1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga đối mặt thách thức lớn về kinh tế sau hơn 1.000 ngày chiến sự

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nền kinh tế Nga đang đối mặt với những thách thức sau hơn 2 năm đối phó hàng chục nghìn lệnh trừng phạt và đảm bảo ngân sách quân sự cho cuộc chiến tiêu hao ở Ukraine.

Nga đối mặt thách thức lớn về kinh tế sau hơn 1.000 ngày chiến sự - 1

Bơ trong siêu thị Nga được đặt vào hộp chống trộm (Ảnh: Pravda).

Trong một siêu thị ở Nga, một người đàn ông nhìn lén lút ra xung quanh. Sau đó, ông nhanh chóng vơ hàng hóa trên kệ vào ba lô và lao nhanh ra ngoài. Món hàng bị đánh cắp là bơ.

Theo Telegraph, đây là một trong những vụ trộm bơ trong siêu thị ở Nga đã xuất hiện trong thời gian qua, do giá cả mặt hàng này không ngừng tăng vọt trong thời gian qua. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ với Nga dù họ đang giành được ưu thế trên chiến trường trước Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao đã kéo dài hơn 1.000 ngày qua.

Giờ đây, các chủ siêu thị ở Nga đã quyết định để bơ trong các thiết bị chống trộm hoặc đặt bơ phía sau quầy thu ngân và sẽ bán theo yêu cầu của người mua.

Nguồn tin từ cơ quan an ninh cho biết, có trung bình 50 vụ trộm bơ mỗi tuần kể từ tháng 10 tới nay. Tại một quảng trường trung tâm ở thành phố Kazan của Nga, công dân Vanya đã nói với Telegraph rằng giá cả tiêu dùng tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân.

Theo Telegraph, lạm phát ở Nga đã tăng khi nền kinh tế nước này tập trung các nỗ lực xoay quanh cuộc chiến. Mức lãi suất đã tăng lên 21%.

Trong một bài báo vào tháng 10, tổ chức nghiên cứu Atlantic Council có trụ sở tại Mỹ cho biết "lạm phát gây ra mối đe dọa lớn nhất" đối với nền kinh tế Nga. Nó cũng làm suy yếu niềm tin vào đồng rúp, khiến đồng này bị mất giá trị.

Giới quan sát phương Tây nhận định, Nga đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn sau 3 năm chiến sự, nhằm đảm bảo vận hành trơn tru nền kinh tế dưới áp lực của hàng chục nghìn lệnh trừng phạt.

Truyền thông Nga đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra tình trạng lạm phát đình trệ, tức là giá cả tăng, tăng trưởng thấp. Người dân Nga có thể cảm thấy tác động thực sự của cuộc chiến.

Năm 2023, người dân Nga từng phàn nàn về việc giá cả trứng tăng cao. Năm nay, sự chú ý dồn vào bơ, một mặt hàng thiết yếu khác với người dân Nga. Giới chuyên gia cảnh báo đây có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại trong thời gian tới.

Nga đã nỗ lực tăng nhập thêm hàng hóa thiết yếu từ các nước láng giềng để bù đắp cho nguồn cung nhằm làm xoa dịu tình hình. Nga không ít lần thừa nhận họ đối mặt với thách thức trong những năm qua khi phương Tây áp 20.000 lệnh trừng phạt lên nước này.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các lệnh trừng phạt không thể gây tổn hại cho Nga như cách mà phương Tây mong muốn. Ông Peskov nói rằng nền kinh tế Nga đã dần thích nghi và sẵn sàng chống chọi với các lệnh trừng phạt của phương Tây thêm nhiều năm nữa.

Theo giới quan sát, trước sức ép của phương Tây, Nga đã nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt và xem đây là ưu tiên hàng đầu. Moscow đã tăng cường thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác nhằm thúc đẩy thương mại năng lượng và đảm bảo nguồn cung cấp hàng nhập khẩu quan trọng. 

Theo Telegraph