Doanh nghiệp tuần qua:

Công ty ông Đặng Lê Nguyên Vũ có động thái; loạt doanh nghiệp đổi sếp

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Thông tin mới về công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông lớn dệt may Garmex Sài Gòn cho thuê đất làm sân tập pickleball, nhiều doanh nghiệp đổi sếp... được độc giả quan tâm trong tuần qua.

Công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ sắp khởi công nhà máy gần 2.000 tỷ đồng

Sáng 21/2, tại họp báo Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, đại diện Trung Nguyên Legend cho biết Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend là nhà máy thứ 5 thuộc hệ thống của tập đoàn nhưng là nhà máy đầu tiên trong phân đoạn chế biến sâu.

Tổng giá trị đầu tư dự án là trên 2.000 tỷ đồng, chia 2 phân kỳ thực hiện. Với kỳ đầu tiên, sau khi khởi công, dự kiến sau 2 năm, tập đoàn sẽ đưa vào vận hành khai thác chế biến sâu.

Khai thác chế biến sâu hạt cà phê cũng là định hướng chiến lược được ban lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk nêu trong họp báo.

Công ty ông Đặng Lê Nguyên Vũ có động thái; loạt doanh nghiệp đổi sếp - 1

Công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ sắp khởi công nhà máy gần 2.000 tỷ đồng (Ảnh: IT).

Nhiều doanh nghiệp đổi sếp

Tập đoàn Vingroup, Cơ Điện Lạnh REE, Đạt Phương và một số công ty chứng khoán thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao .

Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với bà Chun Chae Rhan. Bà này được bầu vào HĐQT Vingroup kể từ năm 2023, là đại diện cho cổ đông ngoại SK Group của Hàn Quốc.

Trước đó, bà này đã có đơn từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Ngoài ra, SK Group cũng vừa thoái vốn, không còn là cổ đông lớn của Vingroup khi giảm sở hữu về 4,72% vốn.

Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã chứng khoán: REE) cũng có đơn từ nhiệm của ông Huỳnh Thanh Hải - Thành viên HĐQT. Thời gian chấm dứt trách nhiệm thành viên HĐQT của ông Hải sau khi Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2024 thông qua quyết định. Doanh nghiệp dự kiến tổ chức đại hội vào ngày 1/4 và sẽ tiến hành bầu bổ sung thay thế thành viên HĐQT.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) miễn nhiệm chức danh phó tổng giám đốc với ông Phạm Kim Châu theo nguyện vọng cá nhân. Ông Châu vẫn giữ vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Đạt Phương, đồng thời là cổ đông lớn nắm giữ trực tiếp gần 4,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,63% vốn.

Trong ngành chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán SBB bổ nhiệm ông Phạm Minh Tuấn làm Tổng giám đốc thay ông Trần Mạnh Hùng. Bà Nguyễn Lan Phương được bổ nhiệm làm thành viên ban điều hành công ty.

Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Việt cũng nhận được đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc của bà Nguyễn Thị Hà vì lý do cá nhân, chỉ sau hơn 2 tháng nhậm chức. Đáng chú ý, theo báo cáo quản trị 2024, bà Hà là thành viên duy nhất trong ban điều hành của doanh nghiệp này.

Hay Công ty Chứng khoán LPBank cũng vừa có Chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Duy Khoa thay ông Phạm Phú Khôi. Ông Khoa sinh năm 1984, được giới thiệu từng làm việc tại một số công ty chứng khoán như Maybank, SSI, ACBS, VNDirect...

Trào lưu pickleball lên ngôi, ông lớn dệt may cho thuê đất làm sân tập

Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC) vừa thông qua hợp đồng giao dịch với Công ty cổ phần VinaPrint để hợp tác kinh doanh.

Garmex Sài Gòn sẽ đưa một phần đất do công ty quản lý với diện tích khoảng 1.000-3.000m2 (tùy theo nhu cầu thực tế) để hợp tác cùng VinaPrint trong lĩnh vực giáo dục thể thao, sân bóng pickleball  và các bộ môn thể thao khác mà pháp luật không cấm.

Công ty ông Đặng Lê Nguyên Vũ có động thái; loạt doanh nghiệp đổi sếp - 2

Giới trẻ gần đây rộ trào lưu chơi pickleball (Ảnh: Thành Đông).

Garmex Sài Gòn cho biết giá trị hợp đồng ước tính chiếm 0,44% tổng tài sản của Công ty tại ngày 30/6/2024 trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán. Theo đó, tổng tài sản tại thời điểm này hơn 406,5 tỷ đồng, như vậy giá trị hợp đồng gần 1,8 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn là doanh nghiệp có truyền thống lâu đời tại TPHCM. Công ty sản xuất các loại hàng may mặc công nghiệp với sản phẩm chính là quần áo may sẵn; sản xuất giường, tủ bằng vật liệu vải. Tuy nhiên, do khó khăn về đơn hàng, hoạt động của công ty đã bị đình trệ trong nhiều tháng gần đây.

Trong một báo cáo khác gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) hồi đầu tháng 12/2024, Garmex Sài Gòn xác nhận đã tạm ngừng sản xuất, không phát sinh doanh thu do thiếu đơn hàng để hoạt động từ tháng 5/2023. Cổ phiếu GMC cũng vừa bị hủy niêm yết bắt buộc do công ty này đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong từ một năm trở lên, theo quy định về trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.

Doanh nghiệp Việt sắp đón nhận loạt "đơn hàng" lớn từ Chính phủ

Tại thông báo 52 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, Chính phủ nhắc lại với khát vọng về "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Nhà nước phải kiến tạo, nhân dân ủng hộ, doanh nghiệp phải đồng hành đóng góp vào sự phát triển chung.

Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để triển khai các dự án lớn trong quý II.

Công ty ông Đặng Lê Nguyên Vũ có động thái; loạt doanh nghiệp đổi sếp - 3

Việt Nam sẽ giữ ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh (Ảnh: VGP).

Cụ thể, các dự án có thể giao tư nhân tham gia như làm đường ray, sản xuất toa tàu trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, đào hầm, làm đường, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, khí hydrogen.

Thường trực Chính phủ nhấn mạnh huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước để thực hiện các công việc cụ thể, dự án lớn. Giao các bộ, ngành nghiên cứu đệ trình việc giao nhiệm vụ cho từng doanh nghiệp.

Theo Chính phủ, năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để đất nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó phấn đấu năm 2025 tăng trưởng GDP đạt trên 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số.

Trước các nhiệm vụ lớn, khó khăn bộn bề, Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp trong nước tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng hạ tầng, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực.

Chính phủ hoan nghênh và ủng hộ các doanh nghiệp trong nước tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng, đề xuất tham gia các công trình, dự án quan trọng quốc gia.

Chính phủ cũng mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia.