DMagazine

"Siêu cò" châu Âu: "Đội Việt Nam không thể cứ chờ phép thuật của HLV Park"

(Dân trí) - Chuyên gia Jernej Kamensek cho rằng sau những thất bại tại Vòng loại World Cup 2022, bóng đá Việt Nam cần rút ra những bài học và đầu tư nghiêm túc hơn cho những mục tiêu lớn ở tương lai.

Chuyên gia môi giới cầu thủ bóng đá Jernej Kamensek chính là người đứng sau, móc nối để đưa những cái tên như Pape Omar Faye, Nastja Ceh, Ivan Firer... đến Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là cầu thủ Nastja Ceh, người từng tham dự World Cup 2002. Thậm chí, chính ông cũng là người từng liên hệ để đưa Vũ Văn Thanh sang Serbia chơi bóng. Từ lâu, Jernej Kamensek được mệnh danh là "siêu cò" của V.League

PV: Xin chào chuyên gia Jernej Kamensek, cảm ơn ông đã đồng ý trao đổi quan điểm với báo Dân trí xoay quanh trận đấu đã qua của đội tuyển Việt Nam cũng như lộ trình phát triển của bóng đá Việt Nam để hướng tới trình độ châu Á. Hãy bắt đầu với trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Việt Nam, một nền bóng đá đang phát triển đã thua 0-1 trước Nhật Bản, nền bóng đá hàng đầu châu Á. Ông nghĩ sao về kết quả và khoảng cách tỷ số này?

Ông Jernej Kamensek: Tôi nghĩ đó là một kết quả chấp nhận được, với cả Việt Nam và Nhật Bản. Với Việt Nam, đội tuyển các bạn không thua đối phương với cách biệt quá lớn. Còn với Nhật Bản, sau những vấn đề về hành trình di chuyển, ảnh hưởng của dịch Covid-19… thì 3 điểm trước Việt Nam là điều cần thiết trong hành trình đua tranh vé dự vòng chung kết World Cup 2022 với Saudi Arabia và Australia.

Với tôi, tỷ số 0-1 hay 0-10 cũng như nhau cả. Bởi thế trận trên sân cũng đã phản ánh rõ ràng rằng Nhật Bản mạnh hơn, đẳng cấp hơn. Đó cũng là bằng chứng cho thấy Nhật Bản sở hữu những cầu thủ được phát triển tốt hơn nhiều so với Việt Nam. Đương nhiên trong đội hình Việt Nam, chúng ta vẫn thấy nhân tố đặc biệt là Quang Hải đã chơi tốt. Nhưng anh ta bị giới hạn năng lực ở thời điểm hiện tại.

Siêu cò châu Âu: Đội Việt Nam không thể cứ chờ phép thuật của HLV Park - 1

Ông có thể nói rõ hơn về định nghĩa "giới hạn" nơi Quang Hải?

- Hãy để tôi nói tiếp về đội tuyển Nhật Bản. Việc họ thắng Việt Nam là bình thường. Bởi đơn giản, Nhật Bản ngoài kinh nghiệm, trình độ, đẳng cấp thì họ phát triển nền bóng đá của mình chuyên nghiệp hơn và căn cơ hơn. Trong khi đó, đến giờ, Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức đào tạo trẻ, hệ thống các huấn luyện viên ở trình độ tầm trung. Nó cũng như một ngôi nhà vậy. Bạn cần phải xây nhà từ móng. Phải có một cái nền thật chắc chắn thì chúng ta mới có một ngôi nhà an toàn và vững vàng được. Nhật Bản đã mất rất nhiều năm trước Việt Nam để nỗ lực làm được điều đó.

Câu chuyện ở đây không phải là tiền, hay bao nhiêu tiền để mua được điều đó. Thay vào đó, chúng ta đầu tư tiền của thế nào để có thể phát triển hệ thống đào tạo trẻ, giáo dục HLV và phát hiện những tài năng mới.

Còn về Quang Hải, đương nhiên cậu ấy đang là cầu thủ giỏi nhất Việt Nam. Nhưng trình độ cậu ấy bị giới hạn khi so sánh với những siêu sao đẳng cấp thế giới. Điều ấy đến từ việc Quang Hải vẫn đang chơi bóng ở Việt Nam, thay vì phát triển bản thân ở mức độ cao hơn nữa có thể nếu thử sức mình ở một thử thách lớn hơn so với việc lựa chọn an toàn tại Việt Nam.

Siêu cò châu Âu: Đội Việt Nam không thể cứ chờ phép thuật của HLV Park - 3

Vậy còn Hoàng Đức thì sao, thưa ông?

- Hoàng Đức, Văn Thanh hay Công Phượng cũng vậy. Họ có năng lực. Nhưng sẽ rất khó nếu các cầu thủ ảo tưởng và nghĩ quá xa vời về chuyện xuất ngoại. Trình độ của cầu thủ Việt Nam chưa thể chơi bóng ở Bỉ hay Hà Lan.

Vậy đâu là giải đấu ngoài Việt Nam phù hợp với cầu thủ chúng ta? Nhật Bản chăng?

- Không! Tôi cho rằng Thái Lan nên là điểm xuất phát của các cầu thủ Việt Nam. Hoặc đó sẽ là một giải đấu tầm thấp ở châu Âu. Lý do đơn giản thôi, Thai League có sự phát triển căn cơ đúng nghĩa một nền bóng đá chuyên nghiệp. Còn Nhật Bản và Hàn Quốc thì tôi vẫn nghĩ là quá tầm với trình độ cầu thủ Việt Nam. Hãy nhìn lại quá khứ thì thấy các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã thất bại thế nào.

Bên cạnh việc xuất ngoại, tôi nghĩ điều căn bản mà bóng đá Việt Nam cần là sự phát triển của bóng đá trẻ. Như HLV Park Hang Seo đã nói gần đây, bóng đá Việt Nam không thể cứ tham chiếu mãi ở kết quả của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Chúng ta cần phải nhìn thấy và phát triển bằng được hệ thống đào tạo trẻ. Hãy đặt ra những câu hỏi rằng khi nào những đứa trẻ có thể tập luyện bóng đá sau giờ học hàng ngày? Hay khi nào chúng ta có những sân vận động chất lượng cao và có những trái bóng đạt chuẩn chất lượng thi đấu chuyên nghiệp?

Siêu cò châu Âu: Đội Việt Nam không thể cứ chờ phép thuật của HLV Park - 5

Câu chuyện cũng như một hãng xe Việt Nam và hãng xe của Đức thôi. Xe của Việt Nam tốt. Nhưng cần nhiều năm phát triển, gây dựng thương hiệu để có thể đạt như hãng xe sang của Đức. Nói như thế để hiểu rằng, chúng ta chưa thể ăn xổi, vội vàng nghĩ ngay đến đỉnh cao thành công - điều mà các nền bóng đá phát triển trên thế giới cũng đã phải mất rất nhiều năm mới có thể đạt được. VFF nên nghĩ đặc biệt đến "từ khóa" đào tạo trẻ. Hãy bắt đầu xây dựng hệ thống, các giải đấu ngay từ cấp độ U13.

Sẽ mất bao lâu để chúng ta có được trái ngọt, thưa ông?

- Thế hệ của HAGL và Hà Nội FC là một ví dụ. Thông thường, chúng ta mất 5-7 năm để tạo ra một lứa cầu thủ tài năng. Và chúng ta mất 10 năm để phát huy hết năng lực của họ. Vì thế, 7-10 năm sẽ là giai đoạn để chúng ta có được trái ngọt, như cách mà bạn vừa hỏi tôi. Giống như HAGL vậy. Họ tuyển chọn cầu thủ từ 11-13 tuổi và đào tạo trong gần 10 năm. Nhưng Việt Nam cần phải có 20 lò đào tạo như HAGL thì mới có thể phát triển được. Đừng ngủ quên trên chiến thắng. Hãy nhìn vào thành công vừa qua để nhân rộng mô hình. Mỗi tỉnh thành của Việt Nam phải có các chương trình đào tạo bóng đá với những giải đấu bắt đầu từ cấp độ địa phương. VFF sẽ cần có trách nhiệm để tham gia hỗ trợ phát triển.

Siêu cò châu Âu: Đội Việt Nam không thể cứ chờ phép thuật của HLV Park - 7

Chúng ta hãy nhìn câu chuyện của Iceland, Slovenia, Slovakia để thấy rằng nếu như có phát triển đúng hướng, đồng bộ thì sẽ có lúc, trái ngọt đến với các nền bóng đá quốc gia đó. Về Việt Nam hiện tại, Quang Hải là một cầu thủ giỏi. Nhưng anh ấy sẽ cần phát triển hết năng lực của mình. Sẽ không thể có Quang Hải như thế nếu vẫn chơi bóng ở Việt Nam.

Ngoài ra, với tôi, một cầu thủ chỉ có thể giúp các đồng đội khác phát triển thêm chứ không thể đưa các ĐTQG đi World Cup. Để nghĩ đến World Cup, Việt Nam cần một thủ môn đẳng cấp và ít nhất là 7-8 cầu thủ giỏi. Tiếc là Việt Nam chưa đạt đến trình độ đó. Tôi chưa thấy đẳng cấp World Cup nơi đội tuyển Việt Nam.

Lại nói đến World Cup, tại giải đấu năm 2026 tới đây, chúng ta hy vọng có thể dự giải đấu này?

- Tôi không dám chắc về điều đó. HLV Park Hang Seo đã có một thế hệ Việt Nam giỏi trong 4 năm qua. Nhưng lứa hậu bối của họ lại không có đủ năng lực như vậy. Vấn đề cũng đúng như ông Park nói. Một nửa lực lượng của U23 Việt Nam không được chơi bóng nhiều ở V.League. Hữu Thắng đã 21 tuổi nhưng vẫn thường xuyên dự bị. Đáng lẽ ở tầm tuổi ấy, Hữu Thắng phải được ra sân liên tục chứ. Đó là điều sẽ "giết" chết bóng đá Việt Nam.

Chúng ta không thể cứ mãi nhìn vào mục tiêu ở AFF Cup để tham chiếu cho thành công được. Tôi muốn được thấy Việt Nam thắng Nhật Bản, Australia.

Đề cập đến HLV Park Hang Seo, ông kỳ vọng gì khi vị HLV này gia hạn thêm 1 năm với VFF?

- Có lẽ VFF sẽ muốn ông Park giúp Việt Nam vô địch AFF Cup một lần nữa. Còn với tôi, tôi mong rằng sẽ có 4-7 cầu thủ ở đội U23 được ông Park gọi lên ĐTQG. 2-3 cầu thủ trong đó bắt đầu được đá chính ở ĐTQG. Tôi mong rằng trong phần còn lại của vòng loại này, ít nhất 2-4 cầu thủ U23 sẽ được thi đấu trọn vẹn trong một trận đấu, trước Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, Oman hay Trung Quốc chẳng hạn.

Siêu cò châu Âu: Đội Việt Nam không thể cứ chờ phép thuật của HLV Park - 9

Nhưng tôi nghĩ, câu chuyện ở đây với tương lai của bóng đá Việt Nam không thể cứ mãi phụ thuộc vào Park Hang Seo hay Quang Hải. Quả thực, ông Park đã may mắn khi có một thế hệ giỏi thi đấu suốt 4 năm qua. Nhưng với bóng đá đỉnh cao, như thế là chưa đủ. Chúng ta cần nhiều cầu thủ giỏi hơn thế nữa. Và ngay từ giờ, nếu như VFF không có kế hoạch tập trung phát triển cầu thủ trẻ từ U15 đến U21 từ bây giờ, tôi không tin chúng ta có cơ hội dự VCK World Cup 2026 đâu.

Một điều nữa tôi mong rằng người hâm mộ Việt Nam cũng hãy kiên nhẫn với sự phát triển của bóng đá. Chúng ta phải đi từng bước một. Sau thành công ở AFF Cup, giờ là thử thách tại châu Á. Chỉ có vượt qua nó, chúng ta mới nghiêm túc nghĩ đến World Cup được.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Siêu cò châu Âu: Đội Việt Nam không thể cứ chờ phép thuật của HLV Park - 11