Từ VNeTraffic nghĩ về một "App quốc dân"
Chỉ sau ít ngày vận hành chính thức, ứng dụng có tên VNeTraffic đã được rất đông người dùng quan tâm, với số lượng tải về thuộc nhóm đầu bảng xếp hạng của App Store và kho ứng dụng CH Play. Tôi cũng đã dành thời gian trải nghiệm ứng dụng đang rất "hot" này.
VNeTraffic cung cấp thông tin về giao thông, giúp công dân gửi các phản ánh, theo dõi lịch sử đã vi phạm, biển số đấu giá, tra cứu phạt nguội. Đây là ứng dụng thứ 6 (liên quan đến dịch vụ công) mà tôi đang sử dụng với chiếc điện thoại "đời" 2022 chạy hệ điều hành Android. Trước đó, tôi đã cài vào điện thoại của mình các ứng dụng phổ biến khác như: VNeID, etax Mobile, VssID,...
Là một người trẻ, nên việc cài đặt VNeTraffic đối với tôi không có khó khăn gì đáng kể. Ứng dụng này gây ấn tượng với giao diện khá đơn giản, dễ thao tác. Đây là điểm rất đáng ghi nhận so với một số ứng dụng ở lĩnh vực khác. Trong quá trình trải nghiệm, tôi nhận thấy vẫn còn những chi tiết cần phải bàn luận, cải tiến. Nhưng nhìn chung, ở thời điểm mới vận hành, VNeTraffic có thể hỗ trợ người dùng khá tốt trong việc mở rộng khả năng tương tác với các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông trên môi trường trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân; góp phần tăng cường tính minh bạch của nền công vụ.
Trong thời đại số, việc thiết lập và triển khai các ứng dụng trực tuyến như VNeTraffic là một xu hướng tất yếu. Bởi theo số liệu thống kê (từ Datareportal và Wearesocial) cho thấy: Tại Việt Nam, hiện có khoảng 78 triệu người sử dụng internet, trong đó 72 triệu người dùng mạng xã hội. Lâu nay người dân đã làm quen và sử dụng thành thạo các ứng dụng, tiện ích gọi xe, thương mại điện tử... Cũng phải nói thêm là các công ty đã đầu tư xây dựng các ứng dụng đó rất khoa học, dễ sử dụng.
Ở góc độ quản lý nhà nước, việc vận hành các ứng dụng di động giúp người dân thuận tiện hơn khi tiếp cận dịch vụ công, tương tác hai chiều nhanh chóng hơn so với phương thức tương tác qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Vấn đề đặt ra với cá nhân tôi và có lẽ nhiều người khác cũng vậy, đó là khi có khá nhiều ứng dụng trên điện thoại như hiện tại, tôi luôn đối mặt với tình trạng: Làm thế nào để nhớ chính xác các mật khẩu mà mình đã thiết lập ở các ứng dụng trước đó?! Bởi có những ứng dụng chỉ dùng đến một vài lần trong năm.
Trước đây, tôi đã từng nghĩ đến biện pháp áp dụng "mật khẩu chung" cho các ứng dụng (bằng mật khẩu của ứng dụng ngân hàng, vì đây là mật khẩu được sử dụng thường xuyên). Nhưng, có trường hợp ứng dụng mới cài đặt lại không chấp nhận, với lý do là "ký tự đặc biệt" mà tôi sử dụng ở ứng dụng ngân hàng không thuộc phạm vi hỗ trợ của "bộ ký tự đặc biệt" trên ứng dụng mới. Vì vậy, tôi buộc phải sử dụng khá nhiều mật khẩu khác nhau khi đăng nhập vào các ứng dụng khác nhau.
Theo tôi, số lượng các ứng dụng đang được triển khai (liên quan đến dịch vụ công) có lẽ đã nhiều quá mức cần thiết. Nhiều ở đây không phải ở số lượng dịch vụ công được đưa lên môi trường di động, mà nhiều ở số lượng ứng dụng và mỗi ứng dụng thường chỉ cung cấp một loại tiện ích, thiếu sự tích hợp.
Trong thực tế, đa số ứng dụng chỉ được sử dụng nhiều tại một thời điểm nào đó, nhất là khi có sự thay đổi, điều chỉnh về mặt chính sách hay có những quy định pháp luật mới được ban hành. Tính tích hợp, liên thông dữ liệu của đa số ứng dụng chưa được như mong đợi của người dùng. Ngoài ra, nhiều ứng dụng xây dựng khá sơ sài, khó thao tác, khó tiếp cận đối với một bộ phận đáng kể người dùng, nhất là người già.
Trong thời gian tới, các cơ quan cung cấp dịch vụ công nên tập trung cải tiến ứng dụng, thấu hiểu hơn năng lực tiếp cận và hành trình tiếp cận dịch vụ của người dùng theo hướng cá nhân hóa.
Ứng dụng không chỉ xây dựng một lần là xong, mà quá trình vận hành phải chú ý đến công tác đánh giá hiệu quả, tiếp nhận các ý kiến phản hồi, xác định rõ trên hành trình tiếp cận dịch vụ đó, người sử dụng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc chủ yếu nào để có giải pháp khắc phục và hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn: Giao diện thiết kế cần điều chỉnh lại hợp lý hơn (đơn cử: những tính năng ít sử dụng nên được thu hẹp, ẩn bớt trên giao diện chính). Yêu cầu về thao tác cũng cần phải phù hợp với kỹ năng công nghệ thông tin của số đông người dùng. Ngoài ra, cơ quan quản lý ứng dụng nên chú ý đến việc phát triển các tính năng hỗ trợ dành cho nhóm đối tượng yếu thế như: người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… Một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng.
Tôi cho rằng đã đến lúc nên hạn chế tình trạng mỗi ngành, mỗi lĩnh vực tự xây dựng quá nhiều ứng dụng riêng biệt. Khi công nghệ ngày càng phát triển, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, thì chúng ta nên hướng đến phát triển một "App quốc dân", hay nói cách khác là một ứng dụng được tích hợp, liên thông dịch vụ công thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Nên chăng có thể tập trung phát triển ứng dụng VNeID trở thành ứng dụng cơ bản nhất đối với người dân, tích hợp nhiều hơn các tiện ích (hiện nay mỗi ngày đã có khoảng hơn 1,5 triệu lượt sử dụng VNeID).
Khi ứng dụng VNeID được tích hợp nhiều tiện ích hơn, chỉ với số căn cước công dân là người dùng có thể "mở" được các "cánh cửa" để bước vào tiếp cận, sử dụng các dịch vụ bên trong. Và nếu có thể, thì rất nên có một cái tên thuần Việt cho "App quốc dân" này, để làm sao thật sự dễ nhớ và gây được ấn tượng mạnh đối với người dùng (thay cho việc gọi tên bằng những từ tiếng Anh viết tắt như "VNeID" hiện tại).
Mong rằng thời gian tới chúng ta sẽ có một "ứng dụng quốc dân" thật sự hữu ích trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Tác giả: Thạc sĩ Trương Thế Nguyễn tốt nghiệp ngành Quản lý công tại Học viện Hành chính quốc gia (Việt Nam); hiện nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Chính trị khu vực IV (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!