1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lo ngại ô nhiễm, TPHCM tính di dời điểm khai thác nước thô sông Sài Gòn

Quốc Anh

(Dân trí) - Nguồn nước thô hiện nay được khai thác trực tiếp tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Chất lượng nguồn nước thô đang có xu hướng bị ô nhiễm và nhiễm mặn.

Đó là nội dung đáng chú ý trong đề án phát triển hệ thống cấp nước TPHCM giai đoạn 2020-2050 và chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm giai đoạn 2020-2030 vừa được ban hành.

Ngoài ra, giải pháp khai thác nước thô hiện nay đang gặp bất lợi do phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Lo ngại ô nhiễm, TPHCM tính di dời điểm khai thác nước thô sông Sài Gòn - 1

TPHCM lên kế hoạch di dời điểm khai thác nước thô trên sông Sài Gòn vì lo ngại ô nhiễm và nhiễm mặn

Do đó, TPHCM lên kế hoạch di dời điểm lấy nước thô về phía thượng nguồn sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. 

Đồng thời, kết hợp với việc xây dựng các hồ hoặc cụm hồ dự trữ nước thô, gia tăng an ninh, an toàn nguồn nước khi đối diện với rủi ro và nhiễm mặn từ các tác động của biến đổi khí hậu, cũng như vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động kinh tế xã hội của khu vực.

Theo đó, vị trí khai thác nguồn nước thô mới cách trạm bơm Hòa Phú khoảng 20km và cách ngã ba sông Thị Tính - Sài Gòn khoảng 15km. Điều này giúp hạn chế tối đa các ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ ra sông Thị Tính rồi chảy vào sông Sài Gòn. Ngoài ra, thành phố sẽ khảo sát xây dựng cụm hồ chứa nước thô để tăng dự trữ.

Hiện nay, 94% nguồn nước thô khai thác từ hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, phần còn lại là khai thác nước ngầm.

Tổng công suất cấp nước thiết kế các nhà máy nước hiện nay là 2,4 triệu m3/ngày đêm, công suất phát nước thực tế trung bình năm 2019 là 1,928 triệu m3/ngày đêm. Tổng số đấu nối khách hàng là 2,14 triệu với chiều dài mạng lưới chuyển tải và phân phối nước sạch 8.200km.

Tuy nhiên, mạng lưới cấp nước của thành phố vẫn còn nhiều tồn tại như: áp lực không đều, không có hệ thống kiểm soát chất lượng trên đường ống...

Giai đoạn 2020-2025, TPHCM đặt mục tiêu tổng công suất hệ thống cấp nước là 2,9 triệu m3/ngày đêm và kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống còn 18% (hiện nay là 20,85%).

Đáng chú ý, thành phố sẽ lắp đặt thí điểm công trình cung cấp nước uống tại vòi ở khu vực công cộng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm