D-20 từng là khẩu pháo nguy hiểm bậc nhất trong tay binh chủng pháo binh Việt Nam. Đây là khẩu pháo do Liên Xô thiết kế, ra đời từ năm 1950 và được Việt Nam sử dụng khá nhiều trong biên chế.
Ngoài ra, còn có lựu pháo D-30 cỡ nòng 122mm là một trong những vũ khí chủ lực của Pháo binh Việt Nam, bên cạnh những mẫu pháo kéo như D-20, M-46, M-30 hay M101. D-30 được đánh giá là ứng cử viên thay thế cho mẫu pháo kéo M-30 cùng cỡ nòng 122mm vốn đã phục vụ trong biên chế quân đội ta suốt nhiều thập kỷ qua.
Lựu pháo D-30 122mm được xem là một trong những dòng lựu pháo thành công nhất của Liên Xô, khi có hơn 60 nước trên thế giới sử dụng. Một trong những điểm đặc biệt nhất của D-30 là dùng bệ pháo 3 chân, cho phép pháo thủ nhanh chóng quay pháo 360 độ.
Đỗ Quân