Ukraine "lấy công làm thủ" ở Kursk khiến Nga lúng túng
(Dân trí) - Sau nửa năm chiến đấu ở Kursk, quân đội Nga vẫn chưa thể đánh bật hoàn toàn lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ. Vì sao vậy?

Lực lượng Ukraine đột kích vào vùng Kursk của Nga hôm 6/8 (Ảnh minh họa: Reuters).
Ngày 6/8/2024, 12.000 binh sĩ quân đội Ukraine (AFU) bất ngờ xâm nhập Kursk và đã hơn 6 tháng kể từ đó, quân đội Nga (RFAF) chưa thể đánh bật được đối phương ra khỏi lãnh thổ.
Nếu như binh sĩ Nga ban đầu được cho là mất cảnh giác, để cho AFU nhanh chóng đánh chiếm 1.300km2 lãnh thổ, thì về lý thuyết, sau khi Moscow huy động lực lượng tiếp viện tinh nhuệ, trận chiến Kursk đã phải kết thúc từ lâu. Tuy nhiên, "cái gai" vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Vậy đâu là lý do?
Nga chưa thể đánh bật đối phương khỏi Kursk
Mặc dù diện tích khu vực Kursk mà AFU chiếm giữ đã giảm mạnh từ 1.300km2 xuống còn 380km2, nhưng hiện tại có tới 8 lữ đoàn tinh nhuệ của AFU vẫn dựa vào các cánh rừng và chiến hào trên đồng cỏ để chiến đấu.
Ngoài ra, tại tỉnh Sumy của Ukraine, giáp biên với khu vực Kursk, AFU còn có 4 lữ đoàn tinh nhuệ khác làm nhiệm vụ dự bị cho lực lượng ở Kursk.
RFAF cũng tập trung về khu vực Kursk tới 60.000 quân, trong đó dường như bao gồm cả 10.000 lính thuộc Quân đoàn Bão tố của Triều Tiên.
Theo thông tin chiến trường do Bộ Quốc phòng Nga công bố, trong các hoạt động tác chiến trên hướng mặt trận Kursk, tính đến ngày 20/2, RFAF đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 62.200 binh sĩ Ukraine, phá hủy 373 xe tăng, 279 xe chiến đấu bộ binh, 229 xe thiết giáp chở quân và 1.947 xe chiến đấu bọc thép, 2.096 xe cơ giới, 461 khẩu pháo cùng nhiều trang thiết bị khác nhau.
Bất kể thông tin chiến trường do Moscow công bố có chính xác hoàn toàn hay không, cần phải hiểu một nội dung quan trọng, đó là AFU đã liên tục sử dụng 14 lữ đoàn tinh nhuệ và các đơn vị chiến đấu độc lập khác để giữ vững khu vực Kursk làm con bài mặc cả cho cuộc đàm phán sau này và họ chắc chắn không dễ bỏ cuộc.
Phía bên kia, RFAF đã huy động 50.000 lính tinh nhuệ, cộng với binh sĩ thuộc Quân đoàn Bão tố của Triều Tiên tổ chức bao vây AFU cùng lúc từ 3 phía và RFAF đã nỗ lực hết sức để tấn công AFU.
Nhìn chung, RFAF có 3 lợi thế lớn khi tác chiến ở khu vực Kursk: đúng lúc, đúng địa điểm và đúng người. RFAF nhận được sự hỗ trợ hỏa lực trong mọi thời tiết từ Lực lượng Hàng không Vũ trụ. Bom lượn có điều khiển tiếp tục tấn công các vị trí AFU. Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander có thể bay tới Kursk và Sumy bất cứ lúc nào để tấn công các vị trí tập kết của lực lượng Kiev.
Hàng chục nghìn lính Ukraine tiến vào Kursk đã không thể tiếp tục tiến lên sau khi bị RFAF quyết liệt ngăn chặn và AFU phải chuyển sang phòng thủ rồi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong phương thức tác chiến này, lực lượng Moscow đã biến Kursk thành "máy xay" thực sự, buộc đối phương phải liên tục gửi tiếp viện tới mặt trận. Đây là phản ứng chiến lược của Moscow để thuận theo dòng chảy, biến sự thụ động thành chủ động.
RFAF không hề vội vã mà đánh cầm chừng nhằm tiêu hao và cầm chân lực lượng chiến đấu tinh nhuệ gồm tới 14 lữ đoàn của AFU ở Kursk để tạo thuận lợi cho các chiến trường khác. Chính điều này đã góp phần khách quan vào chiến thắng liên tục của lực lượng Moscow trên chiến trường miền Đông Ukraine vào nửa cuối năm 2024.

Bản đồ chiến sự Nga - Ukraine tại khu vực Kursk ngày 20/2. Trong đó, Moscow kiểm soát phần màu nâu, đồng thời vượt biên giới theo mũi tên màu hồng (Ảnh: Ayden).
Giờ đây, lực lượng Moscow đã bao vây Kupyansk ở Kharkov, vượt sông Oskil để tiếp tục mở rộng đầu cầu, với mục đích đánh chiếm hoàn toàn thành phố chiến lược này. Trên chiến trường Donetsk, tuyến phòng thủ được xây dựng từ năm 2014 đến năm 2022 đã bị RFAF chọc thủng, Moscow đã chiếm được thành phố Toretsk.
Sau khi hạ gục Kurakhove, khu định cư lớn nhất do AFU kiểm soát ở nam Donetsk, RFAF đang chiến đấu tạo thế bao vây thành phố Pokrovsk, có khả năng thành phố này sẽ thất thủ trong mấy tháng tới.
Còn tại pháo đài chiến lược Velyka Novosilka ở cực nam Donetsk, sau nhiều ngày chống đỡ, AFU đã phải rút chạy.
Bước tiếp theo của RFAF là tấn công Kostiantynivka cũng như Kramatorsk và Slavyansk. Cuộc chiến giành 3 pháo đài còn lại ở Donbass, sẽ lại là một trận chiến cam go với thiệt hại lớn cho cả hai bên.
Ukraine "lấy công làm thủ" để trụ vững ở Kursk
Trang Topwar của Nga cho biết, việc Moscow tái chiếm lại khu vực Kursk do AFU chiếm giữ từ tháng 8 năm ngoái không hề dễ dàng.
Độ "nóng" và sự khốc liệt của cuộc giao tranh ở khu vực này có thể đánh giá được qua thông tin chính thức do Bộ Quốc phòng Nga công bố hàng ngày.
Theo phần lớn các blogger và phóng viên chiến trường người Nga, quá trình giải phóng khu vực Kursk rất khó khăn, nhưng sẽ không dừng lại. Đặc biệt, kênh Donbass Partisan cho rằng, các điều kiện tiên quyết để tái chiếm thị trấn chiến lược Sudzha đã xuất hiện.
Điều này được chứng minh bằng việc RFAF tiến đến khu vực Sokolny Yar ở cánh đông trên hướng tấn công của Ukraine, việc chiếm đầu cầu này, sẽ đe dọa đến tuyến tiếp tế của lực lượng đồn trú của đối phương tại Guevo và có thể dẫn đến việc AFU phải rút khỏi Sudzha cũng như các khu vực đông dân khác, do lo ngại bị cắt đứt khỏi lực lượng chính.
Các nhà phân tích nhận thấy rằng, AFU đang cố gắng duy trì quyền kiểm soát các điểm cao ở phía bắc Guevo. Nhưng ở đó, hỏa lực Nga đang bắn phá mãnh liệt, phá hủy các công sự và các điểm tiếp tế hậu cần, qua đó làm suy yếu khả năng phòng thủ của AFU còn lại tại Kursk.
Theo kênh Archangel Spetsnaz, mặc dù giao tranh ác liệt diễn ra ở khu vực Kruglenky, tình hình ở đó vẫn chưa có thay đổi đáng kể nào. Để ngăn chặn sự đột phá của RFAF theo hướng này, AFU đang tăng cường phòng thủ ở khu vực Nikolaevka và đưa tiếp viện đến đó.
Ngoài ra, bước tiến quan trọng nhất của lực lượng Moscow chính là việc hạ gục Sverdlikovo ở cánh tây, dần dần áp sát pháo đài chiến lược Sudzha.
UAV Nga hạ gục hàng loạt phương tiện NATO cung cấp cho Ukraine ở Kursk (Video: Telegram).
Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng hiện tại, sức mạnh của Nga không đủ để tiến hành một cuộc tổng tấn công trên diện rộng.
Chính vì số lượng thương vong lớn trong chiến đấu, mà cuộc xung đột Nga - Ukraine đã phát triển từ một "chiến dịch quân sự đặc biệt" do Nga tiến hành bất ngờ vào đầu năm 2022, thành một cuộc chiến thực sự. Và đó là một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Ngày 15/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trong bài phát biểu rằng, tổng sức mạnh hiện tại của AFU là 880.000 người để chiến đấu chống lại 600.000 binh sĩ Nga. Ông Zelensky chỉ ra rằng, mặc dù tổng số quân của Kiev lớn hơn, nhưng RFAF có sự phân bố quân dày đặc ở một số khu vực, từ đó hình thành lợi thế về quân số ở những khu vực cụ thể.
Nói một cách đơn giản, RFAF là bên chủ động lựa chọn mục tiêu tấn công, có thể tập trung lực lượng vượt trội trên các chiến trường nhất định và tiêu diệt từng nhóm quân Ukraine đồn trú.
Với tư cách là bên phòng thủ, AFU có thể dựa vào các công sự để loại bỏ số lượng lớn quân Nga, hoặc chủ động phòng thủ và chuẩn bị các cuộc phản công. Tuy nhiên, trong chiến đấu, RFAF có ưu thế trên không và hỏa lực ở tiền tuyến, nên các hoạt động phòng thủ của lực lượng Kiev không mạnh hơn đối phương.
Về phòng thủ phản công, việc Kiev đã chọn tấn công Kursk với 14 lữ đoàn, có thể coi là chiến lược phòng thủ tích cực. Nhưng đáng tiếc là Tổng thống Zelensky đang tiến hành một cuộc chiến chính trị, chứ không phải một cuộc chiến thuần túy quân sự.
Hôm 20/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, RFAF đã tiến vào vùng Sumy sau khi kiểm soát Sverdlikovo.
Nhiệm vụ trọng tâm của quân đội Nga ở giai đoạn này tại khu vực biên giới Kursk là cắt đứt tuyến đường tiếp tế chính của nhóm lực lượng Kiev hoạt động trong khu vực đột phá vào lãnh thổ Nga.
Phía nam làng Sverdlikovo là thung lũng hẹp của sông Loknya, chảy qua biên giới vùng Sumy và đi về phía nam đến tận Yunakovka. Về mặt hậu cần, bản thân khu định cư này là điểm tập kết vật tư được chuyển đến từ Sumy rồi đi dọc theo đường cao tốc 38K-004 tới Sudzha và sau đó phân phối cho các đơn vị của AFU.
Một khi mất hậu cần, lực lượng Kiev sẽ khó mà chống cự lâu dài, nhưng ít nhất trong ngắn hạn 1-2 tháng tới, nhiều khả năng Nga vẫn chưa thể đánh bật được hoàn toàn đối phương khỏi khu vực Kursk.