(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden được kỳ vọng thảo luận nhiều vấn đề "nóng" trong quan hệ song phương và tìm cách tháo "ngòi nổ" căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh tuần này.
Thượng đỉnh Putin - Biden: Cuộc cạnh tranh "cân não" và phép thử tên lửa siêu vượt âm
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden được kỳ vọng sẽ thảo luận nhiều vấn đề "nóng" trong quan hệ song phương và tìm cách tháo gỡ căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh hôm nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, trong bối cảnh hai cường quốc hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với các "phép thử" địa chính trị mới do tình hình kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19 đặt ra trước khi kết thúc năm 2021. Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 7/12, các điều kiện đàm phán dường như ít triển vọng hơn so với hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của hai nhà lãnh đạo vào ngày 16/6 ở Geneva, Thụy Sĩ.
Ông Biden và ông Putin gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên tại Điện Kremlin vào năm 2011. Sau đó, họ gặp lại nhau vào năm 2014 tại Geneva để giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là sức ép quân sự của Nga đối với Ukraine. Cuộc gặp hồi tháng 6 năm nay là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi ông Biden lên làm tổng thống Mỹ.
Hồi tháng 3, trong một cuộc phỏng vấn phát trên kênh truyền hình của đài ABC News, Tổng thống Biden đã "nặng lời" khi được hỏi về người đồng cấp Nga, rằng ông Putin phải "trả giá" vì chỉ đạo can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Những bình luận của ông Biden thời điểm đó đã thổi bùng căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ. Nga lập tức triệu hồi đại sứ tại Washington về nước và khuyên đại sứ Mỹ tại Moscow hồi hương để tham vấn về quan hệ song phương. Giới chức cấp cao của Nga cũng đề nghị chính quyền của ông Biden xin lỗi vì những phát biểu "nặng lời" này. Sau vụ việc, Nga và Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lẫn nhau.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh hôm 16/6, ông Putin nói rằng, quan hệ Nga - Mỹ đang ở tình trạng tồi tệ nhất và ông Biden cũng có chung quan điểm này. Cuộc họp ở Geneva được xem là một trong những cơ hội để Washington và Moscow xoa dịu căng thẳng.
Mặc dù mâu thuẫn về một loạt vấn đề địa chiến lược quan trọng, nhưng trong năm nay, Washington và Moscow đã âm thầm tìm cách ổn định mối quan hệ song phương vốn đang căng thẳng. Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đã được tiếp nối bởi một số cuộc gặp cấp cao trong những tháng gần đây giữa các quan chức Nga - Mỹ, bao gồm chuyến đi hồi đầu tháng 11 của Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đến Moscow.
Đối với chính quyền Biden, sự phối hợp này cho phép Mỹ khám phá các lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác, trong khi vẫn theo dõi chặt chẽ Nga và những nỗ lực của Moscow nhằm cạnh tranh các lợi ích của Washington. Đối với Tổng thống Putin, các cuộc hội đàm chứng tỏ Nga vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới như ông từng tuyên bố.
Căng thẳng "phủ bóng" suốt nửa năm
Sự khác biệt quan trọng nhất giữa 2 lần hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Biden và Tổng thống Putin là sự kiện thứ hai được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến, thay vì gặp mặt trực tiếp như lần đầu tiên.
Trong cuộc họp đầu tiên, những vấn đề được hai nhà lãnh đạo thảo luận bao gồm sự ổn định chiến lược, kiểm soát vũ khí hạt nhân, các chính sách chung đối phó tấn công mạng, trong bối cảnh các cuộc xung đột đang diễn ra ở biên giới phía đông Ukraine.
Năm tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên, một số vấn đề đã giảm bớt tầm quan trọng, một số vấn đề đã thay đổi nội hàm, trong khi một số vấn đề mới được thêm vào chương trình nghị sự.
Tại cuộc họp sắp tới giữa hai tổng thống, các chủ đề dự kiến được trao đổi bao gồm các động thái tiến về phía đông của NATO nhằm "nắn gân" Nga, lực lượng 100.000 lính Nga ở biên giới với Ukraine, các hoạt động ngày càng tăng của NATO ở Biển Đen, các mối đe dọa nhằm vào NATO và EU với dòng người di cư hàng loạt qua Belarus, cùng mối đe dọa bằng tên lửa siêu thanh.
Ngoài ra, các vấn đề khác như việc Nga thử nghiệm hệ thống vũ khí bắn hạ vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất, quyết định của Nga về việc sản xuất tên lửa phòng không S-550 và liên minh quân sự đang được xây dựng giữa Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Trong khi đó, liên minh AUKUS, được xây dựng bởi bộ 3 Mỹ - Anh - Australia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chắc chắn sẽ được phía Nga nêu ra tại cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo.
Tổng thống Biden và Tổng thống Putin gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters, AFP).
Cuộc đối thoại cuối cùng giữa Nga và Mỹ về việc lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã được tổ chức vào ngày 17/11 giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev. Một ngày sau cuộc họp, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ông Patrushev và Sullivan đã thảo luận về các diễn biến ở Ukraine, tình hình biên giới Belarus và các vấn đề an ninh mạng. Ông Peskov nhấn mạnh rằng cuộc gặp này "là bước chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp cao hơn".
Theo thông báo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về "một loạt chủ đề trong quan hệ Mỹ - Nga, bao gồm ổn định chiến lược, an ninh mạng và các vấn đề khu vực". Trong khi đó, Cố vấn của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov, cho biết các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề song phương cũng như các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm Afghanistan, Iran, cuộc khủng hoảng nội bộ Ukraine, Libya và có thể cả Syria trong cuộc họp trực tuyến sắp tới.
Những diễn biến sau hội nghị thượng đỉnh tại Geneva hồi tháng 6 cho thấy cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin bao gồm việc dò xét lập trường của nhau, và tất cả các động thái được hai nước thực hiện sau đó đã trở thành cuộc thử nghiệm nhằm "nắn gân" nhau.
Tuyên bố của ông Putin rằng "công dân Nga và Ukraine là một dân tộc" trong bài báo viết hồi tháng 7 ngay sau hội nghị thượng đỉnh cho thấy lập trường kiên quyết của Moscow trong việc phản đối sự mở rộng về phía đông của khối NATO do Mỹ dẫn đầu.
Tiếp đó, trong bài viết đăng trên nhật báo Kommersant vào tháng 10, ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống kiêm thủ tướng và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nhà nước Nga, cũng lên tiếng chỉ trích sự phụ thuộc của Ukraine vào các nước bên ngoài, trong đó có Mỹ.
Việc Hải quân Nga thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Zircon được cho là có khả năng bay với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh, phá hủy một vệ tinh của Liên Xô cũ bằng hệ thống vũ khí mới và tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất tên lửa S-550 là những bước đi mới nhằm "nắn gân" Mỹ trong cuộc cạnh tranh "cân não".
Tổng thống Putin hồi tháng trước bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga đã giúp dàn xếp cuộc khủng hoảng khiến hàng trăm người di cư từ Trung Đông bị mắc kẹt ở biên giới Ba Lan - Belarus. Nhà lãnh đạo Nga chỉ trích chính sách của phương Tây ở Trung Đông mới là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay, trong khi Ba Lan và một số nước khác cho rằng Nga đang làm việc với Belarus để gây áp lực lên biên giới EU. Ông Putin cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu cần nói chuyện với Tổng thống Belarus để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Nga và Mỹ cũng trả đũa nhau trong việc trục xuất các nhà ngoại giao về nước. Nga cho biết, hơn 100 nhân viên ngoại giao và gia đình họ đã buộc phải rời Mỹ kể từ năm 2016 trong bối cảnh quan hệ hai nước leo thang căng thẳng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 10 cũng cho biết, số lượng nhân viên phái đoàn Mỹ tại Nga cũng giảm từ 1.200 người đầu năm 2017 xuống còn 120 người.
Trước thềm cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 27/11 nói rằng 27 nhà ngoại giao Nga và gia đình sẽ phải rời khỏi Mỹ trước ngày 30/1/2022 theo lệnh trục xuất. Giới chức Mỹ cảnh báo, đại sứ quán của nước này tại Moscow sẽ ngừng hoạt động nếu Nga tiếp tục hạn chế số nhân viên làm việc tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở đây.
Vấn đề Ukraine
Giới phân tích dự đoán, khi Tổng thống Biden và Tổng thống Putin gặp nhau trong tuần này, hai nhà lãnh đạo sẽ tìm cách giảm căng thẳng liên quan tới vấn đề Ukraine.
Câu hỏi quan trọng được đặt ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, cũng là chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các nhà phân tích và các nhà lãnh đạo chính trị, là Tổng thống Putin sẽ hành động như thế nào ở khu vực biên giới với Ukraine, hay liệu ông chủ Điện Kremlin có gây áp lực buộc Tổng thống Biden ngăn Ukraine gia nhập NATO hay không.
Tình hình căng thẳng ở biên giới Ukraine có thể đặt ra phép thử lớn nhất đối với sự am hiểu chính sách đối ngoại và tầm ảnh hưởng của Tổng thống Biden. Nửa năm sau lần gặp thượng đỉnh đầu tiên, ông Putin lại một lần nữa đưa ông Biden phải trở lại bàn đàm phán. Đây là cách để nhà lãnh đạo Nga xác lập thế cân bằng trên trường quốc tế.
Tuần trước, ông Biden tuyên bố sẽ làm mọi cách để gây khó khăn cho Nga trong việc thực hiện hành động quân sự. Trong khi đó, ông Putin đã cảnh báo phương Tây và Ukraine không nên vượt qua "lằn ranh đỏ" của Điện Kremlin, bao gồm cả việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Biden đáp lại: "Tôi sẽ không chấp nhận lằn ranh đỏ của bất kỳ ai".
Một số nhà phân tích cho rằng Nga lo ngại sâu sắc về mối quan hệ ấm lên giữa Ukraine với NATO, do vậy Moscow đang đối phó xu hướng này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước đã kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra "những đảm bảo an ninh" rằng NATO sẽ không tiến gần hơn đến biên giới của Nga.
Fyodor Lukyanov, nhà phân tích chính trị thân cận với Điện Kremlin, cho biết ông hoài nghi về việc Tổng thống Biden và Tổng thống Putin sẽ đạt được bất kỳ kết quả nào cụ thể trong cuộc gặp tuần này, nhưng ông không cho rằng căng thẳng sẽ bùng phát nếu đàm phán thất bại.