Tâm điểm
Quan Thế Dân

"Thông tuyến" với bệnh nan y

Trong hoạt động khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT), việc xin giấy chuyển viện lên tuyến trên từ lâu là một nỗi ám ảnh với nhiều người bệnh. Tại sao cái giấy chuyển viện lại quan trọng thế? Vì nó gắn liền với chi trả của BHYT. Có giấy chuyển viện thì được chi trả ở mức cao nhất, còn nếu tự đi - ngôn ngữ trong ngành gọi là vượt tuyến - thì chỉ được chi trả một phần.  

Vì thế, giấy chuyển viện tuy mỏng manh nhưng nhiều khi có sức nặng bằng cả một gia tài, xin được một cái giấy chuyển tuyến rất khó khăn.

Ngành BHYT phải quy định chặt về giấy chuyển viện như thế để phân bổ số bệnh nhân đến các tuyến điều trị sao cho hợp lý, tránh hiện tượng người bệnh dồn lên tuyến trên khám khiến cho các bệnh viện trung ương quá tải, trong khi tuyến dưới teo tóp.

Tuy nhiên chính sách nào cũng có mặt tích cực và mặt còn bất cập. Quy định về chuyển tuyến lâu nay đã phần nào thành công trong việc giảm bớt các bệnh thông thường lên tuyến trên, nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho những bệnh nặng thực sự cần chuyển.

Thông tuyến với bệnh nan y - 1

Người dân chờ khám tại một bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội. tháng 8/2024 (Ảnh: Minh Nhật)

Những khó khăn trong việc chuyển tuyến gây nhiều bức xúc cho người bệnh. Mặc dù là bác sĩ nhưng tôi cũng nhiều phen nếm mùi khó khăn này khi không may có người nhà bị bệnh nặng. Một kỷ niệm đau buồn là cách đây hơn mười năm, tôi có bà bác bị ho sốt kéo dài, đi khám chỉ chẩn đoán là viêm phổi, điều trị kháng sinh thì đỡ nhưng mấy hôm sau lại tái phát. Khám bằng BHYT không đỡ, tôi đưa bác đi khám tự nguyện ở mấy bệnh viện khác cũng không dứt. Sau cùng mới chẩn đoán ra là bác bị bệnh ung thư máu. Lúc này bác yếu lắm rồi, người gầy yếu chỉ ngồi thở, không đi lại được. Bệnh viện bảo tôi chuyển bác lên bệnh viện huyết học tuyến trung ương.

Tôi cầm tất cả hồ sơ chẩn đoán quay về bệnh viện ban đầu để xin giấy chuyển viện. Bác sĩ phòng khám đọc rất kỹ hồ sơ xong rồi yêu cầu khám lại người bệnh. Tôi trình bày là người bệnh rất yếu, đi lại khó khăn, còn bệnh tình ra sao thì đã có hồ sơ của bệnh viện nơi vừa khám xong ghi đầy đủ rồi, mong bác sĩ linh động cấp cho giấy chuyển viện. Người bác sĩ này lạnh lùng từ chối. Tôi lại phải quay về nhà thuê taxi chở bác đến trình diện tại phòng khám. Bác ngồi xe lăn thở khó nhọc. Khi đẩy xe bác tôi vào, nhìn thấy thế, tay bác sĩ kia vội ký giấy chuyển viện ngay.

Nhưng nỗi khổ của tôi chưa hết. Giấy chuyển viện còn cần thêm chữ ký của giám đốc bệnh viện, mà lúc đó giám đốc bệnh viện lại không có mặt. Thế là tôi phải đưa bác tôi nhập viện huyết học theo dạng dịch vụ, hôm sau mới hoàn thành đủ thủ tục chuyển tuyến để được hưởng BHYT. Bác tôi sau khi lên đến bệnh viện trung ương cũng chỉ sống thêm được hơn một tháng thì mất. Bây giờ nhớ bác, tôi nhớ cả cái trải nghiệm cay đắng khi phải nhịn nhục để xin xỏ quyền lợi mà đương nhiên người bệnh phải được hưởng.

Cái giấy chuyển viện từ một yêu cầu chuyên môn nhiều khi biến thành một rào cản kỹ thuật, gây phiền hà cho người bệnh. Từ đó nảy sinh tiêu cực trong ngành y. Người bệnh tìm mọi cách để có được giấy chuyển viện. Đầu tiên là năn nỉ, sau là dấm dúi tiền lót tay. Người có quan hệ xã hội rộng thì gọi điện nhờ tác động. Người dân thấp cổ bé họng thì một là khùng lên gây ầm ĩ để tạo áp lực bắt bác sĩ ký giấy chuyển, nhưng những trường hợp như vậy chỉ là số ít. Phần đông thì âm thầm chịu điều trị theo dạng dịch vụ, đã nghèo càng thêm nghèo.

Ngành y từ lâu đã hiểu nỗi khổ này của người bệnh và có một số cách "lách luật" nhằm thuận lợi hơn cho người bệnh. Đó là với bệnh mạn tính, khi người bệnh ra viện, các bệnh viện tuyến trên chủ động cấp cho người bệnh một giấy hẹn tái khám. Như vậy lần khám sau người bệnh chỉ việc đến khám lại, không cần xin giấy chuyển. Tuy nhiên cách này làm cho BHYT và bệnh viện tuyến dưới ít nhiều ấm ức vì bị "qua mặt".

Còn tôi và nhiều bác sĩ khác thì khi có cơ hội ký giấy chuyển viện là chúng tôi ký ngay, miễn là chỉ cần có một bằng chứng nào đó của bệnh, ví dụ như giấy ra viện hoặc bệnh án cũ của bệnh viện tuyến trên, thậm chí ngay cả xét nghiệm cũ, đơn thuốc cũ cũng được... Tuy nhiên sự "thông cảm" này không phải lúc nào cũng được cơ quan chủ quản hoan nghênh. Nhiều khi bác sĩ phải giải trình là tại sao tháng này cho chuyển đi nhiều thế.

Từ năm 2016, chính sách chuyển tuyến BHYT đã có sự nới lỏng, cho phép thông tuyến huyện. Đến năm 2021 thì đã thông tuyến tỉnh. Quyền lợi của người hưởng BHYT được bảo đảm hơn. Đã có nhiều tiếng nói đòi thông nốt tuyến trung ương, tức là bãi bỏ hoàn toàn việc phân tuyến BHYT.

Từ kinh nghiệm thực tế làm việc trong ngành, tôi thấy việc phân tuyến BHYT còn cần thiết, chưa thể bãi bỏ. Hiện nay trình độ chuyên môn và tình hình đầu tư tại bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đã cải thiện rất nhiều, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thông thường. Nếu bây giờ bỏ phân tuyến, lượng bệnh thông thường khổng lồ này sẽ tràn về, làm quá tải các bệnh viện trung ương, trong khi tuyến dưới lại vắng vẻ, gây lãng phí về nhân lực và cơ sở vật chất.

Vậy làm sao vừa tạo điều kiện cho các bệnh nặng được chữa trị tốt nhất, vừa không gây quá tải tuyến trên. Bộ Y tế đang đề xuất giải pháp mà theo tôi là rất thông minh và rất nhân văn. Đó là đưa ra một danh sách các bệnh nặng mà bệnh nhân không cần giấy chuyển. Nghĩa là sau khi có chẩn đoán là bệnh có nằm trong danh sách bệnh nặng này, người bệnh có hai chọn lựa, hoặc là ở lại điều trị, hoặc là lên tuyến trung ương điều trị, hoàn toàn không cần giấy chuyển gì nữa.

Đọc được thông tin này tôi rất xúc động. Nhớ lại trường hợp của bà bác đã mất, nếu là bây giờ, sau khi biết được chẩn đoán, tôi có thể đưa ngay bác lên tuyến trên điều trị mà không còn phải lo lắng về việc có xin được giấy chuyển viện hay không. Tôi tin chắc rằng đây cũng là tin vui cho rất nhiều gia đình không may có người thân mắc nan y.

Tuy nhiên, cũng cần bình tĩnh đánh giá nguồn tài chính để thực hiện đề xuất này. Nếu không cân đối được nguồn tài chính, thì đề xuất dù hay đến mấy cũng trở thành một giấc mơ lãng mạn hơn là một giải pháp thực tế. Các chuyên gia của Bộ Y tế và của BHYT cần phải ngồi tính toán số lượng cụ thể của từng loại bệnh, cái này thì dữ liệu của BHYT luôn có đầy đủ, rồi số sẽ chuyển tuyến có khả năng đến tăng lên bao nhiêu sau khi chính sách mới được thi hành, từ đó sẽ tính được mức chi BHYT sẽ tăng lên bao nhiêu, quỹ BHYT có thể chịu đựng được đến đâu.

Tôi nghĩ đây là một việc rất khó khăn vì mức đóng BHYT của chúng ta còn thấp, tình trạng bội chi của các tỉnh nhiều, nên mức quỹ dành ra cho việc mở rộng chuyển tuyến các bệnh nặng chắc sẽ không có nhiều. Trong khi chưa thu xếp được nguồn quỹ dồi dào, thì chúng ta chưa nên mở rộng quá mức danh sách các bệnh được tự do chuyển tuyến. Chỉ cần nhóm bệnh nguy cấp nhất như ung thư, tim mạch, thần kinh được tự do chuyển lên tuyến trên thì cũng đã là quá tốt rồi.

Việc tiếp theo là chúng ta cần đánh giá khả năng tiếp nhận của bệnh viện tuyến trên, quy mô cơ sở vật chất và nhân lực có đáp ứng được với số lượng người bệnh tăng thêm này không. Vì quan sát thực tế thì hiện nay dù đang bị hạn chế bởi giấy chuyển viện thì một số bệnh viện đầu ngành cũng đang bị quá tải nặng nề.

Như vậy, trước mắt có thể thí điểm cho phép chuyển tuyến tự do với một số ít bệnh để đánh giá tác động đến tình hình điều trị cũng như đến quỹ BHYT. Sau một thời gian cần có tổng kết đánh giá để từng bước mở rộng danh mục bệnh nặng được phép tự động chuyển tuyến.

Về lâu dài khi tình hình kinh tế xã hội cải thiện hơn, mức đóng BHYT nhiều hơn, cùng với trình độ y tế tuyến dưới cải thiện thì đến ngày đó chúng ta mới hy vọng nhìn thấy việc chuyển viện chỉ còn thuần túy là thủ tục chuyên môn.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!