(Dân trí) - Không chỉ rút ngắn thời gian lái xe từ 5 tiếng xuống còn 3,5 tiếng, đoạn cao tốc Hà Nội - Nghệ An dài 251km còn hứa hẹn cuộc đổi đời cho người dân Thanh - Nghệ nhờ phát triển kinh tế và đô thị hóa.
"Bốn gói thầu 24 tháng trôi qua
Bảy nghìn tỷ tạo ra cung đường mới
50 cây hoàn thành và kết nối
Kéo Hà Thành về gần với Vinh hơn..."
Tại Lễ sơ kết đánh dấu sự kiện đường cao tốc từ Hà Nội nối thông đến Nghệ An do Bộ GTVT tổ chức ngày 8/9, một kỹ sư cầu đường, Giám đốc ban quản lý dự án, đã đọc những vần thơ trên và nhận lại tràng pháo tay tán thưởng từ cả hội trường.
Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu chính thức thông xe vào ngày 1/9 sau 2 năm thi công. 2 dự án kết hợp với các đoạn tuyến trước đó đã nối liền mạch đường cao tốc từ Hà Nội về tới Nghệ An (dài 251km), rút ngắn thời gian di chuyển từ 5 giờ xuống còn 3,5 giờ.
Khi lái ô tô từ Hà Nội về Ninh Bình, bạn sẽ thấy đường cao tốc Bắc - Nam (CT01) luôn nằm ở phía đông và quốc lộ 1 chạy song song phía tây. Trên hướng tuyến này, cao tốc Hà Nội - Ninh Bình xuyên qua một vùng châu thổ màu mỡ, bằng phẳng với dân cư đông đúc.
Địa hình thuận lợi kết thúc khi xe chạy đến Ninh Bình. Từ đây, cao tốc và quốc lộ cắt nhau, hoán đổi vị trí tại xã Mai Sơn. Quốc lộ 1 chạy men theo phía đông, xuyên qua các đô thị trung tâm của vùng duyên hải, trong khi cao tốc rẽ sang hướng tây, đi vào vùng bán sơn địa với những dãy đá vôi trùng điệp của vùng núi Ninh Bình, Thanh Hóa…
Nhớ lại những ngày vạch hướng tuyến cao tốc trên giấy, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông Vận tải (TEDI), nói việc dịch chuyển tuyến cao tốc Bắc - Nam sang phía tây để tránh các vị trí nền đất yếu ở vùng duyên hải, tránh các khu vực đông dân cư với chi phí giải phóng mặt bằng lớn. Quan trọng hơn cả, hướng tuyến chạy về phía tây giúp cao tốc ngắn và thẳng hơn.
Tuy nhiên, việc vẽ cao tốc chạy về phía tây cũng đặt nhà thầu thi công vào các địa hình hiểm trở, khó khăn hơn trong việc thi công. Nếu tuyến quốc lộ 1A từ Hà Nội về Hà Tĩnh chỉ có 1 hầm xuyên núi duy nhất là hầm Dốc Xây (Ninh Bình), cao tốc Bắc - Nam chạy song song có tới 4 hầm, gồm hầm Tam Điệp, Thung Thi, Trường Vinh và Thần Vũ.
Ngoài ra, trên tuyến còn có nhiều đoạn đường phải bạt núi, hạ cao độ nền xuống hàng chục mét, tạo ra những vách taluy dương cao vút 2 bên đường.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Hà khẳng định máy móc, công nghệ ngày nay đã giúp thi công những con đường thẳng qua đồi núi thay vì uốn lượn đường vòng như quốc lộ 1 trước đây.
Nếu tuyến quốc lộ 1 có một lịch sử hình thành qua hàng trăm năm, tận dụng nền đường cũ của các đoạn đường Cái Quan (đường thiên lý Bắc - Nam) và đường thuộc địa, tuyến cao tốc Bắc - Nam mới được lãnh đạo TEDI khẳng định là "không tận dụng bất cứ nền đường cũ nào".
Đó là con đường hoàn toàn mới được xây dựng bởi bàn tay, khối óc người Việt, theo phương châm được Thủ tướng Phạm Minh Chính đúc kết: "Qua sông bắc cầu, qua ruộng đổ đất, qua núi khoét hầm".
"Lịch sử sẽ không quên vất vả, hy sinh của những người mở đường", Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh đầy xúc động trong buổi lễ sơ kết mừng công sau khi thông mạch đường cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An.
Nhiều năm trước khi trục cao tốc Hà Nội - Nghệ An thành hình, có người nói đường hàng không từ Hà Nội đến Vinh là một chặng bay kỳ cục. Nó ngắn tới nỗi phi công đạt độ cao bay bằng khoảng vài chục phút là đã hạ độ cao để chuẩn bị tiếp đất.
Thế nhưng, chặng bay "vừa lên đã xuống" này vẫn có khách bởi phương án di chuyển 5-6 tiếng đồng hồ từ Hà Nội đến Vinh thông qua quốc lộ 1 thường xuyên ùn tắc là nỗi ám ảnh với nhiều người.
Theo kỳ vọng của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, nỗi sợ khi lưu thông từ Hà Nội đến Nghệ An bằng đường bộ sẽ tan biến khi hành khách được di chuyển hoàn toàn trên đường cao tốc.
Từ nút giao Pháp Vân, tài xế chỉ mất hơn 3 giờ để di chuyển tới Diễn Châu và khoảng 4 giờ để về đến Vinh (khi cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe). Khoảng thời gian này sẽ còn được rút ngắn hơn nữa khi cao tốc được mở rộng lên 6 làn xe và tốc độ cho phép lên tới 100-120km/h.
"Nếu thời gian lưu thông bằng máy bay không rút ngắn hơn đáng kể, trong khi chi phí lại cao, mất thời gian chờ đợi, check-in, tôi tin một lượng hành khách đáng kể sẽ lựa chọn đi đường bộ cao tốc", ông Quyền khẳng định.
Tương tự, vận tải đường sắt cũng sẽ chịu thêm sự cạnh tranh khi đường cao tốc nối thông từ Hà Nội đến các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, cho đến lúc đường cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An thực sự tạo ra một trải nghiệm vượt trội so với hàng không, Bộ GTVT vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bề rộng nền đường cao tốc từ Ninh Bình về Nghệ An chỉ là 17m, tương đương khoảng 7m mặt đường mỗi chiều, không có làn dừng khẩn cấp liền mạch. Mặt đường chật chội khiến cho cơ quan quản lý không dám đặt vận tốc lưu thông quá 80km/h. Giới hạn 80km/h trên cao tốc gây tranh cãi trong bối cảnh nhiều đoạn quốc lộ ngoài đô thị còn cho lưu thông tới 90km/h.
Ngoài ra, nền đường mỗi chiều chỉ rộng khoảng 7 m cũng dấy lên lo ngại khi không may có một xe khách cỡ lớn lật ngang, chắn toàn bộ nền đường như đã xảy ra tại một số tuyến cao tốc.
Đối với những bức xúc về nền đường hẹp và làn dừng khẩn cấp không liền mạch, Bộ GTVT đã nhiều lần lý giải về nguồn vốn eo hẹp, phải phân kỳ đầu tư và hứa hẹn sẽ mở rộng làn đường trong các giai đoạn sau.
Một điểm bất cập mà các tài xế cần lưu ý là vấn đề trạm dừng nghỉ. Từ Hà Nội đi về phía Nam thì các bạn sẽ bắt gặp trạm dừng nghỉ cuối cùng trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình. Và từ đây tới nút giao Diễn Châu là một đoạn cao tốc dài 170km hoàn toàn không có trạm dừng nghỉ, cũng không có trạm xăng dầu hay các trạm sạc xe điện.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thừa nhận việc hình thành các trạm dừng nghỉ tại Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có độ trễ. Bộ GTVT còn đang chờ các Ban quản lý dự án lập hồ sơ, lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa và triển khai thi công các trạm này.
Tức là tài xế sẽ lưu thông trên một đoạn cao tốc dài 170km mà không có trạm dừng nghỉ trong một khoảng thời gian.
Trong những tháng tới, khi nhà thầu hoàn thiện nốt hạng mục phụ trợ của cao tốc qua Thanh Hóa, Nghệ An, họ sẽ rút khỏi công trường, để lại một vùng sơn địa thơ mộng nhưng buồn bã chạy dọc 2 bên đường.
Hơn ai hết, lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An hiểu rằng đường cao tốc được Trung ương đầu tư sẽ không có ý nghĩa gì nếu không giúp người dân đổi đời và kinh tế địa phương cất cánh.
Chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết tỉnh đã chủ động bố trí 8.300 tỷ đồng để đấu nối đường sá với nút giao cao tốc Bắc - Nam. Các khu công nghiệp, khu đô thị của tỉnh được quy hoạch tại vị trí thuận lợi, gần nút giao cao tốc.
"Tỉnh Nghệ An cũng đã triển khai quy hoạch 2 bên tuyến cao tốc, đặc biệt tại các nút giao giữa cao tốc với đường sá hiện hữu của địa phương", ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An mở lời khi phóng viên Dân trí đặt câu hỏi về kế hoạch khai thác lợi thế từ đường cao tốc.
Ông Vinh kỳ vọng đường cao tốc sẽ thúc đẩy 3 thành tố phát triển của địa phương là công nghiệp, đô thị và du lịch.
Đối với công nghiệp, từ nhiều năm qua, các khu công nghiệp Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, Hemaraj, VSIP… vẫn chờ đợi đường cao tốc để tăng sức hấp dẫn về logistic cho các nhà đầu tư.
"Về du lịch, viễn cảnh đi cao tốc từ Hà Nội về tắm biển Cửa Lò vào mùa hè là rất khả thi", lãnh đạo tỉnh bày tỏ.
Cao tốc từ Hà Nội về đến Nghệ An không chỉ khiến tài xế ô tô trầm trồ vì thời gian lưu thông 3,5 tiếng, nó còn cho thấy bộ mặt hạ tầng vận tải (logistic) đã thuận lợi hơn rất nhiều để các nhà đầu tư yên tâm đến mở nhà xưởng, xây dựng đô thị mới dọc địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Xế trưa 8/9, sau khi kết thúc Hội nghị Sơ kết các dự án cao tốc của Bộ GTVT tổ chức tại Thanh Hóa, một nhà báo người Nghệ An tới gặp Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh. Nhà báo không đặt câu hỏi, chỉ nói như than phiền: "Em thấy biển Cửa Lò ngày càng vắng, không xứng với tiềm năng".
Ông Vinh giơ bàn tay ra dấu "hãy chờ thêm", rồi nhắc đến thời điểm tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ thông xe vào quý II/2024, qua đó nối thẳng mạch cao tốc từ Hà Nội về thành phố Vinh và biển Cửa Lò.
"Hẹn mùa du lịch năm sau nhé", ông nói.
Các mảnh ghép tạo nên trục cao tốc hơn 250km từ Hà Nội đến Nghệ An:
- Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (dài 32 km, kết nối từ vành đai 3 Hà Nội đến huyện Phú Xuyên).
- Cao tốc Cầu Giẽ - Cao Bồ (dài 50km, từ Phú Xuyên đi qua tỉnh Hà Nam và Nam Định).
- Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15km, nối Nam Định với Ninh Bình).
- Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dài 63km, nối Ninh Bình với Thanh Hóa)
- Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43km, nằm trọn trên đất Thanh Hóa).
- Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50km, nối Thanh Hóa với Nghệ An).
Ngoài các tuyến nêu trên đã thông xe, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt nối huyện Diễn Châu với TP Vinh và Hà Tĩnh dự kiến thông xe vào quý II/2024.