"Vì việc để tìm người, lượng tài mà trao chức"
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng (Đại hội) hôm 13/3 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa này phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khóa XIV, bảo đảm thành công của Đại hội và thắng lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Người đứng đầu Đảng ta nói, đây là công việc vô cùng quan trọng, và cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân. "Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?"…
Trong những năm qua, các cấp có thẩm quyền đã nhiều lần khẳng định đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"… Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến cuối năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật 105 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Thực tế nêu trên đặt ra yêu cầu việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội phải "thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của dân lên trên hết; không bỏ sót người tài nhưng cũng không để lọt vào Trung ương những người không xứng đáng". Mục đích, như Tổng Bí thư đã phát biểu, "để Ban chấp hành nhiệm kỳ mới thực sự là đội ngũ tinh hoa của Đảng, đủ đức, đủ tài, đủ tầm gánh vác trọng trách mà đất nước và nhân dân giao phó".
Có thể nói, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, cấp lãnh đạo nào, lĩnh vực nào thì "vì việc để tìm người, lượng tài mà trao chức" cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác tổ chức cán bộ. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói:"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém mà ra".
Tư tưởng xuyên suốt ấy của Người không chỉ thể hiện ở việc tích cực tuyên truyền giáo dục, chuẩn bị đội ngũ cán bộ cốt cán trước khi Đảng được thành lập, xem "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng", mà còn được chứng minh qua thực tiễn hơn 90 năm Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam và tiếp tục được vận dụng sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng hiện nay
Nhiệm kỳ XIII của Đảng đã đi quá nửa chặng đường và công tác chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ XIV đã được khởi động. Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự).
Về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội; yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự của Đại hội XIV; nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành và trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền hiện nay… đã được phân tích, chỉ đạo đầy đủ và sâu sắc trong bài phát biểu toàn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Trong bài phát biểu này, như đã dẫn ở đầu bài viết, Tổng Bí thư đề cập đến sự quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thiết nghĩ, sự quan tâm này một mặt như cách nói vui là "toàn dân làm nhân sự", nhưng mặt chủ yếu và quan trọng là hơn là bởi tầm quan trọng của công tác nhân sự đến tương lai phát triển của đất nước, cuộc sống của người dân.
Quan tâm cũng có nghĩa là kỳ vọng, tin tưởng rằng Ban Chấp hành Trung ương phải thực sự là tập thể tinh hoa của Đảng.
Và nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải bằng mọi biện pháp, dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Nếu để những người đó lọt được vào bộ máy lãnh đạo sẽ là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.
Thực tế những gì đang diễn ra trong hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, với 105 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, cho thấy dù đã tiến hành bài bản các bước thì công tác chuẩn bị nhân sự vẫn cần chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn, tránh tối đa những sai sót.
Nhìn lại những vi phạm, khuyết điểm của số cán bộ bị kỷ luật thời gian qua, có thể thấy hầu hết là đã xảy ra từ một, hai nhiệm kỳ trước. Vì vậy, thiết nghĩ, nếu công tác kiểm tra, giám sát được làm tốt từ cơ sở, từ địa phương thì những nhân sự này chưa hẳn đã "lọt lưới" để có thể trèo cao, chui sâu vào bộ máy lãnh đạo và hậu quả họ gây ra cũng không nghiêm trọng như thời gian qua.
Đảng muốn làm tròn sứ mệnh là Đảng cầm quyền, xứng đáng với sự tin cậy mà mấy triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đã gửi gắm thì bộ máy lãnh đạo phải thực sự trong sạch, vững mạnh. Phải khẳng định điều đó để thấy rằng, những "rơi rụng" về nhân sự trong thời gian qua là bài học kinh nghiệm quý giá cho công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV được tốt hơn.
Thiết nghĩ việc xây dựng tập thể nhân sự Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ tới cần đảm bảo cơ cấu, số lượng, thành phần… Tuy nhiên, đã gọi là giới tinh hoa, là nhân sự cấp chiến lược của đất nước thì "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Hay nói cách khác "vì việc để tìm người, lượng tài mà trao chức", không nhất thiết phải chạy theo số lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ…
Việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng là bước quan trọng để các cấp có thẩm quyền xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương đủ mạnh, một Bộ Chính trị đủ mạnh, một Ban Bí thư đủ mạnh và thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu của Đảng, để Đảng ta đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang lãnh đạo, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, hùng cường; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!