(Dân trí) - Mặc dù Mỹ và các đồng minh liên tục cảnh báo Nga sắp tấn công Ukraine khi triển khai hàng nghìn quân áp sát biên giới, nhưng liệu Moscow có thực sự động binh như dự đoán của phương Tây?
LIỆU NGA CÓ TẤN CÔNG UKRAINE NHƯ DỰ BÁO CỦA MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY?
Mặc dù Mỹ và các đồng minh liên tục cảnh báo Nga sắp tấn công Ukraine khi triển khai hàng nghìn quân áp sát biên giới, nhưng liệu Moscow có thực sự "động binh" như dự đoán của phương Tây?
Liên tiếp trong những ngày vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Jake Sullivan cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Mỹ đưa ra lời cảnh báo "chắc như đinh đóng cột" rằng Nga đã có kế hoạch tấn công Ukraine và sẽ tấn công Ukraine vào bất cứ lúc nào trong những ngày tới.
Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ còn nêu khung thời gian từ 16-19/2. Tuy nhiên, thời hạn 16/2 đã qua đi mà không thấy bất kỳ dấu hiệu nào tấn công từ phía Nga. Thậm chí trước đó vào ngày 15/2 Nga còn tuyên bố rút một phần quân lính và vũ khí ra khỏi biên giới với Ukraine, như một sự "bỡn cợt" với tin tức tình báo của Mỹ.
Điều dư luận quan tâm lúc này là Nga có tấn công Ukraine hay không và nếu Nga không có ý định phát động một cuộc tấn công lớn thì ý đồ đằng sau việc triển khai một lực lượng quân đội lớn, gây sức ép quân sự lên Ukraine từ 4 phía để làm gì?
Đánh hay đàm?
Mấu chốt của tình hình căng thẳng hiện nay trong quan hệ Nga - Ukraine, quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO chủ yếu xoay quanh việc NATO tiếp tục có ý đồ mở rộng sang phía Đông và khả năng Ukraine trở thành thành viên của tổ chức này.
Trước đây, cựu Tổng thống Boris Yeltsin đã ảo tưởng trong quan hệ với phương Tây và chỉ phản ứng có chừng mực khi các nước Đông Âu thuộc phe Xã hội chủ nghĩa cũ và 3 nước Cộng hòa Baltic lần lượt trở thành thành viên của NATO.
Nhưng dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, chính sách của Nga đối với Mỹ và phương Tây đã có sự đảo chiều. Sau khi củng cố quyền lực trong nước và lấy lại được sức mạnh kinh tế, quân sự và vị thế cường quốc của Nga ở châu Âu và trên thế giới, Tổng thống Putin đã thi hành một chính sách an ninh, đối ngoại hết sức quyết đoán.
Theo đó, Nga không tiếp tục khoanh tay đứng nhìn thụ động khi NATO mở rộng sang phía Đông, tiến sát biên giới với nước Nga. Câu chuyện Nga ngăn cản một quốc gia trong không gian hậu Xô Viết gia nhập NATO như trường hợp Ukraine hiện nay không phải là điều mới. Trước đó, Nga và Gruzia đã từng lâm chiến tại Apkhazia và Nam Ossetia thuộc lãnh thổ Gruzia vào 8/2008, mà nguyên nhân sâu xa là Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili muốn xích lại gần hơn với phương Tây và gia nhập NATO. Còn với Ukraine, trước khi căng thẳng hiện nay diễn ra, nước này đã từng "để mất" Crimea vào tay Nga năm 2014, còn miền Đông Donbass thì rơi vào cảnh bom rơi, đạn nổ mà nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì "giấc mộng NATO".
Đối với Nga, mở rộng không gian NATO về phía đông sát biên giới Nga được coi như "làn ranh đỏ" trong quan hệ giữa Nga với Mỹ, NATO. Và "làn ranh đỏ" này là một trong 3 điều kiện chính để giải tỏa căng thẳng cho tình trạng đối đầu hiện nay được phía Nga nêu trong đề nghị an ninh gửi cho Mỹ và NATO tháng 12/2021. Hai điều kiện kia gồm việc NATO quay trở về trạng thái năm 1997, tức trước khi mở rộng cho các nước Đông Âu và 3 nước cộng hòa Baltic tham gia; và không xây dựng mới các căn cứ quân sự và triển khai các hệ thống vũ khí tấn công gần sát lãnh thổ Nga.
Cho đến nay, sau khi đẩy căng thẳng lên cao với chính sách ngoại giao "bên miệng hố chiến tranh" thì về cơ bản Nga đã buộc được Ukraine và phương Tây chấp nhận có điều kiện "làn ranh đỏ" do Nga đặt ra.
Trong NATO, mặc dù có nhiều nước ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh an ninh này, nhưng lại có một số quốc gia khác có tiếng nói trọng lượng, như Đức và Pháp, thì phản đối việc kết nạp Ukraine vào NATO, ít nhất trong giai đoạn hiện nay vì lo ngại hành động này có thể khiến Nga tức giận, từ đó phát động chiến tranh tổng lực chống Ukraine và gây ra sự bất ổn lan rộng khắp châu Âu.
Đối với Ukraine, họ giờ đây thấy rõ hơn quyết tâm và khả năng của Nga ngăn chặn bằng được nước này gia nhập NATO. Nếu cứ cố bằng mọi giá, Ukraine chẳng những sẽ phải một mình đương đầu với Nga trong một cuộc chiến mà họ cầm chắc thất bại trong tay. Do đó, Ukraine thấy cũng cần phải chủ động tháo gỡ ngòi nổ. Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh Vadym Prystaiko ngày 14/2 đã phát biểu rằng Ukraine có thể sẽ từ bỏ việc gia nhập NATO để tránh một cuộc chiến trực tiếp với Nga.
Như vậy, khi yêu sách liên quan đến lợi ích an ninh sống còn của nước Nga là NATO không kết nạp Ukraine vào lúc này được đáp ứng thì theo logic thông thường Nga cũng không còn lý do chính đáng để phát động một cuộc chiến tổng lực chống lại Ukraine.
Hơn nữa, việc phát động một cuộc chiến vào lúc này có thể khiến GDP của Nga, vốn đã giảm tới 27% chỉ trong 8 năm kể từ khi sáp nhập Crimea năm vào Nga cách đây 8 năm, sẽ bị tụt sâu hơn nữa, thậm chí cũng mất nốt cả vị thế cường quốc hiện nay.
Do đó, khả năng cao là Nga và các nước liên quan gồm Mỹ, Nga và NATO sẽ ngồi vào bàn thương lượng để tìm ra giải pháp, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Động thái gia tăng sức ép quân sự của Nga
Hiện tại, Nga chưa tiết lộ số lượng quân cũng như khí tài tập trung xung quanh Ukraine. Thông tin cập nhật mới nhất của truyền thông Mỹ và phương Tây thì cho rằng Nga hiện tập trung từ 160.000 -190.000 quân, đủ để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực chống Ukraine.
Khác với câu chuyện Ukraine gia nhập NATO trong quá khứ, lần này Nga muốn NATO thể hiện thái độ của mình bằng văn bản, với giấy trắng, mực đen và những cam kết cụ thể có tính ràng buộc. Nga cũng muốn câu chuyện Ukraine gia nhập NATO cần được đặt trong khung khổ rộng lớn hơn là một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu với 3 trụ cột chính là Mỹ, Nga và NATO. Mỹ và NATO giờ đây đã hiểu được rõ hơn các lợi ích cũng như lo ngại về an ninh của Nga, và bày tỏ mong muốn thảo luận với Nga để giải tỏa các vấn đề này thông qua đàm phán ngoại giao.
Tuy nhiên, cách tiếp cận để giải tỏa căng thẳng lúc này giữa hai bên đang có sự khác biệt lớn. Mỹ và NATO thì nhất quyết cho rằng, điều kiện để tiến hành thương lượng là Nga phải rút quân, giảm sức ép quân sự để tạo không khí thuận lợi cho đàm phán hòa bình.
Về phía Nga, họ cho rằng trước khi căng thẳng xảy ra Nga đã nhiều lần đề nghị đàm phán trực tiếp với Mỹ và NATO, nhưng họ đã phớt lờ hoặc xem nhẹ quan điểm của Nga. Nga tính toán rằng, việc họ tập trung một số lượng lớn quân và vũ khí xung quanh Ukraine, cộng với các áp lực ngoại giao "bên miệng hố chiến tranh" như tập trận bắn đạn thật và tập trận hạt nhân đang tạo ra các áp lực chiến tranh thực sự buộc phương Tây phải có tính toán để xuống thang. Hơn nữa, việc triển khai một lực lượng lớn quân đội như hiện nay là khá tốn kém. Nếu Nga nghe theo đề nghị của phương Tây là rút quân trước, thì trong trường hợp đàm phán thất bại hoặc khi các yêu cầu an ninh của Nga không được đáp ứng thì Nga sẽ rất khó triển khai lại lực lượng quân đội lớn như vậy để tạo sức ép với Ukraine lẫn Mỹ và phương Tây.
Do đó, những ngày tới sẽ chứng kiến các cuộc đấu trí căng thẳng, xen lẫn cuộc chiến thông tin và những màn hỏa mù chiến tranh... giữa lãnh đạo Nga với Mỹ khi họ tìm điểm hạ nhiệt hợp lý, vừa đáp ứng được các lợi ích an ninh của mình, vừa tránh một cuộc chiến tranh tổng lực, trong đó không có kẻ thắng mà chỉ có người thua.
TS Hoàng Anh Tuấn
Nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN