Tâm điểm
Bích Diệp

Tâm thế tiến lên sau một năm gặt hái những kỷ lục

Bước ra khỏi đại dịch với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn khép lại năm 2022 với những số liệu ấn tượng cả trên phương diện tăng trưởng lẫn mục tiêu kiểm soát lạm phát - một bài toán khó với hầu hết quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,03% - ghi nhận mức cao nhất trong hơn một thập kỷ (giai đoạn 2011-2022), vượt mục tiêu 6-6,5% do Quốc hội giao. Giữa bối cảnh lạm phát nóng lên trên toàn thế giới thì ở Việt Nam, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI vẫn được kiểm soát ở mức thấp 3,15% - đạt mục tiêu Quốc hội giao dưới 4%.

Tâm thế tiến lên sau một năm gặt hái những kỷ lục - 1

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 vượt 8% - cao nhất thập kỷ (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Đây là thắng lợi kép của nền kinh tế, đặc biệt là khi thế giới phải đối mặt với những biến động khó lường, từ xung đột Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cho đến tình trạng lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán... đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Bên cạnh đó, mặc dù dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, song vẫn âm ỉ những nguy cơ trở lại. Tại Trung Quốc, với chính sách "Zero Covid" kéo dài đã có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động giao thương kinh tế thế giới. Cộng hưởng với những biến động lớn trong vấn đề nền lãi suất, tỷ giá tăng cao, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2022 phần nào bị sụt giảm. Vậy nhưng, đáng mừng là tốc độ và quy mô giải ngân trên thực tế lại lớn, vượt 20 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2021 và đạt cao nhất 5 năm qua.

Các chỉ tiêu khác cũng thành công rực rỡ: Thu ngân sách nhà nước tăng 20% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 740 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021, tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại...

Thành công về phát triển kinh tế và ổn định vĩ mô của nước ta cũng đã được ghi nhận bởi nhiều tổ chức lớn, uy tín trên thế giới. Và để gặt hái được những kết quả đó là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các cấp các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước.

Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam: Với tinh thần "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng", "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt", chúng ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây chính là động lực to lớn đưa đất nước bước vào năm 2023 với niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Năm 2022, cùng với việc thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có nhiều điểm mới, đạt nhiều kết quả cụ thể, được cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Các cơ quan chức năng đã phát hiện, đấu tranh và xử lý một số vụ án lớn nghiêm trọng, như vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, AIC và Vạn Thịnh Phát…

Việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo khẳng định của Tổng Bí thư, chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng. Theo đó, không hề có chuyện làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm hay làm chậm sự phát triển đất nước mà ngược lại, phải đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực thì mới tạo môi trường lành mạnh để kinh tế đi lên, đất nước phát triển một cách bền vững.

Bên cạnh các kết quả nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ghi nhận, trong năm qua, các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ được triển khai kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân.

Ngoài ra, các hoạt động thể thao, văn hóa, xã hội cũng đạt kết quả tốt, quan hệ đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy, đi vào chiều sâu…

Tất nhiên, trong sự vận động chung của toàn cầu và với độ mở cửa cao, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi bị tác động khi những bài toán lớn của cả thế giới như chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu, suy giảm tăng trưởng, gia tăng lạm phát… còn hiện hữu, nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, rình rập. Điều quan trọng là nhìn thẳng vào khó khăn, nhận diện được thách thức để đối mặt và có cách ứng xử phù hợp, không thỏa mãn với hiện tại, không chủ quan nhưng cũng không chùn bước với thử thách trong tương lai.

Thành công lớn đạt được ở năm 2022 là động lực thúc đẩy cả nước tiến về phía trước, là nền tảng quan trọng để đạt được kế hoạch, mục tiêu đặt ra cho năm 2023. Tin tưởng rằng, một khi cả nước từ cấp ủy đến chính quyền, từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan công quyền đến mỗi người dân và doanh nghiệp đều đồng lòng, đoàn kết thì bất kể thách thức hay khó khăn nào cũng sẽ vượt qua! Động lực chung của đất nước cũng chính là động lực cho ngành LĐ-TB&XH hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ lớn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó!

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!