DNews

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá”

Hồng Ngân

(Dân trí) - Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập báo Dân trí cho rằng, trong hoạt động từ thiện, khái niệm "cần câu", "con cá" đều quan trọng, không bên nào nhẹ hơn.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá”
Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 1

340 công trình Nhân ái và hàng nghìn hoàn cảnh kém may mắn đã thay đổi số phận

Trên chặng đường hơn 20 năm, từ nguồn ủng hộ của bạn đọc, báo Dân trí đã xây dựng được 340 công trình Nhân ái trên toàn quốc.

Trong đó, 57 công trình là phòng học, điểm trường; 31 cầu và đường dân sinh ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; 50 nhà phao tại 2 xã Tân Hóa và Minh Hóa huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (cũ); 200 ngôi nhà Nhân ái; 2 nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công. Tổng trị giá các công trình lên đến hàng chục tỷ đồng.

Đáng chú ý, đầu năm 2024, hưởng ứng phong trào "xóa nhà tạm, nhà dột nát" do Chính phủ phát động, báo Dân trí đặt ra mục tiêu trong 2 năm 2024-2025 sẽ xây dựng xong 100 ngôi nhà Nhân ái, tặng các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 2

Hưởng ứng phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ phát động, báo Dân trí thay mặt bạn đọc cùng lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và sở, ngành địa phương làm lễ động thổ khởi công xây dựng 10 ngôi nhà Nhân ái tại xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá (cũ), tỉnh Tuyên Quang vào ngày 29/5/2024 (Ảnh: Thành Đông).

Tuy nhiên, chưa đầy một năm, từ tháng 4/2024, nhờ sự chung tay mạnh mẽ của bạn đọc, nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, báo Dân trí đã hoàn thành mục tiêu xây dựng 100 ngôi nhà Nhân ái vào tháng 3/2025.

Qua quá trình khảo sát, nhận thấy vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn sống trong những mái nhà dột, báo Dân trí đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng thêm 100 ngôi nhà Nhân ái để giúp thêm 100 hộ dân khó khăn được ở trong ngôi nhà khang trang, kiên cố. Nâng tổng số nhà Nhân ái trong 2 năm 2024-2025 lên 200 căn với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng.

Trước đó, vào thời điểm cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, báo Dân trí đã triển khai thành công 10 chiến dịch lớn, hỗ trợ các bác sĩ, bệnh viện nơi tuyến đầu chống dịch và người dân cùng vượt qua khó khăn.

Trong 3 năm học 2022-2023, 2023-2024, 2024-2025, báo Dân trí đã triển khai chương trình Nâng bước đến trường - tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn. Từ sự chung tay ủng hộ của bạn đọc, các đơn vị hao tâm, báo Dân trí đã trao 5.054 thẻ Bảo hiểm y tế trị giá hơn 4,5 tỷ đồng tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

“Khi hoàn cảnh nguy kịch về tính mạng mà không được hỗ trợ kịp thời, nói chuyện “cần câu” với họ là vô nghĩa”

Tính đến nay, có gần 6.000 hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội do báo Dân trí kêu gọi hỗ trợ, đã được bạn đọc, các nhà hảo tâm giúp đỡ, với tổng kinh phí hàng năm khoảng 60 tỷ đồng.

Tấm lòng hảo tâm của hàng triệu độc giả báo Dân trí trong nước và nước ngoài đã giúp các hoàn cảnh vượt qua khó khăn, thay đổi số phận.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 3

Nhà báo Phạm Tuấn Anh cùng lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và lãnh đạo sở, ngành địa phương trao bảng biểu trưng ủng hộ gia đình anh Quan Văn Biên và chị Hoàng Thị Huyên tại thôn Nông Tiến 2, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá (cũ), tỉnh Tuyên Quang.

Có thể kể đến hoàn cảnh của cậu bé Nguyễn Văn Sao (thôn Giao Bình, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (cũ), tỉnh Lào Cai), do gia đình quá khó khăn ở nơi vùng sâu, vùng xa, không lối thoát nên bố mẹ chia tay nhau, bỏ quê hương mỗi người đi một nơi. Gia đình cậu bé lúc đó tan tác như bầy chim vỡ tổ. Sao về ở với bà nội, anh trai Sao thì bỏ về Hà Nội kiếm sống bằng nghề đánh giày.

Cậu bé Nguyễn Văn Sao khi đó bị mắc bệnh tim bẩm sinh, do nhà nghèo không có tiền chữa trị. Học hết lớp 9, Sao tạm biệt bà nội, bắt xe khách xuống Hà Nội làm nghề đánh giày. Cậu bé mong muốn kiếm tiền chữa bệnh cho mình và mua áo ấm tặng bà để vượt qua những mùa đông lạnh thấu xương ở miền sơn cước.

Nhưng bệnh tim bẩm sinh của Sao ngày càng nặng. Đôi môi cậu bé tím đen, 10 đầu ngón tay thì xù xì. Nhiều lúc cậu bé ngã vật ra vỉa hè do thay đổi thời tiết.

Sự sống của Sao khi đó khá mong manh. Nhiều người trên phố lo sợ Sao có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ước mơ kiếm tiền chữa bệnh của cậu bé khi đó rơi vào bế tắc do nhiều người nghĩ em nghiện ma túy nên không dám thuê đánh giày. Lúc đó, cậu bé chỉ mong có miếng cơm ăn qua ngày.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 4

"Em bé đánh giày chờ... chết trên hè phố" ngày ấy, giờ đã hồi sinh trở thành tay pha chế đồ uống tại quán cà phê khá nổi tiếng ở Hà Nội (Ảnh: Quân Đỗ).

Hoàn cảnh éo le của Sao được báo Dân trí phản ánh qua bài viết “Em bé đánh giày chờ… chết trên hè phố”, đã chạm tới trái tim của hàng vạn bạn đọc trong nước và nước ngoài, ở nhiều độ tuổi. Trong số đó, có cả những người đầu bếp ở khách sạn 5 sao tại Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ Sao học nghề và nhận vào làm việc trong khách sạn.

Thông qua bài viết, năm 2009, cậu bé Nguyễn Văn Sao được bạn đọc giúp đỡ hàng trăm triệu đồng và đưa vào Bệnh viện Tim Hà Nội làm phẫu thuật thành công.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 5

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, trực tiếp là bác sĩ Nguyễn Sinh Hiền (hiện là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) thực hiện ca phẫu thuật tim kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ cho cậu bé Sao, vào tối 12/4/2010 (Ảnh: Hồng Ngân).

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 6

Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí tới Bệnh viện Tim Hà Nội hỏi thăm sức khoẻ và trao quà tới cậu bé Nguyễn Văn Sao sau ca phẫu thuật tim thành công vào ngày 12/4/2010 (Ảnh: Hồng Ngân).

Thương hoàn cảnh gia đình Sao, thời gian sau anh trai Sao cũng được nhận vào làm công nhân tại sân bay Nội Bài và lấy vợ ở Hà Nội.

Số tiền còn lại sau phẫu thuật, Sao về quê xây nhà, cuộc sống vơi bớt khó khăn, bố mẹ Sao vì thế cũng quay về với nhau, gia đình đoàn tụ.

Có thể nói, nhờ bạn đọc Dân trí ủng hộ và sự tận tình cứu chữa của y bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội lúc bấy giờ mà Sao và gia đình đã có cuộc sống thay đổi rõ rệt.

Bản thân Sao được một người phụ nữ tại Hà Nội truyền cách pha chế cà phê. Sau này Sao trở thành “tay pha cà phê có hạng” và làm việc cả ngày cho 2 quán cà phê khá nổi tiếng ở Hà Nội, với mức thu nhập cả chục triệu đồng/tháng.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 7

Hay đó còn là hoàn cảnh vô cùng đáng thương của cô bé Tô Kim Thy (SN 2000), học sinh lớp 11 trường THPT Thực hành Sư phạm, Đại học Cần Thơ.

Hai mẹ con Thy bị bố bỏ rơi khi em chưa đầy 1 tuổi. Sau đó là những chuỗi ngày cơ cực dài đằng đẵng của cả 2 mẹ con phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.

Thời điểm này, nhà cô bé không còn gạo để ăn và không còn tiền để mua thuốc uống nhưng 2 mẹ con “ngoéo tay” nhau sẽ không buông xuôi, không đầu hàng số phận.

Nhưng năm 2017, sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, người mẹ đã không qua khỏi. Từ đó, Thy bơ vơ lạc lõng giữa cuộc đời. Mất đi điểm tựa, cô bé sốc nặng và bệnh tình của em lại tiến triển nhanh hơn. Căn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối di căn lên phổi khiến em bị tràn dịch màng phổi, phải nhập viện cấp cứu.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 8

Tô Kim Thy (SN 2000), quê ở Cần Thơ, cô gái chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác suốt hơn chục năm qua. Nhờ có sự chung tay ủng hộ của bạn đọc báo Dân trí và sự tận tình cứu chữa của các y, bác sĩ mà em đã hồi sinh (Ảnh: Bảo Trân).

Hoàn cảnh của bé Thy được báo Dân trí chia sẻ đã nhận được sự quan tâm của hàng nghìn bạn đọc, nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài. Với số tiền ủng hộ hơn 135 triệu đồng giúp cô bé tiếp tục điều trị bệnh và dành một phần trang trải cuộc sống.

Cô gái tâm sự, quan trọng nhất là bạn đọc Dân trí đã cho em điểm tựa để vượt qua nghịch cảnh, tiếp tục cuộc sống. Vì khi biết bản thân bị ung thư giai đoạn cuối, Thy chán nản, bế tắc và từng nói với bác sĩ “đừng tìm cách chữa cho em nữa, hãy để cho em đi theo mẹ về thế giới bên kia”. Nhờ có bạn đọc hảo tâm giúp đỡ, em có kinh phí trải qua cả chục lần hóa trị.

Hiện nay, Thy đã tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học máy tính tại trường Đại học Cần Thơ vào năm 2021.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 9

Nhà báo Phạm Tâm trao số tiền hơn 135 triệu đồng của bạn đọc Dân trí ủng hộ em Tô Kim Thy, tháng 3/2018 (Ảnh: Phạm Trang).

Một năm sau, cô gái bé nhỏ vào TPHCM tiếp tục học thêm chuyên ngành Digital Marketing. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, em được học bổng toàn phần đào tạo chuyên sâu Digital Marketing.

Để tiếp tục con đường học vấn, Thy bắt đầu đi làm thêm nhưng cũng gặp không ít gian truân. Thy kể, mình từng vụt mất nhiều cơ hội làm việc tại tập đoàn đa quốc gia vì lý do sức khỏe.  

Gặp lại chúng tôi, cô gái vẻ mặt đầy tự tin bảo: "Em muốn làm rất nhiều điều cho thấy em có ích với cuộc sống này. Mặc dù, ông trời đã lấy đi của em nhiều thứ nhưng vẫn thương em, để em được kết nối với bạn đọc Dân trí. Nếu không, có lẽ em đã ở một nơi nào đó chứ không phải TPHCM hay Cần Thơ, chắc em không thể sống được đến hôm nay”.

Từ những hoạt động Nhân ái thiết thực, báo Dân trí đã kết nối và hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn ở cả 2 khía cạnh: giúp họ vượt qua nghịch cảnh trước mắt, sau đó là những hoạt động an sinh, ổn định cuộc sống, “an cư lạc nghiệp”, thoát nghèo bền vững.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 10

Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập báo Dân trí phát biểu tại Lễ Khánh thành 10 ngôi nhà Nhân ái ở tỉnh Tuyên Quang năm 2024 (Ảnh: Thành Đông).

Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập báo Dân trí cho rằng: “Nhiều người vẫn nói nôm na là cung cấp "con cá" và "cần câu" cái nào quan trọng hơn? Chúng tôi quan niệm cả hai khía cạnh đều quan trọng, không cái nào nhẹ hơn.

Một số người hay nói cung cấp "cần câu" sẽ tốt hơn nhưng chúng tôi cho rằng những hoàn cảnh đã quá cấp bách, quá nguy kịch, khẩn cấp về tính mạng, sức khỏe mà không được hỗ trợ, giúp đỡ thì có nêu vấn đề "cần câu" với họ cũng vô nghĩa”.

Đồng thời, nhà báo Phạm Tuấn Anh cho biết, ở Dân trí, làm từ thiện không chỉ khái quát bằng khái niệm "con cá", "cần câu" mà luôn đề cao những chương trình, dự án cộng đồng mang giá trị bền vững.

Sự kết hợp linh hoạt của khái niệm “con cá” và “cần câu”

Theo Chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh, một chương trình từ thiện lý tưởng là sự kết hợp linh hoạt giữa hai yếu tố này - "con cá" và "cần câu". Ngoài ra, cũng cần phải dựa trên nhu cầu thực tế và bối cảnh cụ thể. "Con cá" và "cần câu" không đối lập mà bổ sung cho nhau. Quan trọng hơn, từ thiện nên xuất phát từ trái tim, với mong muốn không chỉ giúp người khác vượt qua khó khăn mà còn giúp họ sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Theo Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, cả "con cá" và "cần câu" đều có giá trị quan trọng, nhưng giá trị ấy phụ thuộc vào bối cảnh, nhu cầu cụ thể của người nhận và mục tiêu dài hạn của hoạt động từ thiện. Không thể nói cái nào quan trọng hơn cái nào một cách tuyệt đối, bởi mỗi cách tiếp cận phục vụ một mục đích khác nhau: Khi nào cần cho "con cá"?

Trong các tình huống khẩn cấp, như thiên tai, dịch bệnh, hoặc khi một người đang đối mặt với nguy cơ sinh tồn (đói, không có chỗ ở, bệnh nặng), việc cung cấp "con cá" là ưu tiên hàng đầu.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 11

Chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh đồng hành cùng báo Dân trí xây dựng 7 ngôi nhà Nhân ái giúp người dân tại tỉnh Lào Cai tái thiết cuộc sống bão Yagi vào tháng 9/2024 (Ảnh: Thành Đông).

"Con cá" cũng có giá trị tinh thần, giúp người nhận cảm thấy được quan tâm, sẻ chia, từ đó khôi phục niềm tin và hy vọng để tiếp tục phấn đấu. Ví dụ: Trong đại dịch, việc cung cấp thực phẩm, thuốc men, hoặc hỗ trợ tài chính trực tiếp là cần thiết để giúp người dân vượt qua khủng hoảng trước mắt.

Khi nào nên cho "cần câu"? Khi nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng, việc trao "cần câu" giúp người nhận xây dựng cuộc sống tự lập và bền vững. Đây là cách giúp họ thoát nghèo triệt để, thay vì phụ thuộc vào sự trợ giúp liên tục.

"Cần câu" không chỉ là công cụ vật chất (như máy móc, vốn) mà còn là tri thức, kỹ năng, và cơ hội. Ví dụ, dạy một người cách quản lý tài chính hoặc cung cấp học bổng cho trẻ em nghèo có thể thay đổi cả một thế hệ.

Tuy nhiên, cho "cần câu" đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn, và sự hợp tác từ phía người nhận. Không phải ai cũng sẵn sàng hoặc có khả năng sử dụng "cần câu" ngay lập tức.

Trong thực tế, 2 cách tiếp cận này không nên tách rời mà cần bổ trợ lẫn nhau. Một chương trình từ thiện hiệu quả thường bắt đầu bằng việc đáp ứng nhu cầu cấp bách - "con cá" để tạo nền tảng ổn định, sau đó chuyển sang cung cấp công cụ và cơ hội - "cần câu" để thúc đẩy sự tự lập.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 12

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh trực tiếp đưa các em nhỏ mồ côi ở Lào Cai đi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám (Ảnh: Lương Quốc Hưng).

Khi làm từ thiện, điều quan trọng là lắng nghe và thấu hiểu người nhận. Mỗi người, mỗi cộng đồng có hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau. Một số người cần "con cá" để sống sót qua ngày, trong khi người khác muốn "cần câu" để vươn lên. Việc áp đặt một cách tiếp cận chung cho mọi trường hợp có thể thiếu hiệu quả hoặc thậm chí làm tổn thương lòng tự trọng của người nhận.

Từ thiện không chỉ là việc trao đi, mà còn là cách chúng ta trao với sự tôn trọng, đồng cảm, và không phán xét. "Con cá" hay "cần câu" đều có thể trở thành vô nghĩa nếu người nhận cảm thấy bị xem thường.

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh phân tích thêm, tặng "cần câu" tượng trưng cho việc trao công cụ, kiến thức, kỹ năng, hoặc cơ hội để người nhận tự đứng vững trên đôi chân của mình. Ví dụ như dạy nghề, cung cấp học bổng, hoặc hỗ trợ khởi nghiệp. Cách này hướng đến sự bền vững, giúp người nhận thoát nghèo lâu dài.

Tặng "cần câu” là khuyến khích tự chủ và trách nhiệm. Việc cung cấp "cần câu" (như kỹ năng, giáo dục, cơ hội) phù hợp với tư duy phát triển. Khi người nhận được trao công cụ để tự cải thiện, họ cảm thấy được trao quyền, từ đó xây dựng lòng tự trọng và sự tự tin. Ví dụ, một khóa học nghề không chỉ cung cấp kỹ năng mà còn giúp người học cảm thấy mình có giá trị và khả năng đóng góp.

Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng nhận "cần câu". Theo lý thuyết động lực học, một số người có thể thiếu nội lực để học hỏi hoặc thay đổi, đặc biệt nếu họ đang ở trạng thái tâm lý bất ổn do các nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 13

Chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh, đồng hành cùng báo Dân trí phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai (Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Lào Cai) khởi công 7 ngôi nhà Nhân ái tặng các hộ dân bị thiệt hại về nhà sau bão Yagi tháng 9/2024 (Ảnh: Thành Đông).

Cùng nhìn nhận về vấn đề trên, ông Lý Minh Tuấn, Giám đốc Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) chia sẻ, việc lựa chọn giữa cho "cần câu", tức là trang bị cho người dân kỹ năng, kiến thức để tự lực vươn lên và cho "con cá" là hỗ trợ trực tiếp, tức thời, không nên được đặt trong thế đối lập, mà cần được nhìn nhận linh hoạt, dựa trên từng hoàn cảnh cụ thể.

Trao "cần câu" mang lại giá trị lâu dài và bền vững, giúp người nhận nâng cao năng lực, tự tin vượt qua khó khăn, từ đó chủ động kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đây là cách tiếp cận đi vào gốc rễ của vấn đề, hướng tới sự phát triển tự chủ của mỗi cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi thời gian, nguồn lực lớn và sự đồng hành có cam kết từ nhiều phía, do đó, không phù hợp trong những tình huống khẩn cấp, cần cứu trợ kịp thời.

Ngược lại, cho "con cá", tức là hỗ trợ trực tiếp, là cần thiết trong những bối cảnh đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh hay những hoàn cảnh mà tính mạng và sinh kế của người dân bị đe dọa. Dù vậy, nếu chỉ dừng lại ở hỗ trợ ngắn hạn mà thiếu định hướng lâu dài thì dễ tạo ra tâm lý phụ thuộc, ỷ lại, thiếu động lực vươn lên.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 14

Ông Lý Minh Tuấn, Giám đốc Quỹ Thiện Tâm (áo vàng), trong chuyến công tác tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, tỉnh Lào Cai (Ảnh: Vingroup cung cấp).

“Với sứ mệnh "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người", Tập đoàn Vingroup và Quỹ Thiện Tâm luôn đặt người dân, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn ở vị trí trung tâm trong mọi hoạt động thiện nguyện.

Chúng tôi không cứng nhắc lựa chọn giữa "cần câu" hay "con cá", mà linh hoạt kết hợp cả hai, tùy theo điều kiện thực tế và nhu cầu cấp thiết của người nhận. Trong nhiều trường hợp, việc kết hợp song song cả hai cách hỗ trợ trước mắt và đầu tư lâu dài mang lại hiệu quả tối ưu, vừa giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, vừa tạo nền tảng để họ tự chủ và vươn lên bền vững”, ông Lý Minh Tuấn chia sẻ.

“Với nhiều người có thể là mớ cá vụn nhưng khiến mình yên lòng”

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, làm từ thiện thuộc về tình cảm và đạo đức, thể hiện đạo lý "tương thân, tương ái" của người Việt.

Tình cảm là lòng thương người. Đạo đức là tính thiện có trong mọi nền văn hóa và mọi tôn giáo. Khi làm từ thiện, yếu tố tình cảm và đạo đức vượt lên trên yếu tố lý trí, lý lẽ. Cho nên, tôi không thích những thảo luận cân đong giữa "cần câu" hay "con cá". Tùy hoàn cảnh cụ thể của những người sa cơ lỡ vận mà ứng xử.

Hoạt động Nhân ái và khái niệm “cần câu”, “con cá” - 15

Nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Ảnh tư liệu báo Dân trí).

Kinh nghiệm làm từ thiện của cá nhân tôi thì thấy, mình muốn cho họ "cần câu" thì thường là thất bại. Ví dụ như tôi sưu tầm và viết những cách thức nấu cháo sườn, làm bánh rán, làm giá đậu xanh, trồng rau thơm, hát đám cưới... và tặng vốn nhỏ ban đầu cho những hoàn cảnh cụ thể. Nhưng mình không thể sống cạnh họ để thực hành chu đáo được. Tôi đành cố gắng, trong thu nhập khiêm tốn của mình, ngoài góp từ thiện cho các tổ chức xã hội, thì mỗi tháng gắng 2,5 triệu đồng làm từ thiện trực tiếp khi gặp người nghèo khổ.

Làm được hơn 9 năm rồi, từ khi về hưu. Có thể với nhiều người, đó là những mớ cá vụn, nhưng khiến mình yên lòng.