1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga "phản pháo" cáo buộc không rút quân khỏi biên giới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của phương Tây cho rằng nước này không rút quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine.

Nga phản pháo cáo buộc không rút quân khỏi biên giới Ukraine - 1

Binh sĩ và khí tài quân sự tham gia cuộc tập trận của Nga - Belarus tại Belarus (Ảnh: AP).

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/2 nói rằng, Bộ Quốc phòng Nga có lịch trình rõ ràng cho việc rút các đơn vị từ khu vực gần biên giới Ukraine về các căn cứ thường trực sau khi kết thúc các cuộc tập trận.

"Rõ ràng là việc phân nhóm cho các cuộc tập trận (quân sự) đã được xây dựng trong nhiều tuần, và tất nhiên là không thể rút lui trong một ngày. (Máy bay) không thể cứ thế cất cánh và bay đi, cần phải có thời gian", ông Peskov nói.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 thông báo nước này đã rút một phần lực lượng quân sự tham gia cuộc tập trận gần biên giới Ukraine. Ngày 16/2, Nga đã rút các lực lượng tham gia tập trận ở Crimea và công bố video cho thấy các xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành đã rời khỏi bán đảo này. Nga cũng đang tiến hành tập trận quân sự chung với Belarus, dự kiến kéo dài đến ngày 20/2.

Nga cũng nhiều lần tuyên bố không có kế hoạch động binh với Ukraine, đồng thời chỉ trích phương Tây "khủng bố thông tin" khi cáo buộc Nga tấn công nước láng giềng.

Tuy nhiên, Mỹ, NATO và các nước phương Tây vẫn hoài nghi tuyên bố rút quân của Moscow. Tổng thống Joe Biden hôm 15/2 nói rằng, việc Nga tuyên bố rút quân là tín hiệu "tốt", nhưng chưa có bằng chứng cho thấy Moscow thực hiện động thái này trên thực địa.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 17/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga triển khai "hơn 150.000 quân xung quanh biên giới Ukraine", đồng thời nói rằng Mỹ và các đồng minh không thấy Nga rút quân mà thay vào đó, "đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine trong những ngày tới". Ông Blinken cũng cho rằng Nga có ý định "tạo cớ" để động binh, mặc dù Mỹ không biết điều đó sẽ diễn ra dưới hình thức nào.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng phủ nhận quan điểm cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã hạ nhiệt. Ông cho biết NATO vẫn đang theo dõi xem liệu Nga có thực sự rút quân như tuyên bố hay không, đồng thời cáo buộc Nga đang "đưa nhiều quân hơn" đến biên giới Ukraine.

"Như thường lệ, đó đều là những cáo buộc vô căn cứ", ông Peskov cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 17/2 cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dự kiến sẽ gặp nhau vào tuần tới giữa lúc căng thẳng leo thang. Trước đó, ông Blinken cho biết đã gửi một bức thư tới người đồng cấp Nga để đề xuất một cuộc họp ở châu Âu.

Ông Price cho biết cuộc họp sẽ diễn ra "với điều kiện không có cuộc tấn công nào của Nga vào Ukraine".

"Nếu họ tấn công trong những ngày tới, điều đó sẽ cho thấy rõ ràng là họ chưa bao giờ nghiêm túc về ngoại giao", ông Price nói thêm.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến cũng sẽ đến Munich, Đức trong vài ngày để hội đàm với các nhà lãnh đạo, gồm Thủ tướng Đức, Ngoại trưởng Anh và Tổng thống Ukraine. Ngoại trưởng Đức đã chỉ trích Nga vì từ chối tham gia cuộc họp này.

Theo www.reuters.com