Mỹ gửi "tối hậu thư" cho Ukraine trước ngưỡng cửa đàm phán với Nga
(Dân trí) - Mỹ yêu cầu Ukraine dừng chỉ trích Tổng thống Donald Trump và ký thỏa thuận khoáng sản 500 tỷ USD theo đề xuất của Washington.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
Các quan chức Nhà Trắng đã yêu cầu Ukraine ngừng công kích Tổng thống Donald Trump và ký một thỏa thuận chuyển giao quyền khai thác khoáng sản của nước này cho Mỹ. Washington cảnh báo, nếu Ukraine không hành động như vậy, đó sẽ là điều không thể chấp nhận, theo hãng tin Guardian.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz nói với hãng tin Fox News rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải "giảm bớt" những lời chỉ trích nhằm vào Mỹ và "xem xét kỹ lưỡng" thỏa thuận khoáng sản. Thỏa thuận này đề xuất trao cho Washington 500 tỷ USD tài nguyên của Ukraine, bao gồm dầu mỏ và khí đốt.
Ông Waltz cho biết Ukraine đã sai khi phản đối cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, xét đến những gì Mỹ đã làm cho Ukraine.
Ông phủ nhận cáo buộc rằng Mỹ đã phớt lờ Ukraine và các đồng minh châu Âu bằng cách loại họ khỏi các cuộc đàm phán đầu tuần này với Nga. Ông cho biết đây là "ngoại giao con thoi" thông thường.
"Một số tuyên bố do Kiev đưa ra và những lời xúc phạm Tổng thống Trump là không thể chấp nhận được", ông Waltz sau đó nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
"Rõ ràng là Tổng thống Trump rất thất vọng với Tổng thống Zelensky, thực tế là chính ông ấy đã không đến bàn đàm phán, chính ông ấy không sẵn sàng nắm bắt cơ hội mà chúng tôi đã đưa ra", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói thêm.
Tổng thống Trump hôm 19/2 đã gọi ông Zelensky là "một nhà độc tài" khi không tổ chức bầu cử và đổ lỗi cho Ukraine về cuộc xung đột với Nga. Đáp lại, ông Zelensky cho biết Tổng thống Trump đang sống trong "bong bóng thông tin sai lệch" do Nga đưa ra và ông muốn đội ngũ chính quyền Trump "trung thực hơn".
Việc Mỹ nhanh chóng tách rời Tổng thống Zelensky với tư cách là đồng minh đã càng rõ hơn khi Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine, Keith Kellogg, đã hủy một cuộc họp báo ở Kiev.
Sau đó, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã có một "cuộc thảo luận tốt đẹp" với Đặc phái viên Kellogg. Cuộc thảo luận đề cập đến tình hình chiến trường, trao trả tù binh và "bảo đảm an ninh hiệu quả". Ông Zelensky cho biết ông biết ơn Mỹ vì sự hỗ trợ và ủng hộ của lưỡng đảng.
Ông Kellogg được coi là người ủng hộ Ukraine nhất trong đội ngũ thân cận của Tổng thống Trump. Ông đã không tham gia cuộc họp đầu tuần này giữa phái đoàn Mỹ và Nga tại thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út. Một quan chức Ukraine cho biết ông Kellogg đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán hòa bình.
Ukraine hoài nghi bất kỳ thỏa thuận nào với Moscow sẽ được duy trì và tin rằng các mục tiêu chiến tranh ban đầu của Nga vẫn không thay đổi.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance hôm 20/2 cho biết các cuộc đàm phán với Nga đang có tiến triển.
"Tôi thực sự tin rằng chúng ta đang ở ngưỡng cửa hòa bình ở châu Âu lần đầu tiên sau 3 năm", ông Vance nói, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Trump quyết tâm chấm dứt chiến tranh.

Phái đoàn Nga, Mỹ đàm phán hôm 18/2 (Ảnh: Getty).
Có thêm dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump đang rời xa Ukraine, thậm chí chống lại nước này ở cấp độ ngoại giao.
Theo hãng tin Reuters, Mỹ từ chối đồng bảo trợ một dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc đánh dấu 3 năm kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Dự thảo nghị quyết lên án hành động quân sự của Nga và tái khẳng định chủ quyền của Ukraine cũng như đường biên giới quốc tế trước năm 2014, trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp vào cuộc giao tranh ở vùng Donbass miền Đông Ukraine.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Mỹ không ủng hộ nghị quyết. Trong khi đó, có khoảng 50 quốc gia được cho là sẽ ủng hộ nghị quyết này, bao gồm Anh và hầu hết các nước EU.
Financial Times đưa tin, Nhà Trắng đã chặn một tuyên bố tương tự từ Nhóm G7 đổ lỗi cho Nga về cuộc xung đột Ukraine. Tờ báo cho biết các phái viên Mỹ đã phản đối cụm từ "sự xâm nhập của Nga" và chưa ký vào bản kế hoạch cho phép Tổng thống Zelensky phát biểu trực tuyến trước các nhà lãnh đạo G7.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Nhà Trắng có thể sẵn sàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga hoặc tăng cường chúng, tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng đàm phán của Moscow. Ông Bessent đã đến thăm Kiev vào tuần này, trình bày với ông Zelensky về thỏa thuận khoáng sản và nói rằng đó là sự đền bù cho khoản viện trợ quân sự trước đây của Mỹ.
Bộ trưởng Bessent cho biết ông đã nhận được sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ ký thỏa thuận. Tuy nhiên, vào ngày 19/2, Tổng thống Zelensky cho biết Mỹ chỉ cung cấp 69,2 tỷ USD viện trợ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, ít hơn nhiều so với con số mà Nhà Trắng đưa ra. Ông cho biết một thỏa thuận khoáng sản sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ đưa ra các đảm bảo an ninh cho một giải pháp hậu chiến.
Nga phản hồi tích cực trước các cuộc công kích chưa từng có của Tổng thống Trump vào Ukraine và tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng rằng Tổng thống Zelensky chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ là 4%.
Ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, cho biết ông rất kinh ngạc trước tốc độ thay đổi lập trường của Tổng thống Trump về Ukraine.