(Dân trí) - 5 năm thi đấu các giải thể thao dành cho người khuyết tật, vợ chồng Lượng từng giành được hơn 20 tấm huy chương. Do không được hưởng lương, chế độ nên cặp đôi phải đi bán vé số mưu sinh giữa mùa dịch.
Cặp vợ chồng tí hon ở Sài Gòn bán vé số mưu sinh mùa dịch để nuôi nghiệp thể thao
Hơn 5 năm thi đấu các giải thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật, vợ chồng Lượng từng giành được hơn 20 huy chương các loại. Do không được hưởng lương, chế độ cho vận động viên nên cặp đôi vẫn đi bán vé số mưu sinh hàng ngày để nuôi dưỡng đam mê.
Anh Nguyễn Văn Lượng (31 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thu Đào (29 tuổi) là cặp vợ chồng tí hon đang sống tại TPHCM và làm công việc chính là bán vé số mưu sinh qua ngày. Những ngày này, thành phố thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh kéo dài, người ra đường vắng vẻ nhưng cặp đôi vẫn phải ra đường "kiếm sống".
Trước dịch, anh Lượng chở vợ trên chiếc xe 3 bánh đi bán ở các khu chợ, khu công nghiệp ở quận Tân Bình. Thời điểm này, cứ 6h sáng, cặp đôi đẩy chiếc loa di động đi dọc đường Lý Thường Kiệt rồi dừng lại bán tại ngã tư Bảy Hiền.
"Khách ít hơn nhưng bán từ sáng đến trưa cũng kiếm được khoảng hơn 100 nghìn, đủ lo cơm nước cho 2 vợ chồng", anh Lượng nói.
Cả hai đều bị khuyết tật bẩm sinh, có cơ thể thấp bé so với người bình thường. Khi đi trên đường, nhiều người thường nhìn vợ chồng Lượng với ánh mắt tò mò, nhưng quá quen nên cả 2 không mấy bận tâm. "Ngày đầu mới vào Sài Gòn đi bán vé số, người ta nhìn dữ lắm. Nhưng người ta nhìn quen rồi thì thương mua giùm vé số", Đào tâm sự.
Sau nửa ngày bán vé số, vợ chồng anh Lượng trở về Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Tân Bình nghỉ ngơi. "Đây là điểm tập trung của vận động viên khuyết tật TPHCM thi đấu giải toàn quốc. Đáng lẽ diễn ra vào tháng 6, nhưng ảnh hưởng dịch phải dời lịch, những người khác đã về quê chỉ còn 2 vợ chồng tôi ở lại", Lượng cho hay.
Nơi ở của cặp đôi tí hon nằm trên sân thượng của trung tâm. "Trước 2 vợ chồng thuê nhà trọ, mỗi tháng tốn vài triệu. Huấn luyện viên thương nên cho chúng tôi ở lại đây luôn để tiện tập luyện", 2 vợ chồng cho biết.
Chiếc giường tầng kê sát góc, ít vật dụng cá nhân được xếp gọn để 2 vợ chồng Lượng - Đào có nơi sinh hoạt mỗi ngày. "Ở đây rộng rãi hơn nhà trọ, không phải tốn tiền thuê là mừng rồi", Đào tâm sự.
Buổi trưa, nơi ở của 2 vợ chồng trên sân thượng khá nóng nên họ mang theo quạt xuống phòng tập võ ở tầng 2 để nghỉ ngơi và sẵn sàng cho buổi tập luyện vào đầu giờ chiều.
Cả 2 đều là vận động viên ném lao, ném tạ. Trước đợt dịch, Lượng thường chở vợ ra sân Phú Thọ tập, nhưng khi dịch bùng phát, sân tạm đóng cửa nên họ chỉ tập luyện tại trung tâm để duy trì thể lực.
Lượng là vận động viên hơn 5 năm, Đào cũng ngót nghét gần 4 năm theo nghề. Hầu hết các buổi tập, Lượng kiêm luôn việc chỉnh động tác cho vợ.
Những vận động viên khuyết tật như vợ chồng Lượng không có lương, chỉ khi thi đấu có huy chương mới có tiền trợ cấp. Vì thế, việc đạt được các huy chương trong mỗi kỳ đại hội thể thao toàn quốc không chỉ là niềm vui, đó còn là sự hỗ trợ vật chất cần thiết để họ tiếp tục nuôi dưỡng đam mê.
Kết thúc buổi tập luyện, cặp đôi trở về nơi ở trên sân thượng nghỉ ngơi. Trong lúc chồng đi tắm, Đào tranh thủ gọi điện về hỏi thăm ba mẹ. Ba của Đào bị tai biến nằm trên giường 5 năm nay, vì thế mỗi đợt đi thi đấu có tiền thưởng, cô lại trích một ít cùng với tiền kiếm được gửi về lo cho ba.
Lượng thường chia sẻ công việc nhà phụ vợ. Chiều cao hạn chế nên khi phơi quần áo anh phải dùng ghế.
Đào đã từng sinh con cách đây mấy năm, em bé vừa mới chào đời được mấy ngày thì mất khiến cô bị trầm cảm nặng. Trải qua một đoạn thời gian dài nhưng vẫn chưa nguôi nỗi buồn.
Ở trong trung tâm không tiện nấu cơm nên vợ chồng Đào thường mua cơm hộp về dùng. Đôi khi đi bán vé số họ được tặng cơm từ thiện, bánh mì...
Buổi tối là thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày, Đào cùng chồng xem tin tức thời sự, thông tin giải trí trước khi đi ngủ.
Vợ chồng Lượng suy nghĩ rất kỹ về tương lai. Họ cố gắng thi đấu, duy trì công việc bán vé số kiếm ít vốn rồi sau này sẽ về quê mở tiệm sửa xe, cùng nhau sống qua ngày. "Mua nhà ở thành phố thì chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới, có nghĩ cũng không thực hiện được", 2 vợ chồng nhìn xa xăm những tòa chung cư cao tầng trong thành phố, tâm sự.