Hàng phong lá đỏ "thất thủ" ở Hà Nội, tiêu tan giấc mộng trời Âu
(Dân trí) - "Có thời điểm cây ra lá xanh tốt, nhưng chỉ một hai đợt nắng nóng như thiêu đốt thì lá cây cháy hết, em đã hy vọng rằng sẽ được ngắm một mùa thu ở Hà Nội đẹp như trời Âu nhưng rồi thất vọng".
Mới đây, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã đồng ý với đề xuất thay thế toàn bộ cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng.
Quyết định này chắc chắn làm vui lòng nhiều người dân đang sinh sống trên tuyến đường Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên, nó cũng dập tắt một viễn cảnh về hai tuyến phố Hà Nội sẽ đẹp như một bức tranh với mùa thu nắng vàng xuyên qua hàng cây phong lá đỏ như trời Âu.
Năm 2018, Hà Nội bắt đầu thực hiện "ước mơ" trời Âu khi quyết định trồng thử hơn 260 cây phong lá đỏ trên 2 tuyến đường là Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh. Cụ thể, đường Trần Duy Hưng được trồng 143 cây, đường Nguyễn Chí Thanh được trồng 119 cây. Số cây phong lá đỏ này chính quyền cho biết được một công ty tặng.
Và hơn 2 năm sau, Sở Xây dựng Hà Nội mới rà soát và nhận ra rằng cây phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sinh trưởng, phát triển kém. Ngần ấy thời gian người ta mới nhận ra một điều hiển nhiên, cây phong lá đỏ chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội.
Chỉ cần gõ từ khóa phong lá đỏ trên google, trong tích tắc toàn bộ thông tin về loài cây này sẽ hiện ra từ xuất xứ ở đâu, thích nghi với điều kiện tự nhiên như thế nào, loại cây này được trồng nhiều ở khu vực nào. Vậy mà, khi loại cây này được đem về Việt Nam trồng, phải mất hơn 2 năm người ta mới phát hiện ra điều đó.
Trong suốt hơn 2 năm qua, những người dân sinh sống dọc trên trục đường này là biết rõ nhất về hàng cây phong lá đỏ, sống và sinh trưởng như thế nào. Nhiều người cho rằng họ đã nhận ra loại cây này không thích hợp trồng ở Hà Nội ngay từ những ngày đầu tiên.
"Tôi thật sự thấy không khả thi chút nào ngay từ khi nghe tin Hà Nội sẽ tiến hành trồng cây phong lá đỏ trên trục đường này. Cho đến mấy hôm nay lại được nghe tin Hà Nội đã quyết định đánh chuyển hàng cây phong lá đỏ trên trục đường này đi để thay thế bằng một loại cây khác thì sự thất vọng của tôi cuối cùng cũng đã biến mất. Suốt kể từ ngày hàng cây phong được trồng ở đây tôi đều theo dõi nó sinh trưởng, phát triển như thế nào.
Có thời điểm cây cũng ra được lá, nhưng chỉ vài hôm nắng nóng cỡ 40 độ thì ôi thôi, cháy xém gần hết. Hè qua thu đến, cũng có những lúc tôi tận thấy một vài cây phong có chuyển được màu lá đỏ thật, nhưng chỉ được một vài lá còn lại nhìn nó không giống một loại gì, khó tả. Phần lớn thời gian hàng cây phong tồn tại trên con phố này luôn trong cảnh sống mà như chết, thân cây thì tươi mà cành lá như củi khô".
"Em nhớ rằng từ ngày đi học đã được các thầy cô giảng dạy và biết được về loại cây này. Ngày em vào đại học năm thứ nhất thì cũng là lúc nghe tin Hà Nội trồng phong lá đỏ. Em cũng thấy rất vui vì từ trước đến giờ chỉ thấy loại cây này trên phim ảnh chứ chưa tận mắt nhìn thấy lần nào. Đến nay em đã học sang năm thứ 3 đại học rồi, có một lần duy nhất em chụp được bức ảnh một số cây chuyển màu đỏ vào cuối thu, nhưng nhìn nó không giống trên phim ảnh".
"Có thời điểm cây ra lá xanh tốt, nhưng chỉ một hai đợt nắng nóng như thiêu đốt thì lá cây cháy hết, bọn em đã có lần hy vọng rằng sẽ được ngắm một mùa thu ở Hà Nội đẹp như trời Âu nhưng rồi thất vọng. Giờ đánh chuyển đi em thấy hợp lý, cần phải thay thế một loại cây khác để phủ xanh giải phân cách giữa trên trục đường này".
Cũng 3 năm về trước, Hà Nội công khai chi phí trồng mới cây xanh giai đoạn (từ năm 2016 - 2018) là 256 tỷ đồng, số tiền chi phí cho việc chăm sóc cắt, tỉa cây xanh thường xuyên là 187 tỷ đồng. Như vậy, trong suốt hơn 2 năm qua, số tiền mà Hà Nội bỏ ra để chăm sóc hàng phong lá đỏ này cũng không phải là ít nếu đem thống kê.
Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thay thế số cây trên bằng cây bàng lá nhỏ. Cây thay thế có đường kính thân từ 10 đến 15cm, chiều cao ngọn từ 6 - 8 mét, có thân thẳng, dáng cân đối, phân cành cao để không làm ảnh hưởng đến giao thông.
Nhiều người dân cho rằng, ngay ở nước ta cũng không thiếu gì cây đô thị, sao cứ nhất thiết phải dùng cây ở tận "trời tây". Điều cần làm bây giờ là UBND thành phố Hà Nội xét duyệt nhanh để kịp trồng mới cây thay thế càng sớm càng tốt. Mùa hè sắp đến rồi!