1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Xe phá mìn "Rồng phun lửa" Nga tập kích, phá hủy mục tiêu quân sự Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quân đội Nga đã sử dụng tổ hợp phá mìn UR-77 để tấn công các mục tiêu của lực lượng Ukraine giữa lúc chiến sự leo thang.

Theo trang tin quân sự Avia Pro, trong quá trình rà phá bom mìn trên vùng lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát, Nga đã phát hiện một cứ điểm có nguy cơ đe dọa an ninh của lực lượng Nga. Để đối phó mục tiêu này, quân đội Nga đã quyết định sử dụng tổ hợp phá mìn UR-77.

Tổ hợp UR-77 sử dụng dữ liệu nhận được từ máy bay không người lái (UAV) để xác định chính xác tọa độ của mục tiêu. Hỏa lực của UR-77 đã phá hủy cứ điểm kiên cố của Ukraine và không gây tổn thất nào cho quân đội Nga.

Xe phá mìn "Rồng phun lửa" Nga tấn công mục tiêu quân sự Ukraine

Theo các chuyên gia quân sự, việc triển khai UR-77 đã cho thấy hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các loại mìn chống tăng có thể đe dọa tính mạng của quân nhân. Ngoài ra, việc sử dụng máy bay không người lái cũng giúp phát hiện mục tiêu của đối phương mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe của các sĩ quan tình báo.

Quân đội Nga đã đưa vào sử dụng các tổ hợp phá mìn UR-77 để tấn công tuyến phòng thủ của Ukraine tại các mặt trận, đặc biệt ở vùng Donbass phía đông.

Được sản xuất từ những năm 1977 dưới thời Liên Xô, UR-77 là một trong những tổ hợp phá mìn uy lực nhất trong biên chế quân đội Nga. Sở hữu nguyên lý hoạt động đơn giản, khi khai hỏa, một tên lửa sẽ được phóng đi kéo theo một đoạn dây cáp chứa thuốc nổ. Khi chạm đất, lượng thuốc nổ này sẽ tạo ra một vụ nổ dữ dội với sóng xung kích, qua đó dọn sạch một khu vực có diện tích gần 600m2.

Nhờ tính năng và uy lực vượt trội, UR-77 được giới quan sát đặt cho biệt danh "Rồng phun lửa". Sức công phá mạnh mẽ của tổ hợp UR-77 được nhận định có thể giúp quân đội Nga đẩy nhanh đà tiến công mà vẫn bảo đảm an toàn cho các cuộc đột kích của bộ binh cơ giới.

Xe phá mìn Rồng phun lửa Nga tập kích, phá hủy mục tiêu quân sự Ukraine - 1

Tổ hợp phá mìn UR-77 của Nga (Ảnh: Wikipedia).

Đặt trên khung gầm cơ sở của pháo tự hành 2S1 Gvozdika, UR-77 được trang bị một động cơ YaMZ-238N với công suất 300 mã lực cho phép di chuyển với vận tốc tối đa 60km/h trên phạm vi tới 500km. Xe phá mìn này được điều khiển bởi một kíp chiến đấu gồm 2-4 người.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, UR-77 vẫn có một số điểm yếu, đặc biệt là tầm bắn hiệu quả chỉ hơn 90m. Bên cạnh đó, thời gian nạp lại đạn giữa 2 lần bắn cũng cần tới ít nhất 30 phút, khiến cho phương tiện này chưa thể trở thành một vũ khí tấn công chủ lực của quân đội Nga.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, việc Ukraine sử dụng hiệu quả loại mìn chống tăng đã giúp ngăn chặn các cuộc tấn công dồn dập của Nga ở mặt trận Donbass.

Bộ Quốc phòng Anh nhận định, Ukraine sử dụng chiến thuật phóng mìn lên khu vực phía trên và phía sau các đơn vị đang tiến công của Nga, đẩy lực lượng Nga vào thế tiến thoái lưỡng nan và gây hỗn loạn khi các phương tiện của Nga cố gắng rút lui. Khi rơi vào trận địa mìn, xe bọc thép Nga sẽ vướng phải thế kẹt và rất khó xoay xở trong tình huống chiến đấu dữ dội.

Theo Avia Pro

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm