(Dân trí) - 20 năm trước, Brazil vô địch World Cup 2002 với một Ronaldo Nazario - R9 tỏa sáng rực rỡ. Bây giờ, thật tình cờ, Selecao đang có một R9 trong đội hình.
20 năm trước, Brazil vô địch World Cup 2002 với một Ronaldo Nazario - R9 tỏa sáng rực rỡ. Bây giờ, thật tình cờ, Selecao đang có một R9 trong đội hình.
Ngày nay, giới mộ điệu không gọi anh là Ronaldo. Vì hậu bối kiệt xuất và rất biết đánh bóng tên tuổi người Bồ Đào Nha, muốn định danh huyền thoại người Brazil, giả dụ như trên Google, phải kèm theo "chú thích". Đơn giản nhất gắn quốc tịch: Ronaldo Brazil. Cách khác thêm họ tên khai sinh: Ronaldo de Lima hoặc Ronaldo Lúis Nazário de Lima. Ở Italy, người ta gọi anh là Ronaldo Fenomeno. Tại Việt Nam, một bộ phận giới mộ điệu gọi anh là Rô béo, vì đa số kém duyên không được chứng kiến Ronaldo chơi bóng lúc còn gầy.
Nhưng có một cách gọi xem ra lãng mạn và nhớ nhung hơn cả là: Original Ronaldo - tạm dịch Ronaldo vị nguyên bản.
Nhấp một ngụm ký ức, thập niên 90 sẽ hiện ra. Đó là thời đại của những chiếc tivi ăng-ten bụng phệ 14 inches. Internet khi ấy còn chưa thịnh hành chứ đừng nói đến mạng xã hội. Bóng đá dần trở nên phổ biến trên truyền hình, người hâm mộ có thể xem bất cứ trận đấu nào, nhưng sau đó rất hiếm cơ hội được xem lại.
Thập niên 90 ấy, Ronaldo, như người Italy ví von, là hiện tượng kỳ vĩ của thế giới túc cầu. 17 tuổi, vô địch World Cup. 19 tuổi, phá kỷ lục chuyển nhượng. 20 tuổi, ghi 47 bàn sau 49 trận và giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA. 21 tuổi, lại phá kỷ lục chuyển nhượng và giành thêm Quả bóng vàng.
Bỏ qua những danh hiệu hay số liệu khô khan, minh chứng cho tính biểu tượng của Ronaldo là danh sách dài kiệt tác bàn thắng. Tiêu biểu như pha đột phá từ giữa sân lừa qua cả đội Compostela khi còn khoác áo Barcelona; màn ngoáy chân rồi rê bóng qua thủ thành Luca Marchegiani của Lazio trong trận chung kết UEFA Cup 1998; cú hat-trick kinh điển vào lưới Man Utd trên sân Old Trafford năm 2003; hay cú đúp quan trọng nhất sự nghiệp vào lưới đội tuyển Đức tại chung kết World Cup 2002.
Một bàn thắng khác ít nổi tiếng hơn nhưng minh chứng sống động cho tài nghệ săn bàn tuyệt luân của Ronaldo, đó là bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 trong trận lượt về bán kết UEFA Cup giữa Inter đấu với Spartak Moscow. Trên xứ sở bạch dương lạnh lẽo, các ngôi sao của Nerazzurri như chết cóng. Sân bóng cũng không hề giống hình dung về một trận cầu đỉnh cao. Ít cỏ. Nhiều cát. Và bùn, rất nhiều bùn. Cả sân bóng chỉ lốm đốm vài mảng xanh như thể ruộng dưa nhà ai đang cày dở.
Tình trạng tồi tệ tưởng chừng thuở hồng hoang ấy lại là bối cảnh tuyệt vời để Ronaldo tỏa sáng giống một sứ giả đến từ tương lai. Anh nhận bóng từ một tình huống ném biên, quay người loại bỏ pha truy cản của cầu thủ đối phương rồi xộc thẳng vào trung lộ. Một cầu thủ khác lao người cản phá nhưng tiền đạo người Brazil đã nhanh chân hơn tỉa bóng cho Ivan Zamorano. Zamorano lập tức nhả bóng lại cho Ronaldo và chỉ bằng một cú chạm, anh lướt qua 2 hậu vệ của Spartak Moscow, trước khi rê qua nốt thủ môn rồi đưa bóng vào lưới trống.
Quá nhanh, quá khỏe và quá khéo, lại cộng thêm kỹ năng sút bóng thường thừa, Ronaldo toàn diện ngoài trí tưởng tượng của người hâm mộ. Như người đồng đội Christian Vieri tán tụng: "Tôi chưa từng thấy tiền đạo nào như cậu ấy". Đó là một cầu thủ hội tụ đầy đủ phẩm chất ưu việt của một cầu thủ tấn công, từ kỹ thuật điêu luyện, cách chơi bóng tinh tế, cho đến việc sở hữu tốc độ đáng kinh ngạc, những pha dứt điểm hiểm hóc và sức mạnh bạo tàn của thú săn mồi.
Trong thời kỳ của những cặp tiền đạo, Ronaldo là tiền đạo duy nhất có thể độc lập tác chiến. Anh một mình thực hiện mọi công việc, từ đột phá, phối hợp đến ghi bàn. Anh trở thành nguyên mẫu cho những tiền đạo ngày nay, đồng thời chấm dứt quan điểm hàng thập kỷ trong môn thể thao này là tiền đạo phải thi đấu thành đôi. Trên sân bóng đầy bùn và cát ấy, Ronaldo vượt qua hết hậu vệ này đến hậu vệ khác, như thể cầu thủ đến từ tương lai, hay theo cách gọi thịnh hành lúc bấy giờ là Người ngoài hành tinh. Sự đi trước thời đại ấy biến Ronaldo trở thành tiền đạo vĩ đại nhất thập niên 1990 và đầu những năm 2000.
Những ai từng tận hưởng Ronaldo vị nguyên bản còn gọi anh theo một cách khác: R9. Khi World Cup 2022 càng ngày càng cận kề, cái biệt danh R9 càng khiến người hâm mộ đội tuyển Brazil nôn nao.
Đã 20 năm trôi qua kể từ lần gần nhất Selecao vô địch thế giới, Rumo ao Penta - lần đăng quang World Cup thứ 5 trong lịch sử đội bóng áo vàng xanh, đồng thời là vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới đầu tiên được tổ chức tại châu Á. World Cup đã trở lại với lục địa vàng, còn đội tuyển Brazil vẫn mải miết đi tìm R9 mới.
20 năm trước, Ronaldo tỏa sáng rực rỡ để vĩnh viễn bước vào ngôi đền dành cho những huyền thoại bóng đá vĩ đại nhất của xứ sở Samba nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Tại World Cup 2002, Ronaldo là vua phá lưới. Ngoại trừ trận tứ kết, anh ghi bàn ở tất cả các trận đấu khác. Tổng cộng 8 pha lập công, bao gồm cú đúp vào lưới Oliver Kahn trong trận chung kết. Những đứa trẻ khắp nơi trên thế giới đã sao chép kiểu tóc móng ngựa có một không hai trong lịch sử. "Thật kinh khủng", Ronaldo tự tin thừa nhận. "Tôi xin lỗi tất cả những bà mẹ thấy con trai cắt kiểu tóc ấy".
Gần 10 năm sau, Ronaldo giải nghệ. Thêm 10 năm nữa đã trôi qua, như thể có một lời nguyền khiến các chân sút Brazil chưa thể bước ra khỏi cái bóng của O Fenomeno. Người kế vị R9 lẽ ra phải là Adriano. O Imperador là một kẻ hủy diệt thực thụ. Tuy nhiên, trái ngược thân hình hộ pháp và những cú sút sấm sét, tâm lý của Adriano lại quá mong manh. Vì sự ra đi của người cha, Adriano rơi vào vòng xoáy trầm cảm và nghiện rượu để rồi đánh mất tất cả.
Trong thập kỷ vừa qua, mọi trọng trách và kỳ vọng lớn lao ở đội tuyển Brazil được đổ hết lên vai Neymar. Tiền đạo đang khoác áo PSG thực ra giữ vai trò "số 10", nhưng anh vừa phải kiến tạo, vừa phải ghi bàn, trong bối cảnh hàng dài trung phong được triệu tập rồi chìm vào quên lãng. Ở xứ sở cứ mỗi khu phố cũng có thể lập một đội bóng này, đã có thời HLV tuyển Brazil phải "rẽ cá để tìm nước", thật khó tin lại trải qua quãng thời gian dài "tìm mãi không ra cá".
Luis Fabiano, Fred, Vagner Love, Leandro Damiao, Grafite, Alexandre Pato, Diego Tardelli, Jonas, Luiz Adriano, Ricardo Oliveira, Borges v.v. nhiều cái tên chẳng thể ngờ lại trở thành "số 9" của đội tuyển áo vàng xanh. Trong khi tại World Cup 1998, HLV Mario Zagallo "phản bội" cả Romario để lấy chỗ cho Edmundo và Bebeto. Đến World Cup 2002, Mario Jardel, đương kim Chiếc giày vàng châu Âu và Giovani Elber, chân sút số một của gã khổng lồ Bayern Munich đều không được triệu tập.
Tại kỳ World Cup gần đây nhất, cái tên được đặt vào vị trí trung phong của đội tuyển Brazil là Gabriel Jesus, một chân sút có năng lực. Tiền đạo này được HLV Tite lựa chọn từ khi còn khoác áo Palmeiras và sớm chứng minh triển vọng to lớn. Anh lập cú đúp trong trận ra mắt Selecao và chạm mốc 10 bàn chỉ sau 17 lần ra sân. Jesus ăn ý với Neymar và ghi những bàn thắng quan trọng vào lưới Venezuela, Peru và Chile. "Sát thủ", Tite ví von. "Cậu ta sẽ là Ronaldo mới", Dani Alves tán tụng.
Rốt cuộc, World Cup 2018 là cơn ác mộng của Jesus. Tiền đạo này chạy, chạy và chạy nhưng không ghi nổi một bàn trong 5 trận. Nỗi thất vọng bao trùm xứ sở samba. Khi đội tuyển Brazil để thua Bỉ ở tứ kết, việc Tite không thay Jesus gây nên làn sóng chỉ mang tầm quốc gia.
"Bạn yêu mến Tite? Tôi cũng thế!", cây bút Jose Luiz Portella viết trên tờ Lance. "Ông là HLV giỏi nhất Brazil và khiến tôi tin tưởng vào Selecao thêm lần nữa. Nhưng ông ta quá bảo thủ. Tite sẵn sàng bảo vệ Gabriel Jesus đến chết, kể cả khi anh ta thi đấu kém cỏi. Đừng đến và nói với tôi rằng cậu ta quan trọng về mặt chiến thuật, chiến thuật quan trọng nhất đối với một tiền đạo là đưa bóng vào lưới!".
Tuy nhiên, sự hồi sinh của Gabriel Jesus trong màu áo Arsenal buộc HLV Tite phải cân nhắc cái tên này thêm lần nữa. Dù vậy, ứng viên sáng giá nhất cho vai trò số 9 của đội tuyển Brazil tại World Cup 2022 là gương mặt khác cũng vừa đặt chân đến thành London trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua: Richarlison.
Sau cú đúp vào lưới Ghana tại Le Havre hồi tháng 9, tiền đạo của Tottenham tràn trề hy vọng: "Tôi mong người dân Brazil tin tưởng ở tôi nhiều hơn vì khi được khoác áo đội tuyển quốc gia, tôi đã ghi rất nhiều bàn thắng. Hôm nay tôi mặc áo số 9 và mỗi khi mặc số áo này, tôi đều ghi bàn".
Richarlison nói đúng. Anh đã ghi 17 bàn 38 lần khoác áo Selecao, trong đó có 7 bàn sau 6 trận gần nhất, là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho đội tuyển Brazil trong năm 2022. Khác với phong cách hoạt động rộng của Jesus hay lùi sâu như Roberto Firmino, Richarlison thuộc mẫu tiền đạo trực diện. Khi đồng đội có bóng, anh lập tức thâm nhập vòng cấm và tìm kiếm cơ hội ghi bàn. Đó là phong cách phù hợp với Neymar, Raphinha hay Vinicius, những tiền đạo có xu hướng dạt biên.
"Cậu ấy không nhìn sang hai bên", Tite đánh giá. "Trước mắt cậu ấy chỉ có khung thành!". Quan trọng hơn, như HLV tuyển Brazil đánh giá, Richarlison "tỏa ra mùi hương bàn thắng". Khả năng không chiến của tiền đạo này là phẩm chất hàng công Selecao đã thiếu trong nhiều năm qua. Tất nhiên, Tite không hề đánh giá thấp Jesus. "Gabriel Jesus đang có phong độ tuyệt vời. Đội tuyển luôn trao cơ hội cho tất cả mọi người", Tite nhấn mạnh.
Nếu Tite vẫn hy vọng ở Jesus thì vị chiến lược gia này càng không thể bỏ qua Roberto Firmino. Sau khi Jesus mất vị trí ở World Cup 2018, chính tiền đạo đang khoác áo Liverpool đảm nhận vai trò tiền đạo cắm của đội tuyển Brazil.
Một số ý kiến cho rằng lẽ ra Firmino nên được chọn từ đầu. Đối với Tite, Firmino chính là "Benzema của Brazil" và ông đánh giá cao trí thông minh chiến thuật của cầu thủ này. Bình luận trên tờ Folha de Sao Paulo, cựu tuyển thủ Tostao nhìn nhận: "Firmino khiến mọi thứ dễ dàng hơn cho các đồng đội. Cậu ấy liên tục di chuyển. Trận đấu của cậu ấy không chỉ có bàn thắng. Tất nhiên Firmino cũng sở hữu khả năng dứt điểm tuyệt vời".
Tuy vậy, có khá nhiều hoài nghi dành cho Firmino. Tiền đạo của Liverpool là hình mẫu lý tưởng khi bên cạnh là Mohamed Salah và Sadio Mane, song không phải lúc nào cũng được lựa chọn tại đội tuyển Brazil. Ở đợt tập trung đội tuyển gần nhất, Firmino là cầu thủ duy nhất được triệu tập nhưng không ra sân phút nào.
Khi Firmino hiện diện, việc tiền đạo này lùi sâu để nhận bóng khiến các đợt lên bóng trở nên tắc nghẽn, vì Brazil đã có hai chuyên gia làm bóng Neymar và Coutinho. Tite luôn nhấn mạnh thuật ngữ profundidade (chiều sâu) nhưng Firmino hiếm khi lao ra phía sau lưng hàng thủ. Khi đối phương cố thủ, Brazil trông quá bí bách với Firmino không chịu đâm vào vòng cấm.
Vì lẽ đó, giữa ba lựa chọn Firmino, Gabriel Jesus và Richarlison, Richarlison là niềm hy vọng số một. Và như một sự trùng hợp thú vị, 20 năm sau "penta", Brazil hướng tới "hexa - chức vô địch World Cup thứ 6" cũng với một R9. Richarlison không thể sánh với Ronaldo về tài năng và đẳng cấp, nhưng biết đâu trên đất Qatar, anh lại là lựa chọn đúng người, đúng việc.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Đỗ Diệp