Thất bại của "giấc mơ" chim thiên nga, cây phong lá đỏ
Tháng 2/2018, đàn thiên nga 12 con (5 con trắng, 7 con đen) có nguồn gốc từ Bỉ và Hà Lan được thả xuống hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhằm tạo điểm nhấn cảnh quan của khu vực này. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều, đàn thiên nga này sau đó được chuyển đến hồ Thiền Quang (Hà Nội).
Tương tự, cũng nhằm tạo cảnh quan, tháng 5/2019, trong khuôn khổ lễ khánh thành dự án chỉnh trang sông Tam Bạc, UBND quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) đã thả 40 con thiên nga được nhập từ nước ngoài xuống sông Tam Bạc. Sau một thời gian, qua tài trợ của các tổ chức và cá nhân, số thiên nga được thả xuống sông Tam Bạc lên tới 200 con.
Giai đoạn đầu, đàn thiên nga bơi lội trên hồ Thiền Quang và sông Tam Bạc đã khiến người dân địa phương và du khách rất thích thú. Có người còn nói rằng, nhìn đàn thiên nga bơi trên sông Tam Bạc, họ có cảm giác như đang ở nước ngoài, vì cảnh tượng này từ trước đến nay khu vực này chưa hề có.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, đàn thiên nga ở sông Tam Bạc và hồ Thiền Quang đã chết gần hết, mỗi nơi chỉ còn 5 con và khả năng cao khó duy trì lâu dài số thiên nga còn lại.
Chính quyền địa phương, đơn vị quản lý thừa nhận, một trong những nguyên nhân chính khiến đàn thiên nga "biến mất" là môi trường sống không đảm bảo. Điều này cho thấy các bên liên quan chưa nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện sống của loài chim này.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, chia sẻ thiên nga là loài chim ưa sống ở xứ lạnh. Tại các tỉnh phía Bắc của Việt Nam khí hậu mùa hè nắng nóng, không phù hợp với chim thiên nga. Vấn đề quan trọng hơn là các sông, hồ ở đô thị nước ta thường bị ô nhiễm nặng nên thiên nga rất khó tồn tại. Số ít nơi vẫn nuôi được chim thiên nga, ví dụ khu Ecopark ở Hưng Yên, là bởi đàn chim ở đây được chăm sóc kỹ lưỡng và nước hồ không quá ô nhiễm. Với các hồ nước công cộng ở khu vực trung tâm thành phố lớn thì rất khó đảm bảo môi trường sống cho thiên nga.
Theo GS Huỳnh, ý tưởng tạo điểm nhấn cảnh quan cho hồ Thiền Quang, sông Tam Bạc là rất tốt, nhưng lẽ ra trước khi thả loài chim thiên nga, đơn vị quản lý nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thì sẽ tránh được lãng phí nguồn lực xã hội.
Có thể nói chim thiên nga là "giấc mơ" tạo điểm nhấn cảnh quan theo kiểu châu Âu, và đến nay nó đã thất bại vì không phù hợp. Ngoài chim thiên nga, năm 2018, Hà Nội bắt đầu thực hiện "giấc mơ" trời Âu khi quyết định trồng thử hơn 260 cây phong lá đỏ trên hai tuyến đường là Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh.
Theo đó, đường Trần Duy Hưng được trồng 143 cây, đường Nguyễn Chí Thanh được trồng 119 cây. Số cây phong lá đỏ này chính quyền cho biết được một công ty tặng.
Việc Hà Nội trồng cây phong lá đỏ lúc đó cũng nhận được nhiều ý kiến lo ngại về sự phù hợp của loài cây này với khí hậu, thổ nhưỡng của thành phố nhiệt đới.
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, cho rằng muốn trồng một loại cây trên đường phố Hà Nội thì trước tiên phải có sự thử nghiệm, trồng thử xem cây đó có thích hợp với điều kiện đất đai của Hà Nội hay không, nếu nó chứng minh phù hợp ở vườn ươm thì mới đem ra trồng đại trà ở đường phố. Đặc biệt với một loại cây đưa từ vùng ôn đới đến vùng nhiệt đới, nơi khác biệt hoàn toàn về đất đai, khí hậu thì càng phải thử nghiệm. "Không thể cứ thấy cây phong đẹp đẹp, hay hay ở xứ người mà đem ra trồng ở Hà Nội được, vì sẽ không thích hợp", vị chuyên gia nói.
Hơn 2 năm sau, Sở Xây dựng Hà Nội mới rà soát và nhận ra rằng cây phong trồng trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng đã sinh trưởng, phát triển kém. Ngần ấy thời gian người ta mới nhận ra một điều hiển nhiên, cây phong lá đỏ không thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội.
Đến tháng 6/2021, TP Hà Nội đã cho đánh chuyển toàn bộ số cây phong lá đỏ nói trên, trồng thay thế loài cây khác.
Từ chuyện thả chim thiên nga, trồng cây phong lá đỏ cho thấy đây là những công việc phải dựa trên cơ sở khoa học và xem xét kỹ lưỡng, nếu không thì không những mục đích tốt đẹp không đạt được mà còn lãng phí thời gian của cơ quan quản lý và nguồn lực xã hội vào những việc không nên làm.
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!