(Dân trí) - "Nhìn bên ngoài thấy nhà 3-4 tầng khang trang nhưng thực tế ở trong họ chia nhỏ làm nơi cư trú của 5-7 hộ. Vào tận nơi chúng tôi mới biết bà con không còn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm".
"Nhìn từ bên ngoài thấy nhà người dân 3-4 tầng khang trang nhưng thực tế ở trong họ chia nhỏ làm nơi cư trú của 5-7 hộ. Vào tận nơi chúng tôi mới biết bà con không còn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Họ nhận túi an sinh, khóc vì cảm động. Họ không nghĩ được chính quyền quan tâm như thế", lãnh đạo Phường 4, Quận 3 chia sẻ.
Dịch Covid-19 tại TPHCM đang bước vào những ngày căng thẳng nhất. Cơn bão đại dịch quét tới mọi ngõ ngách của thành phố triệu dân, bỏ lại sau đó khung cảnh tĩnh lặng, im lìm.
"Người giàu cũng khóc" là hình ảnh được nhiều người lắc đầu nghĩ tới khi nhìn thấy hàng nghìn cửa hàng lớn đóng cửa, những nguồn thu nhập lớn bị thổi bay trong đợt bùng phát dịch lớn nhất tại TPHCM.
Còn đối với những người nghèo, lao động trên đường phố, họ cũng thổn thức, nhưng không phải vì mất đi khối tài sản lớn.
Họ sẽ sinh tồn thế nào giữa quãng thời gian giãn cách, khi những gánh hàng trên đường phố, những chiếc xe đẩy bán đồ bị bỏ lại, thu nhập gần như bằng không trong những tháng qua. Đó là câu hỏi bức bối cần sự trả lời từ các cấp chính quyền và cả cộng đồng để thật sự "không ai bị bỏ lại", trong trận chiến mang tính quyết định này.
"Ăn Quận 5, nằm Quận 3", câu vè quen thuộc đã gói gọn đặc điểm của một quận nằm giữa trung tâm TPHCM. Với nhiều tòa nhà, cao ốc lớn, khang trang, không gian yên tĩnh cùng cơ sở hạ tầng hiện đại, Quận 3 là lựa chọn lý tưởng để làm nơi an cư, lập nghiệp.
Nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Quận 3 cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng cơn bão đang quét qua mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trong quãng thời gian giãn cách, khi tất cả hàng quán, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, thế mạnh về nền kinh tế dịch vụ của Quận 3 trước đây vô tình để lại khoảng trống lớn cho sinh kế người dân trên địa bàn.
Theo thống kê của UBND Quận 3, toàn địa bàn đang có khoảng 51.000 hộ dân thường trú và tạm trú. Trong đó, 16.500 hộ đang gặp khó khăn, cần hỗ trợ an sinh xã hội, chiếm hơn một phần ba tổng số hộ.
Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND Quận 3, cho biết khi TPHCM bước vào đợt siết chặt giãn cách từ ngày 23/8, địa phương đã tập trung danh sách người nghèo, cận nghèo, người gặp khó khăn để cung cấp lương thực, thực phẩm. Trong đó, chính quyền sẽ cung cấp các túi an sinh cho hộ khó khăn mỗi tuần một lần và đi chợ thay cho những người ít khó khăn hơn.
"Quận đã chủ động nguồn lực để chăm lo cho người dân, không chờ các nguồn khác. Cứ mỗi 2 tuần, Quận 3 sẽ cung cấp 18.000 túi an sinh cho các hộ dân cần giúp đỡ tại tất cả các phường", bà Hằng thông tin.
Các túi an sinh của Quận 3 không chỉ có lương thực, thực phẩm cơ bản mà còn đảm bảo đủ chất để người dân yên tâm tăng cường sức khỏe, sức đề kháng. Những túi an sinh được ưu tiên hỗ trợ cho các hộ khó khăn, hộ gia đình có F0 đang điều trị.
Để tiếp nhận thông tin người gặp khó khăn, Quận 3 cũng thiết lập các đường dây nóng để chính quyền hỗ trợ tận nhà. Việc hỗ trợ trong thời điểm này không phân biệt giàu, nghèo, bên trong hay bên ngoài khu phong tỏa.
Tuy nhiên, chính quyền Quận 3 cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong công tác hỗ trợ trong đợt bùng phát dịch lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, khó khăn lớn nhất đến từ nguồn lực phục vụ công đoạn lập danh sách người cần hỗ trợ.
"Hiện nay, lực lượng lên danh sách người cần hỗ trợ hầu hết là cô chú đã lớn tuổi, dễ bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Họ cũng có phần e ngại, nhưng nếu không lập danh sách, sẽ không phát hàng được, nếu lập danh sách không kỹ, việc hỗ trợ sẽ bị trùng lặp", lãnh đạo Quận 3 chia sẻ.
Đường Nguyễn Thượng Hiền (Phường 4, Quận 3) từng là một trong những địa điểm náo nhiệt nhất TPHCM, được biết đến là thiên đường ẩm thực đường phố. Từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, mọi hoạt động trên tuyến đường này đã phải tạm ngừng, thu nhập các hộ dân nơi đây gần như bằng không sau khi toàn bộ dịch vụ ăn uống phải đóng cửa.
Chiếc cửa xếp được đẩy sang một bên, phía trong nhà, những hộp bánh tráng trộn, cơm cháy chà bông được xếp ngay ngắn trên kệ tủ đã phủ bụi. Chưa kịp chào chúng tôi, phía trên gác, đứa cháu gái gọi vọng xuống "bà ơi, trưa nay ăn gì?".
Căn nhà trọ giữa con phố ẩm thực ngày nào là nơi bà Liên (68 tuổi) cùng đứa cháu gái đang học cấp 2 sinh sống. Bà kể, những ngày dịch bệnh chưa ập tới, đây là nơi con dâu bà bán những thứ đồ ăn vặt cho các em học sinh mỗi giờ tan tầm, còn bà vẫn đẩy chiếc xe chất đầy thứ quà của Sài Gòn như cơm cháy, bánh tráng trộn… dọc con phố.
"Đứa con trai tôi nghiện 'xì ke', phá phách quá nên công an phường vừa đưa đi rồi. Còn đứa con dâu về quê thì thành phố giãn cách, chưa quay lại được, 2 bà cháu vẫn ở với nhau cả tháng nay", người phụ nữ thở dài.
Những ngày thành phố chưa giãn cách, gánh hàng của bà Liên mang lại thu nhập khoảng 100.000 đồng mỗi ngày, ngày nào ế lắm, bà cũng thu lại mấy chục nghìn sau khi trừ tiền hàng. Còn hiện tại, thu nhập của cả gia đình gần như bằng không.
Nhưng, việc thu nhập được bao nhiêu trong thời điểm hiện tại không còn là điều bà Liên quan tâm tới. Đối với bà, cùng nhiều người dân trên phố Nguyễn Thượng Hiền, có tiền cũng không thể đi chợ, mua đồ như quãng thời gian trước đây.
Ngoái đầu nhìn dọc con phố sâu hun hút, bà chia sẻ "Mới ngày nào, đám học sinh còn tíu tít mua bánh tráng trộn, cơm cháy, mà giờ đìu hiu quá. Buồn thì có buồn, nhớ thì có nhớ, nhưng giãn cách vẫn cần giãn cách. Chỉ mong dịch sớm qua đi, tiếng xe cấp cứu bớt lại".
Không may mắn như gia đình bà Liên, cách đó vài bước chân, cô Nguyễn Thị Son (52 tuổi), đang trải qua những ngày khó khăn nhất. Cách đây hơn một tháng, trận hỏa hoạn lúc nửa đêm đã lấy đi của cô tất cả gia sản tích trữ được từ trước đến nay, ngay cả căn nhà cũng không giữ lại được.
Nhưng điều cô nhận lại là sự đồng cảm của những người dân cùng khu phố. Hiện tại, cô được một người hàng xóm cho ở nhờ đến khi dịch bệnh qua đi.
"Tôi còn nhớ rõ hôm đó là ngày 11/7. Khoảng 2h sáng, lửa cháy lớn mà không ai kịp xoay sở. Tiền bạc, tài sản không còn, giấy tờ cũng mất hết. Nhưng vẫn may mắn vì đội cứu hỏa đến kịp thời, nên không ảnh hưởng đến tính mạng", cô Son nhớ lại.
Khoảng thời gian này, bà Liên, cô Son hay bất kỳ ai trên con phố Nguyễn Thượng Hiền đều chung một hoàn cảnh, dù trước đây họ từng ăn nên làm ra thế nào. Nhưng trong những ngày căng mình chống lại đợt dịch lớn nhất, mỗi người trong số họ đều hiểu, họ vẫn cần "ai ở đâu, ở yên đấy", cho đến khi cơn bão đại dịch thật sự qua đi.
Với đặc thù là địa bàn nằm ở trung tâm TPHCM, Quận 3 không còn hình ảnh những ngôi nhà nhỏ, lụp xụp giống các quận vùng ven. Tuy nhiên, khung cảnh bên ngoài không hoàn toàn phản ánh được những hoàn cảnh đang sinh sống bên trong.
Ông Lê Minh Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy Phường 4, Quận 3, cho biết các lực lượng chính quyền đã không ít lần gặp cảnh người sống trong những căn nhà khang trang, lại đang trải qua những ngày cơ cực vì dịch Covid-19. Theo ông Tuấn Anh, cụm từ "nhà giàu cũng khóc" đã phản ánh đúng tình trạng này.
"Có trường hợp, mình nhìn từ bên ngoài sẽ thấy nhà họ 3-4 tầng, khang trang. Tuy nhiên thực tế, họ chia nhỏ làm nơi cư trú của 5-7 hộ. Khi vào trong, chúng tôi mới biết họ không còn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nữa", lãnh đạo phường trung tâm Quận 3 kể lại.
Bí thư Đảng ủy phường 4 chia sẻ, khi nhận thông tin trên, các đoàn thể đã xuống tận nơi để trao các túi an sinh. Những người sinh sống bên trong đã khóc, họ khóc vì cảm động, không nghĩ rằng mình còn được phường quan tâm, để ý đến.
Trong suốt thời gian giãn cách xã hội, Phường 4 đã đảm bảo toàn bộ người dân trong khu phong tỏa đều nhận được gói an sinh từ TPHCM và Quận 3. Ngoài ra, phường đã tìm kiếm và áp dụng nhiều giải pháp mới như nhân rộng "vùng xanh", tổ chức các điểm bán hàng lưu động cho người dân và xây dựng điểm hỗ trợ F0.
Ngoài việc nắm bắt tình hình thực tế, Phường 4 cũng triển khai việc tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ qua các kênh phản ánh như đường dây nóng, mạng xã hội. Ngay khi tiếp nhận thông tin, trong vòng 30 phút, các lực lượng phải có mặt và giúp đỡ người dân nếu họ thật sự khó khăn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhà nhà phải cửa đóng, then cài, ở yên tại chỗ, việc đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân là điều tối cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế, với nguồn lực có hạn và số lượng nhân sự phải san sẻ cho công tác phòng, chống dịch, việc hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất cần những sự chung tay của xã hội, của cả cộng đồng.
Sau khi ghi nhận các câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn của người dân Quận 3 trong đợt dịch Covid-19, Ban biên tập Báo điện tử Dân trí lập tức khởi động chương trình trao tặng túi an sinh. Chỉ trong ít ngày, 2.000 túi an sinh tổng giá trị một tỷ đồng, do nguồn kinh phí đóng góp từ bạn đọc Báo điện tử Dân trí gửi đến thông qua Chương trình "Kiên cường Việt Nam", đã được đóng góp cẩn thận và gửi đến tận tay người dân trong các ngày 22 và 23/8.
Với những nhu, yếu phẩm thiết yếu, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, chương trình được thực hiện với hy vọng có thể giúp những trường hợp khó khăn nhất yên tâm "ai ở đâu ở yên đấy" trong ít nhất 7 ngày.
Sáng 23/8, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi, cùng đoàn công tác của Bộ, Quận ủy, UBND Quận 3, lãnh đạo Phường 4 (Quận 3), cùng cán bộ, phóng viên Báo điện tử Dân trí, đã đến thăm hỏi, động viên người dân nghèo, khó khăn ở đây.
Đi dọc tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền (Phường 4, Quận 3) giữa trưa nắng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống của người dân nơi đây trong thời gian giãn cách xã hội.
Sau khi động viên bà con khắc phục khó khăn, yên tâm ở nhà phòng dịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cùng đoàn công tác đã trao tặng hàng trăm túi an sinh tới tận tay người dân gặp hoàn cảnh khó khăn đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đứng bên trong cánh cửa sắt, bà Lê Thị Ái (68 tuổi) gửi lời cảm ơn đến đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, cùng Báo điện tử Dân trí vì phần quà thiết thực trong thời điểm này. Bà chia sẻ, túi an sinh mới phát không chỉ giúp đảm bảo được cuộc sống những ngày tiếp theo, mà còn khiến bà cảm thấy sự sẻ chia, chung tay của cả cộng đồng trong thời điểm hiện tại.
Bà lão tâm sự đang ở cùng đứa cháu ngoại 14 tuổi. Vì nhà chật hẹp, con gái cùng con rể của bà phải ở trọ xa để sinh sống và làm việc. Từ ngày toàn TPHCM giãn cách xã hội, bà chưa gặp lại được con mình.
Trước dịch, bà Ái bán hàng rong ở chợ Vườn Chuối để kiếm thêm tiền phụ giúp con và chăm lo cho cháu. Nhưng đã mấy tháng qua, gánh hàng rong của bà chỉ nằm im lìm trong góc nhà. Cuộc sống của hai bà cháu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ và giúp đỡ của địa phương cùng các nhà hảo tâm.
Tại buổi trao quà cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và TPHCM đã vào cuộc rất khẩn trương, triển khai nhiều gói hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời trong thời điểm dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, sự chung tay của cả cộng đồng, sự tương trợ từ đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cần được phát huy hơn bao giờ hết.
"Chương trình tặng 2.000 túi an sinh của bạn đọc Báo điện tử Dân trí hôm nay là một trong những ví dụ điển hình cho sự chung tay đó", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh và đánh giá cao những hoạt động của Báo điện tử Dân trí trong lĩnh vực an sinh xã hội tại địa bàn TPHCM thời gian qua.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị Quận 3 cùng Phường 4 tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, triển khai các gói cứu trợ từ ngân sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM tới tận tay người dân trong thời gian sớm nhất.
Thay mặt Đảng ủy, UBND Quận 3, bà Phạm Thị Thúy Hằng gửi lời cảm ơn đến bạn đọc Báo điện tử Dân trí và các nhà hảo tâm đã chung tay cùng địa phương, hỗ trợ kịp thời người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND Quận 3 cho rằng, những túi quà an sinh không chỉ đủ đầy lương thực, thực phẩm cơ bản, mà còn đủ chất để người dân tăng cường sức khỏe, đề kháng.
"Túi an sinh của Báo sẽ ưu tiên hỗ trợ trước tới những gia đình khó khăn và gia đình có F0. Những gia đình khác chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ tiếp tục được phân bổ hỗ trợ theo thứ tự", lãnh đạo Quận 3 cam kết.
Nội dung: Quang Huy - Thư Quỳnh
Ảnh: Phạm Nguyễn - Hải Long
Thiết kế: Khương Hiền