Sông Sài Gòn vẫn có nhiều "điểm nóng" ô nhiễm
(Dân trí) - Chất lượng nước mặt trên hệ thống sông ở miền Nam đã được cải thiện hơn nhưng ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra tại các điểm nóng về môi trường, Cầu Ông Buông - sông Sài Gòn, cảng Phú Định - sông Vàm Cỏ.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có báo cáo về chất lượng môi trường nước mặt đợt hai năm 2020 tại khu vực miền Nam.
“Chất lượng nước mặt trên hệ thống sông khu vực miền Nam đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra tại các điểm nóng về môi trường, Cầu Ông Buông - sông Sài Gòn, cảng Phú Định - sông Vàm Cỏ”- cơ quan này cho hay.
Được biết, chương trình quan trắc môi trường nước mặt tại khu vực miền Nam năm 2020 thực hiện tại 58 điểm trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (sông Đồng Nai 17 điểm, sông Sài Gòn 18 điểm, sông Thị Vải 6 điểm, sông Vàm Cỏ 8 điểm) và sông Tiền (9 điểm).
Thông số quan trắc gồm 15 thông số cơ bản (pH, nhiệt độ, EC, TDS, DO, BOD5, COD, TSS, Amoni, Nitrit, Nitrat, Cd, Fe, Pb, CN) và 4 thông số lựa chọn (hóa chất BVTV, As, Hg, Clorua).
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) cho thấy sông Thị Vải đợt này có chất lượng nước tốt nhất; tiếp đến là sông Tiền; sông Đồng Nai có chất lượng nước cũng tương đối tốt. Sông Vàm Cỏ và sông Sài Gòn là các sông có nhiều điểm quan trắc có chất lượng nước xấu.
Trong đó, chất lượng nước sông Sài Gòn đợt hai năm 2020 suy giảm so với đợt 1, có 20% giá trị WQI từ 76 - 100 (nguồn nước sử dụng tốt cho cấp nước sinh hoạt và nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý phù hợp); có 60% giá trị WQI từ 51-75 (sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương) và 6,7% giá trị WQI từ 10-25 (nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai).
Các điểm có giá trị WQI thấp trên sông Sài Gòn là những điểm đang có dấu hiệu ô nhiễm dinh dưỡng (đặc trưng bởi thông số N-NH4+, N-NO2-) và ô nhiễm hữu cơ (đặc trưng bởi thông số BOD5 và COD).
Mức độ ô nhiễm dinh dưỡng cao nhất trên sông Sài Gòn là khu vực hạ lưu (Cầu Ông Buông). Vị trí cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa - Lò Gốm thuộc nội ô TPHCM) có mức độ ô nhiễm hữu cơ cao nhất. Thời điểm quan trắc ghi nhận nước triều xuống, nước cạn, màu đen, có mùi hôi và nhiều cặn lơ lửng.
“Đây là vị trí thuộc nội ô TPHCM, chịu tác động bởi lượng lớn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư đông đúc và các cơ sở sản xuất phân tán nằm dọc lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm”- Tổng cục Môi trường nhận định và cho rằng cần giám sát chặt chẽ để có biện pháp xử lý trong tương lai.
Thế Kha