(Dân trí) - Không còn đại diện nào của châu Á trụ lại ở World Cup 2022. Dù vậy, họ đã để lại ấn tượng tốt. Những gì Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia thể hiện sẽ là "mầm sống" để tin vào tương lai tươi sáng hơn.
Không còn đại diện nào của châu Á trụ lại ở World Cup 2022. Dù vậy, họ đã rời khỏi cuộc chơi với ấn tượng tốt. Những gì Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia thể hiện sẽ là "mầm sống" để bóng đá châu Á tin vào tương lai tươi sáng hơn.
Không thể chống lại định mệnh
"Thảm kịch ở Doha", đó là những gì báo giới Nhật Bản nhắc nhở đội nhà trước trận đấu với Croatia ở vòng 1/8 World Cup 2022. Mảnh đất Doha từng ghi dấu nỗi đau của người Nhật. Một buổi chiều định mệnh ở Doha tháng 10/1993, "Samurai xanh" đã bị dập tắt giấc mơ giành vé tới World Cup 1994 bởi bàn thắng vào phút cuối của Iraq.
Tại Doha hôm qua (5/12), những chiến binh Samurai lại chứng kiến nỗi đau khác. Nhưng so với thời điểm cách đây 29 năm, họ đã rơi lệ trong tâm thế hoàn toàn khác. Đó là tập thể ngày một trưởng thành và vươn lên mạnh mẽ. Chỉ có điều, họ vẫn chưa thể chống lại được định mệnh.
Nhật Bản sẽ phải chờ thêm ít nhất 4 năm để thực hiện giấc mơ vào tứ kết World Cup nhưng kể cả sau thất bại trước Croatia, họ đã gieo rắc vào lòng người hâm mộ những "hạt giống" của niềm tin.
Thật vậy, trong hai kỳ World Cup liên tiếp, Nhật Bản đều gục ngã ở vòng 1/8 World Cup theo cách không thể đau đớn hơn. Trên đất Pháp cách đây 4 năm, "Samurai xanh" đã gục ngã trước Bỉ trong trận đấu mà họ dẫn trước tới 2-0. Còn hôm qua, đoàn quân của HLV Hajime Moriyasu đã thua ở loạt đấu súng định mệnh.
Rõ ràng, Nhật Bản vẫn có thiếu chút gì đó (thuộc về bản lĩnh) để vươn tầm thế giới nhưng cái cách họ chơi ngang ngửa và không lùi bước trước đại diện mạnh của châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Croatia cho thấy dấu hiệu sự vươn lên. Như tờ Washington Post bình luận: "Những người Nhật tới Qatar không chỉ để dọn rác ở sân vận động. Họ đã quét sạch cả Đức lẫn Tây Ban Nha".
Câu chuyện của Nhật Bản cũng là tiếng nói chung của châu Á lúc này. Hãy nhìn cái cách Australia kiên cường giành chiến thắng trước Đan Mạch, Hàn Quốc lội ngược dòng hạ Bồ Đào Nha (hay cầm hòa Uruguay) hay cách Saudi Arabia hạ gục Argentina, Iran kiên cường vùng lên "xé nát" xứ Wales.
Nói vậy để thấy, bóng đá châu Á đã biết cách viết nên câu chuyện của riêng mình. Lần đầu tiên trong lịch sử, Liên đoàn bóng đá châu Á có 3 đại diện góp mặt ở vòng 1/8 World Cup. Chỉ đáng tiếc, họ chưa thể chống lại định mệnh. Nhưng đó là câu chuyện của hiện tại, với đà thăng tiến này, họ sẽ vùng lên chiến thắng định mệnh ở thời điểm nào đó. Có cảm giác, ngày ấy sẽ không còn xa xôi.
Bóng đá châu Á không "chết" mà đang ngoi lên
"Kẻ thua cuộc ngẩng cao đầu", đó là cách mà báo giới nhiều nước nói về thất bại của Nhật Bản trước Croatia. Nhưng rõ ràng, cụm từ "ngẩng cao đầu" không còn phù hợp với tham vọng của "Samurai xanh" hay nhiều đội bóng châu Á khác khi bước ra "biển lớn" World Cup.
Điều này thể hiện qua thông điệp của đội trưởng Nhật Bản, Maya Yoshida: "Tôi đã phát ngán khi nghe thấy từ ngẩng cao đầu. Tôi cũng mệt mỏi khi người ta chỉ ca tụng Nhật Bản với hành động dọn dẹp phòng thay đồ. Chúng tôi thà là kẻ chiến thắng xấu xí chứ không muốn thua cuộc trong thế ngẩng cao đầu".
Câu nói trên toát lên khí chất của kẻ thách thức. Rõ ràng, Nhật Bản muốn họ được "đối xử" như nhiều ứng cử viên vô địch khác. Thắng là thắng, thua là thua. Không có bất kỳ lý do nào. Những cái đầu chỉ ngẩng cao khi đón nhận chiến thắng.
Đó là cái cách mà những người Nhật nhìn nhận vấn đề. Điều này trở thành động lực rất lớn để họ ngoi lên mạnh mẽ. Như HLV Hajime Moriyasu nhấn mạnh: "Ở thời điểm Nhật Bản giành bóng quyết liệt với những đối thủ mạnh, tôi nghĩ rằng thời thế đã thay đổi. Các cầu thủ đang chơi bóng với khát vọng của thời đại mới".
Hãy thử so sánh với Nhật Bản trong lần đầu tiên tham dự World Cup vào năm 1998. Ở thời điểm đó, tất cả gương mặt của đội bóng này đều thi đấu ở trong nước. Còn giờ đây, 3/4 số cầu thủ trong danh sách Nhật Bản tham dự World Cup 2022 đang thi đấu ở châu Âu. Nó giống như cuộc lột xác toàn diện của bóng đá nước này.
Đừng sai lầm khi cho rằng Nhật Bản chỉ co mình phòng thủ trước đội bóng lớn. Như HLV Hajime Moriyasu đã nói, Nhật Bản đang sống trong hơi thở thời đại mới. Họ sẵn sàng dâng cao pressing ngay từ phần sân đối phương và sẵn sàng tung ra cú đấm chí mạng khiến đối thủ ôm hận.
Đó cũng là thông điệp mà tất cả đội bóng châu Á như Hàn Quốc, Australia, Saudi Arabia, Iran hay kể cả Qatar muốn thể hiện. Tất nhiên vẫn còn đó khoảng cách về trình độ và đẳng cấp nhưng nó đã thu hẹp rất nhiều so với thời điểm cách đây 10,20 năm.
Năm 2014, Son Heung Min đã khóc vì bị loại. Năm 2018 cũng vậy. Tới năm nay, Son Heung Min vẫn… khóc nhưng đó là giọt nước mắt của sung sướng và hạnh phúc. Đó là chuyển biến không thể phủ nhận của bóng đá Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói riêng ở sân chơi World Cup. Đừng nhìn thất bại 1-4 của Hàn Quốc trước Brazil để phán xét bất kỳ điều gì. Thế giới bóng đá không dừng lại. Hàn Quốc hay bất kỳ đội bóng châu Á nào cũng vậy. Không biết chừng, chỉ một vài năm sau, bóng đá Hàn Quốc sẽ làm nên điều gì đó trước Brazil.
Suy cho cùng, việc châu Á sạch bóng ở World Cup 2022 sau vòng 1/8 không phải là tín hiệu đáng buồn. Hãy nhìn màn trình diễn của họ xuyên suốt giải đấu để thấy được những điều đáng để kỳ vọng. Ít nhất, những đại diện của châu Á đã không còn là "kẻ lót đường" mà sẵn sàng sắm vai kẻ nổi loạn.
H.Long