PhotoStory

Cảnh sống khó tin của "xóm" Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn

Thực hiện: Hoàng Giám

(Dân trí) - Hàng chục năm nay, 7 hộ gia đình Việt kiều Campuchia sống trên những chiếc ghe, bè tại một nhánh của sông Sài Gòn ở quận 8. Cuộc sống của họ nghèo khó, thường xuyên bệnh tật, lay lắt qua ngày.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 1

Chỉ với 7 hộ gia đình Việt kiều Campuchia sống trên một khúc sông Sài Gòn, nhưng người dân địa phương thường gọi đây là một xóm. Cuộc sống của những hộ này quây quần với nhau và khá biệt lập trên những chiếc ghe, bè tự chế làm thành căn chòi nhỏ để ở.

Địa điểm "định cư" của xóm là dòng kênh Đôi, dọc theo đường Rạch Cát Bến Lức (quận 8, TPHCM). Khu vực này cách chợ đầu mối Bình Điền hơn 1km, cách bến đò Phú Định khoảng 500m.

Dòng kênh Đôi thông ra rạch Bến Nghé, Kênh Tẻ đổ ra Sông Sài Gòn, được xem là một nhánh của con sông này.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 2

Tất cả các hộ dân đều là người Việt, từng có thời gian sinh sống trên Biển Hồ (Campuchia) từ trước năm 1980. Sau đó về nước bám trụ trên những chiếc ghe mưu sinh bằng nghề buôn bán, hoặc chài lưới trên sông.

Điểm chung của những hộ dân này là trước khi đến sống trên các dòng kênh ở TPHCM từng có nhiều năm sống phiêu bạt ở các dòng sông ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp); Tịnh Biên, Long Xuyên (tỉnh An Giang), nơi biên giới giáp ranh nước bạn Campuchia.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 3

Ông Nguyễn Văn Bền (56 tuổi) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi) là hai trong số những cư dân của xóm. Từ trước năm 1980, ông Bền sinh sống trên Biển Hồ (Campuchia) cùng với người thân.

Khi lớn lên, ông đi ghe xuôi dòng nước Biển Hồ về trú ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và sống bằng nghề đánh bắt cá. Những năm sau, ông về sống tạm trên một nhánh sông ở huyện Tri Tôn (An Giang) và kết duyên với bà Mai.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 4

Khoảng 15 năm nay, khi ông cảm nhận được cơ thể bắt đầu yếu đi, mắt mờ dần, vai khớp đau mỏi với những công việc lặt vặt... cũng là lúc ông về sống trên sông Sài Gòn, rồi đi vào nhánh kênh Đôi ở để dưỡng già. Hàng ngày ông bơi xuồng nhặt chai nhựa trôi nổi trên kênh để bán. Mỗi ngày làm việc trên sông, ông kiếm được khoảng 50.000 đồng.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 5

Mấy năm nay ông Bền bị tai biến nên sức khỏe suy giảm nặng. Hiện ông đi lại chậm chạp, mắt mờ, tai không còn nghe rõ. Từ chỗ là lao động chính trong gia đình 6 người, bây giờ ông trở thành gánh nặng cho vợ con.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 6

Bà Mai ở nhà chăm sóc hai cháu nội để các con đi làm công nhân. Hàng ngày bà cứ quanh quẩn với việc cơm nước, giặt giũ và đưa đón cháu đi học.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 7

Lúc rảnh bà đi nhặt ve chai, hái rau dại bán kiếm tiền. Một ngày làm việc của bà kiếm được vài chục nghìn đồng, chỉ vừa đủ tiền cơm.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 8

Nơi ở của gia đình bà Mai là một cái chòi dựng lên trên một chiếc bè. Khi nước kênh đầy "căn nhà" của bà sẽ tự nổi lên theo và lắc lư khi có người đi lại bên trên.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 9

Người thân quá cố của bà Mai được đặt thờ cúng ở một góc trang trọng bên trong chiếc ghe.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 10

An Nhiên (5 tuổi) là cháu nội của bà Mai bị bướu cổ bẩm sinh. Cháu chưa thể phẫu thuật vì còn nhỏ tuổi và chưa đảm bảo các điều kiện an toàn theo khuyến cáo của bác sĩ.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 11
Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 12

Hàng ngày cháu phải dùng thuốc để bướu không phát triển thêm. An Nhiên tăng động và không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.

Cám cảnh không kém gia đình bà Mai là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu (51 tuổi) tại xóm. Gia đình 4 người thì chỉ có mỗi con trai bà là lao động chính với nghề làm thuê, thu nhập khoảng 100.000 đồng mỗi ngày. Cuộc sống thường xuyên túng thiếu, chạy cơm từng bữa. Quân - cháu nội bà Hiếu mắc bệnh não úng thủy, hẹp đường thở.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 13

Mấy năm nay cháu Quân được phẫu thuật chuyển đổi sang thở ống, song song đó là phải dùng máy hút đờm khi khó thở.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 14

Bà Hiếu và các con, cháu sinh hoạt trên chiếc ghe cũ kỹ, rộng vài mét vuông ở kênh Đôi. "Tôi sinh ra ở Biển Hồ, từ nhỏ đã quen với việc sống trên những chiếc ghe. Mấy mươi năm trời trôi nổi, nhiều lúc thấy người ta ở nhà cửa cố định trên bờ mà thèm lắm", bà tâm sự.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 15

Cư dân lớn tuổi nhất của xóm là bà Nguyễn Thị Hai, năm nay đã 91 tuổi. Bà sống ở Biển Hồ cùng người thân từ khi còn là một đứa trẻ. 

Đến năm 1978, bà theo gia đình về nước trên một chiếc ghe, sống trên một dòng kênh ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) rồi đến Tri Tôn (An Giang).

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 16

Bà về đây sống đã hơn 15 năm, nương nhờ trên một chiếc ghe nhỏ của người quen. Bà ở cùng với 2 đứa cháu nhỏ chưa đến tuổi lao động. Hàng ngày bà thường lên bờ xin tiền, xin cơm sống qua ngày.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 17

Ngồi trầm ngâm bên ô cửa ghe lúc chiều muộn, ông Quang (57 tuổi) nói: "Thời trẻ Tôi từng mơ ước có một căn nhà nhỏ trên bờ để cuộc sống ổn định hơn. Nhưng sau bao nhiêu năm làm lụng, ước mơ đó dần xa vời khi đã ở độ tuổi xế chiều, giờ không còn nhiều sức lao động nữa".

Chiếc ghe gia đình ông Quang đang sống vừa trả xong tiền góp cho chủ, với hơn 20 triệu đồng. Ghe cũ kỹ không còn hoạt động mà chỉ có thể dùng làm nơi che mưa, che nắng.

"Hàng ngày tôi giúp con dâu chăm sóc cháu, hái rau muống bán để có tiền ăn. Cũng may thỉnh thoảng có mạnh thường quân đến cho gạo, ít tiền để giải nguy qua những cơn đói. Các con tôi bươn chải giăng bắt cá trên dòng kênh Đôi bất kể ngày đêm. Nhưng khi vừa ráo mồ hôi là lại thiếu hụt tiền", ông chia sẻ.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 18

Nhiều hộ dân tại đây kể lại, gần 20 năm trước họ về sống ở kênh Đôi nhưng ở khu vực sát chợ Bình Điền. Những năm gần đây mọi người không được phép đậu ghe nữa nên đã dạt về đây, cách nơi ở cũ hơn 1km.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 19

"Chúng tôi sống tạm bợ. Điện và nước dùng được kéo xuống từ một chủ nhà trọ. Họ thương tình nên thường lấy giá rẻ, hoặc cho chúng tôi nợ", bà Sáng (57 tuổi) nói.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 20
Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 21

Dòng nước kênh Đôi ô nhiễm nặng, nhiều rác thải. Mùa nước cạn, kênh bốc mùi hôi thối. Cuộc sống của người dân trong xóm luôn đối mặt với những khó khăn.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 22

Chập tối, bà Mai đón cháu nội bà sau giờ học thêm ở gần "nhà". Khoảng 2 tháng nay, bé Thắm đã vào học chương trình lớp 1 ở một cơ sở giáo dục từ thiện ở quận 8, không phải đóng học phí.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 23

Nhiều người trong xóm rất kỳ vọng ở Thắm. "Đứa cháu nhỏ này rồi đây sẽ là người xóa mù chữ cho xóm, hỗ trợ người lớn tuổi đọc và viết", bà Sáng nói.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 24

Đêm trên dòng kênh Đôi là lúc hầu hết hoạt động của xóm dừng lại, mọi người về ghe, bè để nghỉ ngơi. Cảnh lặng lẽ, hiu quạnh đối lập hoàn toàn với nhịp sống hiện đại phía bên kia bờ.

Cảnh sống khó tin của xóm Việt kiều Campuchia trên nhánh sông Sài Gòn - 25

Lúc mọi người trong xóm chìm vào giấc ngủ, bà Mai một mình lên mui ghe hóng mát. Bà nói càng lớn tuổi bản thân càng khó ngủ, thêm vào đó là những lo toan khiến bà không chợp được mắt.

Nhìn về hướng những tòa nhà sáng đèn ven dòng kênh Đôi, người đàn bà trung niên thở dài nói rằng không biết cuộc sống tương lai sẽ đi về đâu...