Chi tiết phương án lấy nước sông Hồng đi xuyên đê hồi sinh sông Tô Lịch
(Dân trí) - Liên ngành của Hà Nội chọn phương án làm tuyến ống bằng thép dẫn nước sông Hồng qua đê Hữu Hồng, đi thẳng dọc đường Võ Chí Công và bổ cập vào sông Tô Lịch thay vì làm ống thép xuyên hồ Tây.
Nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường, hồi sinh dòng sông này.
Nhiệm vụ cấp bách
Nước sông Tô Lịch hiện bị ô nhiễm nặng nề, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe của người dân khu vực dọc hai bên sông. Hà Nội đã chi hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án nhằm cải thiện môi trường dọc sông Tô Lịch nhưng chưa đạt kỳ vọng.
Theo Sở Xây dựng, việc triển khai một dự án bổ cập khẩn cấp cho sông Tô Lịch từ thượng lưu sông hiện nay phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội, sớm khôi phục dòng sông Tô Lịch là nhiệm vụ cấp bách của thành phố.
Vấn đề này được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo thực hiện và được nhân dân thủ đô quan tâm.
Để bổ cập nước cho sông Tô Lịch và hồ Tây, Sở Xây dựng cho rằng cần xây dựng trạm bơm lấy nước từ sông Hồng và hệ thống đường dẫn nước vào hồ Tây và sông Tô Lịch, trạm bơm xây dựng ngoài đê bờ hữu sông Hồng và đường dẫn nước.
Căn cứ vào điều kiện địa hình khu vực dự kiến xây dựng công trình, hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật và chế độ thủy văn trên sông Hồng hiện nay, sở Xây dựng cho biết sẽ xây dựng công trình đầu mối trạm bơm ngoài đê trên bờ hữu sông Hồng dự kiến tại khu vực phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) nằm ngoài hành lang bảo vệ cầu Nhật Tân.
Không làm ống thép xuyên hồ Tây?
Về điểm cắt đê, Sở Xây dựng cho biết, tuyến ống đi qua đê Hữu Hồng - đường An Dương Vương tại vị trí dưới gầm cầu Nhật Tân.
Liên Sở Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về phương án kỹ thuật, giải pháp qua đê An Dương Vương và vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Về phương án hướng tuyến ống cấp nước, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra hai phương án.
Phương án 1: Tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.
Trên tuyến Võ Chí Công có bố trí đầu chờ chia nước để theo tuyến ống dẫn nước đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây (việc tính toán xử lý nước trước khi xả vào hồ Tây được thực hiện theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận do UBND quận Tây Hồ thực hiện).
Phương án 2: Tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đến khu vực Lotte Mall Tây Hồ đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy để vào hồ Tây (việc tính toán xử lý nước trước khi xả vào hồ Tây được thực hiện theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận).
Từ hồ Đầm Bảy theo đường ống dưới lòng hồ về cửa điều tiết A thoát về cống ngầm TE3, từ đó nước theo cống ngầm TE3 chảy tự nhiên về điểm đầu sông Tô Lịch tại cống qua đường Hoàng Quốc Việt.
Phương án 1 có ưu điểm là tuyến thẳng, đi độc lập và hoàn toàn trên vỉa hè tuyến đường Võ Chí Công.
Phương án 2 có ưu điểm là hướng tuyến thi công ngắn hơn, bổ cập vào hồ Tây và tận dụng được mương TE3 sẵn có.
Liên ngành thống nhất lựa chọn phương án 1, tuyến ống đi thẳng dọc đường Võ Chí Công bổ cập vào sông Tô Lịch tại cuộc họp gần đây.
Về giải pháp kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất lưu lượng bổ cập nước cho sông Tô Lịch và hồ Tây là 3,0m3/s; kích thước đường ống dẫn nước đường kính D1200 (bố trí 2 đường ống thép, 1 ống dự phòng có đường kính D1200 đặt trong hộp bằng bê tông cốt thép); dự kiến đặt 3 đập dâng tại vị trí Cống Mọc, cầu Dậu và vị trí trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu.
Nước thải vẫn xả thẳng vào sông Tô Lịch
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố (Ban Nông nghiệp) và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội kiểm tra, rà soát hiện trạng các cửa xả nước thải xuống sông Tô Lịch.
Qua kiểm tra, đoạn bờ trái từ đường Hoàng Quốc Việt đến đập Thanh Liệt và bờ phải đoạn từ đường Lê Văn Lương đến đập Thanh Liệt có 182 cửa xả, đã được xây dựng hệ thống cống bao và các giếng tách thu gom nước thải thuộc phạm vi gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và tuyến chính của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá).
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 26 cửa xả nước vào sông Tô Lịch, theo Sở Xây dựng Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng cho biết, đoạn bờ phải từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường Lê Văn Lương có khoảng 55 cửa xả chưa được tách nước thải, không thuộc phạm vi gói thầu số 2 dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch chủ yếu thuộc lưu vực S2 và một phần thuộc lưu vực S3.
Đối với lưu vực S2, nước thải được thu gom và xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Hiện dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã được đầu tư xây dựng với 4 gói thầu xây lắp chính (hiện chậm tiến độ).
Đối với lưu vực S3, nước thải được thu gom và xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Phú Đô. Hiện nước thải của lưu vực S3 chưa được thu gom tách nước thải khỏi sông Tô Lịch.
Để đảm bảo thu gom nước thải triệt để dọc sông Tô Lịch, đối với 26 cửa xả chưa thu gom nước thải thuộc phạm vi dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP Hà Nội giao Ban Nông nghiệp chủ trì cùng đơn vị tư vấn rà soát hiện trạng và các hạng mục đã triển khai thực hiện của dự án, đề xuất giải pháp thu gom nước thải triệt để, bổ sung vào gói thầu số 2.
Đối với 55 cửa xả còn lại, Sở Xây dựng đề xuất thành phố giao Ban Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, có các giải pháp đảm bảo thu gom nước thải triệt để và tránh chồng lấn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Theo Hà Nội, nước sông Tô Lịch hiện ô nhiễm nặng nề, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe của người dân khu vực dọc hai bên sông.
UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép thành phố xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường có ý kiến bằng văn bản về báo cáo, đề xuất của UBND TP Hà Nội trước ngày 10/1.