Tâm điểm
Vân Thiêng

Văn hóa giao thông xấu xí

Dư luận từng ngỡ ngàng khi một khảo sát cách đây không lâu cho thấy, trong một nhịp đèn tín hiệu giao thông (hơn 90 giây) tại ngã tư Nguyễn Khang - Trần Duy Hưng (Hà Nội), có 87 xe máy và ôtô cùng vượt đèn đỏ.

Một con số phản ánh sự xấu xí trong văn hóa giao thông của chúng ta. Nhưng rồi, mấy năm qua, những hình ảnh xấu xí ấy vẫn cứ hàng ngày, hàng giờ diễn ra, mà bất cứ ai, bước ra đường là có thể thấy được.  

Thật vậy, dù đã được tuyên truyền, phổ biến; dù đã được đưa vào chương trình  ngoại khóa trong trường học và các lớp đào tạo bắt buộc đối với người học lái ôtô các loại, kèm với xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn… nhưng xem ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận khá lớn người tham gia giao thông vẫn chưa tốt.

Văn hóa giao thông xấu xí - 1

Lực lượng chức năng điều khiển giao thông trên một tuyến đường ở Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh)

Những hành vi như cố tình vượt đèn đỏ, đi ngược chiều trên cao tốc, đua xe, lạng lách đánh võng trên đường… vẫn xảy ra bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu. Ngay cả những nơi có đèn tín hiệu giao thông, nhưng cứ vắng bóng CSGT là họ sẵn sàng vi phạm, miễn sao được đi nhanh nhất có thể. 

Hãy thử làm một cuộc quan sát tại ngã sáu Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội), bạn sẽ dễ dàng thấy tình trạng xe máy vượt đèn đỏ diễn ra phổ biến vào mọi khung giờ. Nhiều người đi xe máy vẫn vô tư lách khỏi hàng xe đang dừng để vượt lên, dù thời lượng đèn đỏ còn hơn 40 giây. Các xe này bất chấp dòng phương tiện di chuyển theo tín hiệu đèn xanh từ phố Ô Chợ Dừa (hướng đi Xã Đàn) và từ Xã Đàn (hướng đi Ô Chợ Dừa, rẽ trái đi Nguyễn Lương Bằng) vẫn chạy tốc độ cao, khiến nhiều ôtô phải phanh gấp hoặc tiếp tục dừng để nhường đường vì sợ va chạm.

Tương tự, tại các nút giao lớn ở Hà Nội như: Ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long; ngã tư Đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi; ngã tư Đê La Thành -Nguyễn Chí Thanh... có thời lượng dừng đèn đỏ lâu, lượng phương tiện lưu thông đông đúc, nhiều người không đủ kiên nhẫn đã tranh thủ vượt đèn đỏ lúc đường thoáng, vắng bóng lực lượng chức năng.

Vượt đèn đỏ là hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và có thể làm cho những người nghiêm túc khác bị tai nạn, thậm chí là chết oan uổng. Đã có không ít vụ ôtô vượt đèn đỏ gây tai nạn chết người xảy ra. Cũng đã có những vụ ôtô đi ngược chiều trên cao tốc, hoặc đi lùi gây tai nạn thảm khốc.  

Điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ và nhiều hành vi vi phạm khác, là sai cả về pháp lý lẫn đạo đức, ứng xử xã hội. Hành vi ấy là coi thường luật pháp, thứ vốn được xem là mực thước để điều chỉnh hành vi và quan hệ xã hội. Tiếc rằng, nhiều người tham gia giao thông đã "nhờn luật", vì có thực tế là lực lượng chức năng mỏng, chưa xử lý triệt để các đối tượng vi phạm… Việc phạt nguội các phương tiện vi phạm chủ yếu mới thực hiện được với ôtô. Trong khi đó, với hành vi vượt đèn đỏ thì tỷ lệ người điều khiển xe gắn máy chiếm đa số.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành sự hướng dẫn của hệ thống tín hiệu giao thông, hoặc sự điều khiển của CSGT cho người dân, là một trong những yếu tố quan trọng để giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, với những người cố tình không chấp hành, pháp luật về ATGT, có hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản người khác thì pháp luật cần phải mạnh tay hơn nữa để răn đe, thậm chí là xử lý hình sự. Thành công trong việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mấy năm gần đây là minh chứng cho tính hiệu quả sự mạnh tay của cơ quan chức năng.  Kinh nghiệm ấy cần được tiếp tục nhân rộng.    

Văn hóa giao thông phải được hình thành từ gia đình, nhà trường, xã hội. Cần nhân lên những hành động đẹp như nhường đường cho xe ưu tiên, đi đúng làn đường, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông… Nhưng cũng rất cần những chế tài đủ mạnh, những biện pháp xử lý cứng rắn đối với người cố tình coi thường pháp luật, ngang nhiên vi phạm các quy định về an toàn khi tham gia giao thông. Vì đó chính là tội ác. 

Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo lần 4 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Nghị định nếu được ban hành, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Đáng chú ý của dự thảo này là mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông đã tăng lên gấp nhiều lần so với quy định hiện hành.

Theo đó, dự thảo quy định, người điều khiển ôtô hoặc các loại xe tương tự sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông hoặc hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển, kiểm soát giao thông; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều".

Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe (trong tổng 12 điểm).

Mức phạt này cao gấp hơn 3 lần so với quy định hiện hành. Hiện nay, người điều khiển ôtô vượt đèn đỏ hoặc các hành vi trên sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng; tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một đến 3 tháng.

Dự thảo cũng quy định phạt 40-50 triệu đồng với tài xế lái ôtô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng khi xe đang chạy trên đường. Ngoài phạt tiền, người vi phạm sẽ bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe. Mức phạt này cao gấp 4 lần so với hiện hành.

Cùng với đó, dự thảo đề xuất phạt tiền 16-18 triệu đồng với người lái ôtô gây tai nạn song không dừng phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với nhà chức trách gần nhất.

Tài xế đi ngược chiều trên cao tốc, lùi xe trên cao tốc (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng. Mức phạt hiện hành là 16-18 triệu đồng.

Bộ Công an cho rằng tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến phức tạp; vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ vẫn diễn ra phổ biến, nhất là các lỗi vi phạm trên đường cao tốc như lùi xe, đi ngược chiều, chạy xe máy vào cao tốc, đón trả khách tự do. Vì vậy, phải tăng mức phạt tiền để hạn chế các hành vi vi phạm, khi người điều khiển phương tiện không tự giác chấp hành.

Ngoài phạt tiền, việc trừ điểm trên giấy phép lái xe của người vi phạm được cho là cũng hợp lý hơn, so với quy định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-24 tháng. Bởi mỗi năm, hơn 500.000 trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn, lái xe không được phép điều khiển phương tiện, tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày, nhiều người bị tước giấy phép không đến nhận lại gây tồn đọng, lãng phí…

Tăng mức phạt hành chính với hành vi vi phạm quy định về an toàn khi tham gia giao thông, tuy có nặng, nhưng cần thiết! 

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!