Lý do Việt Nam chưa thể bỏ giấy chuyển viện
Mới đây, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đại biểu Quốc hội, nêu đề xuất hủy bỏ giấy chuyển viện.
Giấy chuyển viện hay còn gọi là giấy chuyển tuyến với người bệnh rất quan trọng. Theo quy định hiện hành, Việt Nam đã thông tuyến khám chữa bệnh ở cấp huyện và cấp tỉnh. Nghĩa là người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tuyến tỉnh trên toàn quốc đều được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán như đi khám chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu.
Vấn đề còn lại hiện nay là có bỏ luôn giấy chuyển viện, cho thông cả tuyến Trung ương?
Cá nhân tôi đồng ý cần đơn giản thủ tục hành chính hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, nhưng không đồng ý với đề xuất bỏ giấy chuyển viện, cho thông tuyến lên Trung ương. Trên thế giới quốc gia nào cũng sử dụng giấy chuyển viện, đó là công cụ tốt nhất để kiểm soát nguồn lực y tế, nếu không có nó hệ thống y tế sẽ rơi vào hỗn loạn, cái giá phải trả với người bệnh sẽ cực kì đắt.
Chúng ta hãy hình dung, nếu bỏ giấy chuyển viện, bệnh nhân viêm họng virus cũng chạy đến bệnh viện Trung ương khám, ngay cả những người ở tỉnh xa phải đi cả ngày đường.
Các bệnh viện tuyến dưới bác sĩ chỉ ngồi chơi. Ngược lại, bệnh viện lớn với đội ngũ giáo sư, tiến sĩ và trang thiết bị máy móc hiện đại chỉ để phục vụ những bệnh nhân chẳng cần điều trị cũng khỏi, các kĩ thuật chuyên sâu sẽ không được đầu tư đúng tầm, khi ấy trình độ giáo sư, tiến sĩ cũng chỉ làng nhàng như bác sĩ tuyến huyện.
Sự thật thì khó nghe nhưng vẫn là sự thật. Lấy ví dụ, hệ thống chuyển tuyến ở Đan Mạch cực kì nghiêm ngặt. Bác sĩ đa khoa ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là người gác cổng đầu tiên của hệ thống này. Ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, các bệnh nhân đều phải khám ở cơ sở y tế ban đầu, bác sĩ đa khoa ở đây sẽ chẩn đoán trước tiên, chỉ những bệnh thực sự phải đến bệnh viện thì bác sĩ mới viết giấy chuyển tuyến, và căn cứ mức độ nghiêm trọng của bệnh để quyết định chuyển tới đâu.
Trong thực tế chúng ta có những bệnh đơn giản không đáng phải đi khám. Ví dụ cảm lạnh và sốt thường do virus gây ra, nhiều người Việt sẽ đến thẳng bệnh viện, bác sĩ khám họng, nghe tim phổi, cho xét nghiệm máu, chụp Xquang, thậm chí cả xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, điện tâm đồ, cuối cùng là viết đơn thuốc.
Trong khi đó, bác sĩ Đan Mạch sẽ chỉ khám họng và nghe tim phổi. Lời khuyên của bác sĩ Đan Mạch sẽ là: ① Uống nước chanh; ② Nếu sốt cao, tâm lí lo lắng thì uống một viên paracetamol hạ sốt, nhưng thực sự không cần thiết; ③ Sau một tuần vẫn chưa khỏi thì đến khám lại.
Với bác sĩ Đan Mạch, không có dấu hiệu nhiễm vi khuẩn sẽ không kê đơn kể cả sốt đến 40 độ, chỉ biểu hiện sốt virus đơn thuần thì không cần xét nghiệm, chụp chiếu, thực tế hầu hết sốt virus trong vòng một tuần là tự khỏi, bất kể người bệnh có uống thuốc hay không.
Với cách khám chữa bệnh như vậy, người Đan Mạch hiểu rằng sốt virus là bệnh nhẹ, họ sẽ không đi khám bác sĩ, để dành nguồn lực y tế cho những người cần hơn. Thực tế ở Việt Nam, hơn nửa số bệnh nhân lao đến bệnh viện khám, theo quan sát của tôi, họ chỉ cần chờ đợi bệnh sẽ tự khỏi.
Ở Đan Mạch nói riêng và các nước Bắc Âu nói chung, hệ thống y tế ưu tiên điều trị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, tất cả người dân đều nhận được sự quan tâm chăm sóc sức khỏe, bất kể người có tiền hay không, trình độ học vấn ra sao. Để làm được như vậy, hệ thống y tế bắt buộc phải tính toán tỷ lệ đầu vào - đầu ra rất rõ ràng, sao cho nguồn lực phân bổ khoa học, hợp lý và tiết kiệm.
Tôi quan sát thấy y tế ở Việt Nam ngược lại. Chẳng hạn, nhiều người Việt xuất hiện triệu chứng nhẹ, họ chấp nhận bỏ một khoản tiền đến bệnh viện Trung ương đăng kí khám giáo sư (dịch vụ) để không phải chờ đợi. Nếu chúng ta bỏ giấy chuyển viện trong bối cảnh hiện nay, dĩ nhiên người bệnh nhẹ cũng sẽ lên điều trị tại tuyến trung ương, gây quá tải, lãng phí nguồn lực tài chính không cần thiết, không phát huy được hiệu quả của y tế tuyến cơ sở.
Vậy phương pháp nào tiết kiệm và hiệu quả nhất? Với hệ thống y tế Bắc Âu, môt trong những câu trả lời đó là "chờ đợi". Khi người bệnh phải chờ đợi, thời gian là "liều thuốc" tốt nhất, nó sẽ giúp người bệnh giải quyết vấn đề.
Ở Đan Mạch, bác sĩ đa khoa ở tuyến khám chữa bệnh ban đầu giới thiệu gặp bác sĩ chuyên khoa, nhưng lịch hẹn 1 - 2 tháng, gặp bác sĩ chuyên khoa rồi nếu cần siêu âm thì lại đặt lịch chờ 1 - 2 tháng nữa. Cứ như vậy, để chẩn đoán ra bệnh thì phải mất 3 - 6 tháng, để có đơn thuốc phải gọi điện cho bác sĩ cả chục cuộc, bác sĩ lại hẹn thêm 3 tháng sau mới kê đơn.
Cô bạn tôi tập thể dục bị ngã, bàn chân sưng vù, đi khám bác sĩ đa khoa ở tuyến y tế cơ sở, bác sĩ chỉ sờ nắn bàn chân rồi giải thích rằng chưa thấy dấu hiệu gãy xương nên chỉ băng chun. Hơn 2 tháng sau cô vẫn dùng nạng, đi nhảy lên nhảy xuống rất buồn cười, khám lại bác sĩ ban đầu quyết định chuyển đến bệnh viện khám chuyên khoa.
Bệnh viện tiếp nhận giấy giới thiệu, hẹn thêm 2 tháng nữa, để sắp xếp một cuộc khám ngoại trú với bác sĩ chuyên khoa. Bạn tôi cảm thấy nản. Nhưng với người Đan Mạch nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, dù có cảm thấy bất tiện thì cũng phải bình tĩnh chờ đợi bác sĩ. Ai muốn đến bệnh viện phải có giấy giới thiệu của bác sĩ, vì thế mà không có cảnh xếp hàng đông đúc trong cơ sở y tế.
Bệnh viện ở Việt Nam ùn tắc khủng khiếp hơn nhiều so với đường phố Hà Nội và TPHCM giờ cao điểm, cảnh nóng bức chen chúc nộp tiền, chỗ nào cũng chửi bới mắng mỏ nhau. Ở những bệnh viện này, bất cứ ai cũng sốc trước tốc độ khám của bác sĩ, tốc độ lấy máu của điều dưỡng, những con số bệnh nhân thực sự nhảy múa liên tục. Người bệnh vội vàng lao tới và vội vàng rời đi.
Bệnh viện Đan Mạch thì ngược lại, bệnh nhân quá vắng, xen vào giữa bác sĩ và bệnh nhân là bầu không khí ấm áp quan tâm. Khi gặp bệnh nhân bác sĩ sẽ chủ động bắt tay và chào hỏi, việc khám và điều trị không bao giờ vội vàng, bác sĩ và điều dưỡng trò chuyện với bệnh nhân rất nhiều để giúp họ giải tỏa căng thẳng. Câu hỏi đặt ra là, nếu bỏ qua những màn chào hỏi, bắt tay, trò chuyện, thì liệu có giúp được nhiều bệnh nhân điều trị sớm hơn và kịp thời hơn không?
Câu trả lời là không!
Bởi vì, chờ đợi chính là liều thuốc, như tôi vẫn nói hầu hết bệnh tật đều tự khỏi. Cô bạn tôi bị đau ngực dữ dội vào tối thứ Sáu, đến bệnh viện khám, bác sĩ chỉ hỏi bệnh rồi cho về nhà vì chưa có dấu hiệu đe dọa tính mạng, nếu một tuần sau còn đau thì đến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu kiểm tra lại. Cô đau đến mức không ăn không ngủ nổi, hỏi tôi thì tôi nói cô bị trào ngược dạ dày thực quản, chỉ cần đổi loại canxi carbonat và magie carbonat vẫn uống bổ sung vi chất hàng ngày, uống vào những lúc xuất hiện cơn đau nhất, một thời gian sẽ khỏi.
Cô làm theo có dịu đi, nhưng cơn đau khiến cô vẫn không thể ăn không thể ngủ, cứ phải nằm sấp để chèn cái gối. Tuần sau khám bác sĩ đa khoa, bác sĩ viết giấy giới thiệu đi bệnh viện, nhưng lịch hẹn gặp bác sĩ một tháng. Cô đến muộn 15 phút bị bác sĩ hủy cuộc hẹn. Ở Đan Mạch muốn gặp bác sĩ phải đúng giờ từng phút, quá giờ hẹn sẽ không có cách nào gặp bác sĩ, mà phải về xin lại giấy giới thiệu để thiết lập cuộc hẹn khác.
Lại thêm một tháng chờ đợi, lịch hẹn cứ chậm chạp như vậy, tròn 3 tháng sau bác sĩ chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, cơn đau của cô cũng đã hết, bác sĩ chẳng kê thuốc thang gì. Người Việt thì ngược lại, có những người bị trào ngược dạ dày thực quản, mỗi lần tới bệnh viện khám sẽ được chụp Xquang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng, nội soi dạ dày, xét nghiệm máu, thậm chí còn chụp luôn cả CT ngực, kê đơn ít nhất 3 loại thuốc; tất cả sẽ chỉ diễn ra trong một buổi sáng và bệnh nhân rất yên tâm.
Cứ thế, người bệnh đi hết viện này đến viện khác, tốn khá nhiều tiền, chữa vài năm chẳng khỏi, có người còn bị trào ngược cả đời.
Chờ đợi không phải là bị bỏ rơi.
Hệ thống y tế ở Đan Mạch rất quan tâm đến người bệnh, y tá sẽ gọi điện đến nhà để thăm hỏi, nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, nhắc nhở đi ngủ sớm. Bệnh nhân mắc các bệnh như ung thư giai đoạn cuối, bệnh mãn tính người già, sẽ được cung cấp miễn phí giường chăm sóc đặc biệt tại nhà, các thiết bị theo dõi, điều dưỡng cơ bản, thậm chí được cải tạo lại căn phòng để phù hợp với người bệnh, y tá đến chăm sóc và thăm hỏi động viên mỗi ngày.
Giao tiếp rất quan trọng giữa bác sĩ và bệnh nhân. Bác sĩ và bệnh nhân ở Việt Nam rất ít giao tiếp, bác sĩ rất bận rộn, bệnh nhân ai cũng muốn nhanh chóng đến lượt mình, không có nhiều sự riêng tư cho bệnh nhân. Ở Đan Mạch, khi người bệnh bước vào phòng bác sĩ, cánh cửa sẽ đóng lại, bác sĩ cùng bệnh nhân làm chậm lại để chia sẻ và quan tâm với những tình cảm ấm áp.
Nhưng mặt khác của sự ấm áp là sự nghiêm ngặt.
Bạn không thể liên hệ được với bác sĩ nếu bác sĩ đang trong kỳ nghỉ, không đúng giờ sẽ bị hủy cuộc gặp, tự ý đến bệnh viện khám mà không có giấy giới thiệu sẽ bị từ chối, cho dù bạn có lo lắng đến đâu cũng phải tuân thủ quy định.
Bệnh nhân ở Đan Mạch được khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, nhưng bản chất là không miễn phí, vì chi phí khám chữa bệnh lấy từ thuế của người dân. Cô bạn tôi phải đóng thuế chi cho y tế 36% tiền học bổng. Người dân vui vẻ chấp nhận đóng thuế để lo cho những người mắc bệnh nghiêm trọng. Khi chẳng may bị bệnh không phải suy nghĩ đến tiền nong.
Người Việt thì khác, những ai mắc bệnh hiểm nghèo sẽ thấy khủng khiếp như thế nào, ví dụ bị ung thư, thuốc đích (một trong những phương pháp điều trị ung thư, sử dụng thuốc tác động vào gen hay protein chuyên biệt có ở tế bào ung thư liên quan đến sự phát triển khối u) tính tiền tỷ, liệu pháp miễn dịch hàng chục tỷ đồng. Với nhiều người và nhiều gia đình, ung thư đồng nghĩa với cái chết, vấn đề là cái nào đến trước, phá sản rồi chết hay chết vì không có tài sản.
Hiện người Việt khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, nhưng nhiều loại thuốc và nhiều danh mục kĩ thuật không được bảo hiểm y tế chi trả, tốc độ đưa các loại thuốc mới và các kĩ thuật mới vào bảo hiểm y tế rất chậm, nhiều loại thuốc được bảo hiểm y tế chi trả không mua được, vẫn còn nhiều người không có bảo hiểm y tế.
Với những người mắc bệnh đơn giản, hoàn toàn có thể tự khỏi, nhưng tìm đến những bệnh viện lớn, bệnh viện Trung ương để khám giáo sư, tiếp cận với các trang thiết bị máy móc hiện đại. Có những giáo sư mải mê kiếm tiền, kiến thức không cập nhật, khám chữa toàn những bệnh tự khỏi thành ra nuôi bệnh kéo dài, biến từ bệnh này sang bệnh khác là bình thường.
Nguồn lực y tế vô hình trung bị chiếm dụng nghiêm trọng, tiền bảo hiểm y tế không đủ chi trả cho bệnh nhân nên phải giới hạn các kĩ thuật và phác đồ điều trị, không đủ trả lương cao cho nhân viên y tế yên tâm làm việc.
Tôi cho rằng không có hệ thống y tế nào hoàn hảo. Hệ thống y tế Việt Nam - một nước đang phát triển, tất nhiên còn tồn tại nhiều vấn đề. Và tôi không khẳng định hệ thống y tế Đan Mạch là hoàn hảo, ngay cả bản thân người Đan Mạch cũng nhận thấy có nhiều thiếu sót trong hệ thống y tế của chính họ, ví dụ sự chậm trễ làm cho một số bệnh nhân mất cơ hội sống, hay nhân lực y tế Đan Mạch đang thiếu trầm trọng vì học y khoa quá khó và quá vất vả.
Đan Mạch và các nước Bắc Âu nói chung, người dân quan niệm bệnh tật phải kiên nhẫn chờ đợi, thời gian sẽ là cách giải quyết tốt nhất, nếu các triệu chứng tự biến mất sau 2 tuần chờ đợi thì có nghĩa đó không phải là một căn bệnh nghiêm trọng. Chỉ 1% bệnh nhân không hết triệu chứng sau 3 tháng sẽ cần khám thêm. Muốn đi khám phải có lịch hẹn với bác sĩ.
Để chuyển tuyến bắt buộc phải có giấy giới thiệu của bác sĩ. Chỉ bằng cách này, tất cả các nguồn lực y tế mới có thể được sử dụng một cách khôn ngoan. Chờ đợi và giấy chuyển viện là "chìa khóa" cho hệ thống y tế của họ.
Với chúng ta hiện nay, vấn đề không nên nhìn ở tờ giấy chuyển viện mà là cải cách bảo hiểm y tế, và một việc khó hơn. Đó là thay đổi tư duy về khám chữa bệnh.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!