Tâm điểm
Lê Thị Huyền Trang

Thẳng thắn về cái chết để giữ sự sống

Sự việc đau lòng của em học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh khiến tôi liên tưởng tới một em học sinh đã khóc và run lập cập khi gặp tôi lần đầu ở phòng trị liệu.

Em chỉ được ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày và cảm thấy kiệt sức. Trước mắt em là kỳ thi cuối cấp và những mối quan hệ gia đình, bạn bè đầy tổn thương. Em nói rằng chỉ muốn ngủ một giấc dài thôi và không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Nhiều người lảng tránh nói về cái chết vì là chủ đề nhạy cảm, nó khiến chúng ta căng thẳng. Chúng ta sinh ra để sống, để tồn tại nên không thích nói về chết chóc là phản ứng bình thường. Nhưng giống như sự sinh đẻ, cái chết là một phần của cuộc sống. Chúng ta không thể trốn tránh nó bằng cách không nghĩ về nó hoặc không đề cập đến nó trong các cuộc thảo luận công khai. Điều này bất khả thi.

Một nghiên cứu tại Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, công bố cuối năm 2022 do chúng tôi thực hiện ở 35 tỉnh thành cho thấy, tỷ lệ khá cao thanh niên được hỏi có ý tưởng tự tử. Chúng tôi xin không công bố tỷ lệ này ở đây để tránh những liên tưởng không đáng có. Mặc dù ý tưởng khác với hành vi tự sát, nhưng so với 1 nghiên cứu khác thực hiện năm 2013 cũng tại Trường Đại học Giáo dục, cho thấy nguy cơ tăng lên đối với những người trẻ tuổi.

Thẳng thắn về cái chết để giữ sự sống - 1

Theo WHO, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25% sau dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Các nghiên cứu đã chứng minh có nhiều yếu tố liên quan đến tự tử như áp lực học tập, vấn đề gia đình, bị lạm dụng, bị bạo lực bởi bạn bè … Lý thuyết tâm lý giải thích rằng cảm giác không thuộc về nơi nào và bản thân là gánh nặng thường xuất hiện trong tâm trí của người tự tử. Tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới cũng ghi nhận, do tính nhạy cảm, kỳ thị hoặc bị cấm đoán mà việc này thường không được thảo luận công khai khiến các báo cáo liên quan thường không đầy đủ. Và điều này dẫn tới việc đối phó với nó trở nên khó khăn hơn.

Tôi vừa tham gia một lễ hội do học sinh cấp 3 tổ chức để tư vấn, hỗ trợ các em học sinh cấp 2 đang chuẩn bị thi vượt cấp. Ở đó, tôi nghe được rất nhiều phàn nàn về căng thẳng mà các em đang phải chịu đựng từ phía gia đình, trường học và bạn bè. Những câu chuyện về sự quá sức và đau đớn. Nhưng tệ hơn là điều này không được một số người lớn thẳng thắn thừa nhận. Liệu có phải kỳ thi và thành tích đang được đánh giá cao hơn chính những nhu cầu sinh tồn cơ bản của đứa trẻ?

Làm việc với các phụ huynh, bên cạnh sự thừa nhận, tôi vẫn gặp những tư tưởng phủ nhận suy nghĩ tự sát của con: "nó nói thế chứ không dám làm đâu", "nó chẳng có lý do gì để tự tử cả, hết sức vớ vẩn", "mọi thứ vợ chồng tôi đều đáp ứng cho con hết, nó chỉ có mỗi việc học thôi chứ có công to việc lớn gì đâu"… Hoặc có những yêu cầu tôi phải đè nén, né tránh chuyện tự tử khi làm việc với con. Họ muốn tôi chỉ dạy con cách kiềm chế làm hại bản thân, hoặc nói những chuyện vui vui để con quên đi tự sát. Tôi cũng gặp những giáo viên phớt lờ vấn đề này, vì họ nghĩ quá phức tạp hoặc là lo sợ ảnh hưởng đến hình ảnh trường học và các học sinh khác.

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không thẳng thắn nói về nó? Một cô gái đã nói với tôi rằng gia đình không tin tâm lý của cô ấy đang trầm trọng. Vì đang sống phụ thuộc vào bố mẹ nên cô ấy luôn cố gắng làm hài lòng gia đình bằng cách tỏ ra bình thường, thậm chí là có lúc rất tốt. Gia đình vẫn nghĩ những triệu chứng tâm lý là do cô ấy tưởng tượng ra, ngay cả khi cô ấy đã làm nhiều hành vi tự hại, thân thể đầy vết thương. Nhiều đêm cô ấy tâm sự sắp không thể trụ nổi nữa và có lẽ chỉ có cái chết mới khiến gia đình tin rằng cô ấy đang thực sự khó khăn.

Cái chết là không thể đảo ngược. Nó không phải là giấc mơ. Cuộc sống của ai đó có thể không như cũ sau một đêm tỉnh dậy.

Trước đây, có nhiều người phủ nhận đưa giáo dục giới tính và các bệnh xã hội do hành vi tình dục không an toàn vào trường học. Lúc tôi là học sinh của những năm 1980 - 1990, việc nói chuyện về tình yêu trai gái ở tuổi học trò là điều cấm kỵ. Nhưng sau đó chúng ta nhận ra rằng, khi chúng ta không thẳng thắn nói chuyện, lũ trẻ sẽ làm tự phát mà không biết rằng đã đi sai hướng. Nhận thức non nớt, chưa đầy đủ khiến trẻ không nhận ra thiếu sót của mình và dẫn đến quá muộn để đảo ngược hậu quả. Ngày nay các bài học về giới tính và tình dục lành mạnh dần dần được chấp nhận trong môi trường học đường. Những bài học trở thành cái khiên bảo vệ cho nhiều đứa trẻ.

Nói chuyện hay thảo luận về tự tử trong không khí bình tĩnh và cởi mở không phải là nguy hiểm. Nó giúp cho các con có cơ hội mô tả về những biểu hiện thể chất và tinh thần khi con xuất hiện ý tưởng tự tử. Nó giúp cha mẹ, thầy cô biết khi nào ý tưởng này xuất hiện trong con, chúng đã phát triển thế nào, con đang ở giai đoạn nào? Cha mẹ, thầy cô cũng biết con đã dùng những chiến lược gì để đối phó với những ý nghĩ tiêu cực đó, chiến lược có hiệu quả không? Nó giúp chúng ta ngăn chặn tự sát.

Kết thúc những cuộc nói chuyện này sẽ mở ra sự an toàn. Bởi vì nó giúp người lớn loại bỏ những nguy hiểm ở xung quanh con, giúp con có cơ hội tiếp cận những chiến lược thực sự hiệu quả. Quan trọng nhất là sự quan tâm đúng đắn của người lớn với việc tự tử giúp con củng cố các lý do để sống. Khi khủng hoảng chấm dứt, tất cả những người tham gia sẽ có bài học kinh nghiệm đối phó với những sự việc như vậy trong tương lai.

Tôi hy vọng rằng một số vụ tự tử gần đây của học sinh sẽ giúp các nhà quản lý, nhà giáo dục, cha mẹ và các bạn trẻ có thêm động lực thay đổi. Để cuối cùng, chúng ta không phải đối mặt với mất mát và cảm giác hối tiếc, muộn màng vì không thừa nhận sự thật.

Tác giả: Tiến sĩ Lê Thị Huyền Trang tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên tại Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; nhận học bổng của chương trình NORPART (Na Uy) về sức khỏe tâm thần toàn cầu cho trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp.

Hiện Tiến sĩ Trang nghiên cứu độc lập và trị liệu lâm sàng về các rối loạn liên quan đến căng thẳng tại Viện Nghiên cứu lâm sàng về xã hội, tâm lý và giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!