Bé gái 11 tuổi vào vai "Nữ tướng" tại hội Gióng ở Hà Nội
(Dân trí) - Sáng 27/1 (mùng 6 Tết Quý Mão), hội Gióng diễn ra tại đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) để tưởng nhớ ân đức của Phù Đổng Thiên Vương. Từ 6h sáng, rất đông người dân và du khách đã đổ về trẩy hội, chiêm bái.
Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, đây là năm thứ 4 lễ hội thắt chặt an ninh, không để tình trạng tranh cướp xảy ra. Các đoàn rước giò hoa tre, voi, trầu cau… đều đặt lễ ở đền Thượng, không rước xuống đền Mẫu và đền Hạ. Nhiều người cho rằng nhận được hoa tre sẽ mang đến may mắn cho bản thân, gia đình trong năm tới và là một nét đẹp của lễ hội.
Hơn 6h ngày 27/1, mở đầu lễ hội, cây giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) được rước vào đền Thượng và thực hiện nghi lễ dâng hương, cung tiến. Sau khi làm lễ xong, giò hoa tre được rước xuống đền Trình.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch Di tích Đền Sóc Sơn cho biết: "Năm nay hoa tre được bảo vệ nghiêm ngặt nên không có tình trạng tranh cướp phản cảm. Việc phát lộc hoa tre được người dân và du khách thập phương ủng hộ, đánh giá cao, góp phần tạo sự văn minh cho lễ hội. Dự kiến, trong mùa lễ hội Xuân Quý Mão chúng tôi phát khoảng 20.000 giò hoa tre cho du khách thập phương đến xin lộc tại nhà đền".
Lễ rước voi của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) và lễ rước trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) tiến hành ngay sau đó.
Trong số 8 lễ vật được cung tiến tại lễ hội Gióng 2023 khai mạc sáng nay tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc, đặc biệt có kiệu rước "nữ tướng trẻ" của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách thập phương.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Xuân, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận xã Bắc Phú (Sóc Sơn) cho biết, năm nay, "nữ tướng" được thôn Yên Tàng lựa chọn cung tiến có tên là Nguyễn Thị Huyền Trang (11 tuổi). Bé gái hiện đang học lớp 6, trong nhiều năm học liên tiếp, Trang luôn là con ngoan trò giỏi, được thầy cô giáo và bạn bè quý mến…
Bên cạnh đó, gia đình em cũng là "gia đình văn hóa", sống hòa thuận, chan hòa với xóm giềng, có đời sống kinh tế ổn định… Đây là những tiêu chí bắt buộc đối với "nữ tướng trẻ" trong quá trình tuyển lựa, ông Nguyễn Văn Xuân cho biết thêm.
Theo thông lệ, lễ hội Gióng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn) chính thức khai mạc vào sáng mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm và kéo dài trong 3 ngày.
Là một trong bốn vị "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân đời Hùng Vương thứ 6, đem lại thái bình cho đất nước. Tục truyền rằng sau khi đánh tan quân giặc, Ngài phi ngựa tới chân núi Sóc Sơn, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời.
Để tưởng nhớ, ca ngợi người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng, Lễ hội Gióng đền Sóc là lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Năm 2010, Lễ hội Gióng đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Lễ hội Gióng đền Sóc được tổ chức tại khu quần thể Khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bao gồm 6 công trình: đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia.