Quốc gia NATO dự đoán tương lai của Ukraine hậu chiến sự với Nga
(Dân trí) - Hungary, thành viên NATO và EU, nói về tương lai của Ukraine sau khi cuộc chiến với Nga khép lại.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (Ảnh: Reuters).
Ukraine sẽ không được kết nạp vào NATO mà thay vào đó sẽ đóng vai trò như một "vùng đệm" giữa khối quân sự do Mỹ dẫn đầu và Nga sau khi cuộc xung đột Kiev - Moscow kết thúc, Thủ tướng Hungary Viktor Orban dự đoán.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, Budapest đã giữ quan điểm trung lập và liên tục chỉ trích việc EU cung cấp vũ khí cho Ukraine. Chính phủ Hungary từ lâu đã ủng hộ việc đối thoại với Moscow thay vì đối đầu, và ông Orban nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga, cho rằng châu Âu đang chịu thiệt hại nhiều hơn Moscow vì các biện pháp này.
Trong bài phát biểu thường niên về tình hình quốc gia tại Budapest hôm 22/2, Thủ tướng Hungary cho rằng cuộc xung đột này, vốn "đang trên đà kết thúc", thực chất là việc Nga ngăn "đưa Ukraine - trước đây là một vùng đệm giữa NATO và Nga - vào tầm kiểm soát của NATO".
"Ukraine một lần nữa sẽ trở thành vùng đệm (sau khi chiến sự kết thúc). Nước này sẽ không phải là thành viên NATO. Vì sao các nhà tự do châu Âu và Mỹ lại từng nghĩ rằng người Nga sẽ khoanh tay đứng nhìn (Ukraine vào NATO) vẫn còn là một điều bí ẩn", ông nhận xét, đồng thời tuyên bố rằng "thí nghiệm này đã thất bại".
Ông Orban cũng cho biết việc Ukraine gia nhập EU sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Budapest, ám chỉ rằng Hungary có thể ngăn chặn quá trình này nếu điều đó không phù hợp với lợi ích quốc gia của mình.
Nga từ lâu đã coi tham vọng gia nhập NATO của Ukraine và viễn cảnh cơ sở hạ tầng quân sự của khối này xuất hiện tại quốc gia láng giềng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột. Moscow cũng nhiều lần mô tả cuộc chiến ở Ukraine là một "cuộc chiến ủy nhiệm" mà phương Tây tiến hành chống lại Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã loại trừ khả năng Kiev gia nhập NATO, đồng thời thừa nhận rằng việc Washington từng phớt lờ những phản đối của Moscow về vấn đề này là một trong những nguyên nhân khiến xung đột leo thang.
Trước đó, ông Orban cho biết EU đang phải đối mặt với chi phí tăng vọt trong những năm gần đây sau khi quyết định loại bỏ dần năng lượng giá rẻ từ Nga.
Ông cảnh báo, giá năng lượng leo thang có thể làm tê liệt nền kinh tế EU.
Sau khi tự cắt đứt khỏi các nguồn năng lượng của Nga, EU hiện phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ hơn từ các quốc gia như Mỹ. Điều này đã đẩy giá khí đốt tự nhiên lên mức cao nhất trong hai năm qua.
"Tại Hungary, chúng tôi sẽ tiếp tục giảm giá năng lượng, nhưng tôi thấy rằng phương Tây không thể đi theo con đường này. Châu Âu sẽ tiếp tục đối mặt với giá năng lượng cao, điều này sẽ làm chậm lại và giết chết nền kinh tế", ông cảnh báo.
"Chúng ta phải trả chi phí năng lượng cao hơn từ 3 đến 5 lần so với Mỹ. Hungary đang giữ mức hóa đơn năng lượng thấp, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu khác không thể thực hiện điều này, và điều đó đang cản trở sự phát triển kinh tế", ông Orban nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý rằng một giải pháp tiềm năng cho cuộc xung đột Ukraine có thể mang lại hy vọng hòa bình và giúp cải thiện tình hình kinh tế toàn cầu.
"Hòa bình có thể có tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế châu Âu", ông Orban nói.
Ông cảnh báo rằng năng suất của EU đang tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu, trong khi tỷ trọng của khối này trong thương mại quốc tế tiếp tục suy giảm.
Orban cho biết sản lượng của các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng - vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế EU - đã giảm từ 10% đến 15%.