Tuyển sinh lớp 1, 6 "nhà gần trường": Nhiều lợi ích nhưng cần minh bạch
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong cuộc làm việc tại tỉnh Quảng Ninh ngày 15/5 cho hay, Bộ dự kiến sẽ bỏ tuyển sinh tại các trường công vào lớp 1, lớp 6 theo địa giới hành chính, áp dụng nguyên tắc đi học gần nhà từ năm học 2026-2027. Điều này nghĩa là các địa phương không còn thực hiện tuyển sinh theo địa giới hành chính (hay còn gọi là theo tuyến) như hiện nay. Thay vào đó, sẽ áp dụng nguyên tắc tuyển sinh đảm bảo học sinh được học trường gần nhất với nơi ở thực tế.
Chủ trương trên đang được các bậc phụ huynh hết sức quan tâm, nhất là những ai có con sẽ bước vào các cấp học này.
Thực ra việc tuyển sinh theo cách thức "gần nhà" đã được TPHCM thực hiện thí điểm từ năm 2023 trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - bản đồ GIS). Trước khi có chủ trương của Bộ, Hà Nội cũng đã chuẩn bị cho việc áp dụng công nghệ bản đồ GIS khi tuyển sinh lớp 1, lớp 6 trường công theo nguyên tắc gần nhà từ năm học 2026-2027.

Phụ huynh đấu tranh đòi quyền đi học gần nhà cho con tại Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 vào tháng 8/2024 (Ảnh minh họa: Thành Đông).
Nếu phương thức tuyển sinh này được ban hành chính thức trên toàn quốc chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Trước hết là lợi ích với các cháu học sinh: khi học gần nhà, các cháu không mất nhiều thời gian di chuyển trên đường, thậm chí có thể đi bộ đi học, qua đó dành thời gian để vui chơi, rèn luyện năng khiếu, kỹ năng mềm, phát triển thể chất…
Với các bậc phụ huynh thì giảm thời gian đưa đón con và từ đó cũng sẽ giảm nạn kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Hơn nữa, nguyên tắc này cũng giúp tiết kiệm nguồn lực quản lý. Bởi vì kể từ 1/7, khi trên cả nước bỏ cấp huyện thì hệ thống trường học từ mầm non, tiểu học và THCS sẽ chuyển từ cấp huyện về xã quản lý. Việc tuyển sinh đầu cấp tiểu học và THCS gần nhà sẽ giúp cho công tác quản lý của các công chức cấp xã đơn giản và thuận lợi hơn trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, trên một phương diện khác, với những phụ huynh muốn có sự chọn lựa đa dạng hơn thì sẽ phải tính toán cách thức phù hợp, nhất là với những gia đình ưu tiên "trường tốt" thay vì "trường gần nhà". Bởi, con học gần nhà thì rõ ràng là có lợi về khoảng cách đưa đón nhưng chưa chắc đã là trường có chất lượng giáo dục như họ mong muốn.
Với quy định mới, sự lựa chọn của các gia đình này cho con em họ chỉ có ba cách. Một là, vẫn giữ nhà ở chỗ cũ và cho con đi học trường tư tốt. Hai là, chuyển nhà tới nơi nào gần trường công tốt để con chắc chắn có chỗ theo học. Ba là, họ sẽ tính tới chuyện "chạy chọt".
Chúng ta phản đối chuyện "chạy chọt" nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là một thực tế, tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình tuyển sinh tại một số trường có chất lượng giáo dục tốt. Một số công chức quản lý giáo dục cấp xã, cấp tỉnh, hay một số hiệu trưởng có thể vẫn tìm ra cách đưa học sinh nhà không gần trường vào học, làm phá vỡ nguyên tắc do chính ngành Giáo dục đề ra.
Như vậy, điều mà các nhà quản lý giáo dục ở ta cần quan tâm trong quá trình thực thi nguyên tắc đi học gần nhà, là sự quá tải ở một số khu vực đô thị, nhất là nơi tập trung đông dân cư và nhiều nhà trường có chất lượng giáo dục tốt; cùng với đó là nguy cơ phát sinh nạn "chạy chọt".
Ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có giải pháp về cơ sở hạ tầng, về đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tuyển sinh. Đối với trường hợp công chức quản lý giáo dục hoặc hiệu trưởng vi phạm nguyên tắc thì cần có chế tài đủ sức răn đe.
Nhìn rộng ra trên thông lệ quốc tế, tại các quốc gia phát triển, lâu nay họ đã áp dụng cách thức tuyển sinh này với học sinh trường công không chỉ cấp tiểu học, trung học cơ sở mà còn với cả cấp PTTH. Mọi học sinh sẽ chỉ được nhận vào học các trường công gần nhà, theo khu vực được quy định. Việc đưa đón các cháu ở một số quốc gia sẽ do hệ thống trường công đảm nhiệm và miễn phí hoàn toàn.
Vì vậy, phụ huynh tại các nước này muốn có nhiều chọn lựa cho con em mình thì có 4 cách.
Một là, họ cho con học trường tư tốt mà gia đình có khả năng đóng học phí và đưa đón.
Hai là, ngay từ khi mua hay thuê nhà, họ đã phải tính tới việc chọn nhà ở khu có trường học tốt, đúng với nguyện vọng của họ để cho con theo học. Và vì thế, nhà ở các khu này thường đắt hơn đáng kể so với nhà ở các khu có trường chất lượng bình thường hay chất lượng thấp.
Cách thứ ba là với những gia đình có thu nhập thấp, không đủ tiền cho con học trường tư hay chuyển nhà tới nơi gần trường công tốt, họ có thể cho con vào học các trường chuyên. Đó là những trường công tốt, hoàn toàn miễn phí, tuy có thể không gần nhà họ. Nhưng muốn vào được trường chuyên thì các cháu phải đạt tiêu chí chọn lựa do nhà trường đề ra. Đây là dạng trường chuyên nhằm đáp ứng nhu cầu bình đẳng giáo dục trong xã hội, chứ không phải dạng trường chuyên như ở Việt Nam hiện nay.
Và cuối cùng, những học sinh có năng lực học hành tốt, gia đình khó khăn, có thể thi lấy học bổng của các trường tư vốn rất đa dạng tại nhiều quốc gia phát triển. Nếu thi đỗ, các cháu có thể theo học với chi phí rất thấp, thậm chí không mất tiền.
Tóm lại, nguyên tắc đi học gần nhà mang lại nhiều lợi ích, nhưng cần thực hiện minh bạch để đảm bảo công bằng xã hội.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!