Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Xếp hàng mua hồ sơ cho con vào lớp 1

Báo Dân trí vừa đăng tải việc nhiều phụ huynh ở TPHCM đã xếp hàng từ 16h hôm trước, ngủ lề đường chờ qua đêm để mong mua được bộ hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1, Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn.

Câu chuyện này thực ra không phải hoàn toàn mới và không phổ biến, vì đã xảy ra ở một số địa phương từ nhiều năm nay và cũng chỉ tập trung ở một vài trường công tốt. Tuy nhiên là vấn đề cần được xem xét. Ở Hà Nội hay TPHCM thì nói là vì thành phố lớn đông dân. Nhưng tuần đầu tháng 6, hàng trăm phụ huynh ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, thức trắng đêm để đăng ký cho con vào lớp 1 trường Tiểu học Giấy Bãi Bằng. Còn ở Thái Nguyên hôm 3/6, hơn 700 hồ sơ được bốc thăm để chọn ra 70 suất học lớp 1.

Vì sao học sinh lớp 1 nào cũng chắc chắn có suất đi học miễn phí theo quy định về phổ cập giáo dục tiểu học, mà ông bà cha mẹ các con vẫn phải xếp hàng ròng rã ở một số nơi như thế?

Câu trả lời đơn giản là vì họ muốn con được vào trường công tốt nhất theo ý mình. Ví dụ trường chất lượng tốt có truyền thống dạy ra nhiều học sinh xuất sắc, hay trường dạy theo mô hình mới, hay trường có cơ sở vật chất tốt, hoặc là trường có sĩ số học sinh trong từng lớp ở mức thấp so với nhiều nơi chen chúc chật cứng 50-60 cháu một lớp. Mặc dù có thể họ sẽ tốn thêm tiền. Thậm chí không loại trừ trường hợp sẽ tính toán "chạy chọt" để con cháu mình có một suất học.

Xếp hàng mua hồ sơ cho con vào lớp 1 - 1

Hình ảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm 9/6 để nhận hồ sơ đăng ký lớp 1 cho con tại Phú Thọ (Nguồn ảnh: Phú Thọ 24h).

Khoan nói tới các gia đình kinh tế không dư dả. Với các phụ huynh có điều kiện thì có thể cho con cháu của họ vào học các trường tư. Mà học phí của các trường này một năm có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều trường tư chưa chắc đã có chất lượng dạy và học bằng các trường tiểu học công danh tiếng lâu năm. Thành ra trong tương quan so sánh với một số gia đình, thì vào trường công tốt vẫn là giải pháp tối ưu cho họ vì tiền không quá tốn kém như vào trường tư.

Thực ra sâu xa hơn đây là một cuộc chạy đua giữa các bậc cha mẹ để tìm ra một giải pháp tốt nhất cho việc học hành của con. Bởi vì dù gì đi chăng nữa, đa phần trong số họ cho rằng ngay từ tiểu học đã phải đưa con vào ngay guồng đua. Con nhà người ta sao thì con mình phải vậy, quyết không chịu thua kém. Và họ cũng hy vọng đua đều đều ngay từ tiểu học, tới hết cấp 2 thì con họ sẽ vượt qua "vách đá" thi vào cấp 3 cực kỳ khốc liệt. Từ đó mới có thể hy vọng cho con đậu vào các đại học công top đầu, hay cho đi du học, tìm kiếm học bổng…

Tất nhiên sẽ chỉ có một số phụ huynh học sinh "đua" theo kiểu này, tùy vào điều kiện gia đình và quyết tâm của cha mẹ. Phần còn lại thì đành chịu thua. Nghĩa là ngay cả khi cha mẹ học sinh ở ngay gần trường, nhưng con cũng chưa chắc đã được vào vì… hết hồ sơ.

Từ các cuộc đua tranh này, có thể thấy vấn đề nằm ở việc điều tiết, phân luồng học hành cho các con. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, nếu trẻ muốn học trường công nào đó trong bậc phổ thông (tiểu học và THCS), thì nhà của các con phải ở trong khu vực của nhà trường được phép tuyển học sinh. Con sẽ được học hoàn toàn miễn phí trong ngôi trường ở ngay gần nhà các con. Nếu không ở gần đó thì không cách nào cha mẹ có thể gửi con tới trường được. Quy định này nhằm đảm bảo công bằng và sự hài hòa theo địa bàn cư trú. Vì vậy nếu muốn con vào trường nào tốt, cha mẹ các con chỉ có cách chuyển nhà tới khu vực có cái trường đó sinh sống. Ở các nước, điều này có nghĩa là họ sẽ tham gia vào cộng đồng cư dân ở đó, đóng thuế nhà đất cho khu vực đó. Thuế này sẽ dùng làm nguồn điều tiết và đầu tư vào nâng cao chất lượng các trường.

Vấn đề phát sinh khi trường tốt nằm ở địa bàn dân cư quá đông đúc và số hồ sơ phát hành có giới hạn. Để tránh tình trạng xếp hàng phản cảm thì các trường, nhất là trường ở khu vực đô thị, có thể áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến, nhận và xử lý hồ sơ qua mạng, có biện pháp đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Nhiều người sẽ nghĩ đến giải pháp xây dựng thêm trường công lập, nhất là địa bàn đông dân cư, cũng như nâng cao chất lượng các trường công hiện có. Giải pháp này là đúng, tuy nhiên chúng ta phải thấy một thực tế là sẽ cần quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương trong bố trí nguồn lực, và cần có thời gian tính bằng nhiều năm.

Một công cụ khác cũng được ngành giáo dục ở nhiều quốc gia tiên tiến chọn để giảm tải cho trường công, đó chính là phân luồng giáo dục từ rất sớm, đi kèm với hướng nghiệp. Bởi họ sẽ chỉ quy hoạch một số phần trăm nhất định học sinh sẽ thi và đi học đại học. Phần nhiều còn lại sẽ chỉ đi học nghề hay làm công nhân. Vì vậy cha mẹ nào có con có nhiều khả năng học hành sẽ cố gắng chuyển tới gần khu trường tốt sinh sống để có cho con một suất học từ trung học trở lên.

Cha mẹ nào thấy năng lực của con không thể học lên cao, thì sẽ cho con học "trường làng", miễn là con hoàn tất chương trình. Sau khi học xong cấp 2, các con sẽ chuyển qua học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề là ổn.

Dù là giải pháp nào, trước mắt hay lâu dài, đều cần hướng tới một nguyên tắc là cung cấp cho mọi học trò cơ hội học hành bình đẳng và phát triển tốt nhất tùy theo năng lực của các em, cũng như điều kiện cụ thể của gia đình.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!