Sáng tạo nghệ thuật bằng văn hóa bản địa
Hồi đầu năm nay, tôi đi theo lớp địa lý văn hóa của con gái lên Sa Pa. Cô giáo của con dẫn cả đoàn đến Sín Chải, thăm nhà thầy giáo người Dao Tẩn Vần Siệu. Thầy Siệu nổi tiếng trong cộng đồng người Dao phía Bắc khi dành hơn 20 năm qua cho việc dạy học miễn phí chữ Nôm Dao, qua đó giữ gìn và bảo tồn phong tục, tập quán, văn hóa của người Dao ở Việt Nam.
Lớp học của thầy Siệu là một căn nhà gỗ có gác xép. Tầng trệt làm nơi học hành, sơ sài nhưng ngăn nắp, quy củ. Giữa phòng kê hai chiếc bàn gỗ lớn, có hai tấm bảng để thầy giảng bài. Trên tường treo biển ghi danh sách học trò và nội quy lớp học. Phía trên gác xép là nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt của học trò.
Hàng năm, thầy mở lớp vào hai đợt. Đợt một từ khoảng 25 Tết đến hết rằm tháng Giêng. Đợt hai vào 3 tháng hè. Đó là dịp học sinh được nghỉ học ở trường phổ thông và đến nhà thầy học. Mỗi học trò đến nhà thầy Siệu sẽ mang theo túi gạo nhỏ để dâng lễ lên bàn thờ đặt trang trọng trong phòng học chính.
Hằng ngày, ngoài việc dạy học, thầy Siệu còn dành thời gian biên soạn sách, dịch sách Nôm Dao ra tiếng phổ thông để giới thiệu tinh hoa của dân tộc Dao ra bên ngoài cộng đồng người Dao.
Cũng tại nhà thầy Siệu, để chiều các vị khách dưới xuôi muốn tìm hiểu về trang phục phụ nữ Dao, con dâu của thầy mang ra cho chúng tôi xem bộ áo quần mà chị đang may dở. Đó là một bộ đồ cầu kì và tinh xảo đến kinh ngạc.
Trên nền vải lanh nhuộm đen, người phụ nữ Dao dùng các sợi chỉ thêu màu đỏ, vàng, xanh, lam, hồng nhạt để tạo nên những hoa văn trang trí vô cùng phức tạp nhưng hết sức trang nhã mà không có bất kỳ một mẫu thêu nào để sao chép. Các đường đi của họa tiết được lên ý tưởng từ trước nhưng cũng có thể được quyết định ngẫu hứng trong mỗi lần mở vải ra thêu.
Đó là những mảng lớn thêu hoa cây bông ở cổ tay, những họa tiết hình học mạnh mẽ xen lẫn họa tiết sóng nước ở diềm áo. Chỗ này là dải hoa cúc mềm mại, chỗ kia là hàng sa mộc thẳng tắp, xen kẽ giữa chúng là các dấu chân chim, bông bí hay những ô trám đối xứng với độ chính xác như kẻ thước.
Chị thêu ở mặt trái tấm vải và hoa văn hiện lên ở mặt phải tấm vải. Nhưng mặt trái hay mặt phải đều không có một sợi chỉ thừa, cũng không nhìn thấy nút thắt chỉ. Họa tiết của hai mặt hoàn hảo như nhau.
Tôi không thể đếm hết có bao nhiêu họa tiết được người phụ nữ khéo léo ấy thêu lên bộ trang phục mà chị chuẩn bị cho ngày hội. Chị đã may bộ đồ đó được 6 tháng, và dự kiến cần thêm nửa năm nữa mới hoàn thành.
Trong truyền thống văn hóa của người Mông, Dao, người phụ nữ mặc chiếc váy đẹp là người phụ nữ chăm chỉ, khéo léo và đảm đang. Vì đó là chiếc váy do chính họ may. Cũng vì thế, phụ nữ Mông, Dao rất coi trọng lễ phục, chỉ mặc lễ phục vào những dịp đặc biệt. Bởi lễ phục là thể diện của họ.
Con dâu của thầy Tẩn Vần Siệu nói, ngày cưới chồng, chị cần một năm để may trang phục cô dâu. Mọi phụ nữ Dao đều tự may lấy áo cưới cho mình.
Thế nên, đám hỏi và đám cưới của người Dao luôn cách nhau một năm. Trong một năm ấy, các cô gái sắp về nhà chồng lúc nào cũng cầm trên tay mảnh vải, bất cứ lúc nào rảnh rỗi là bỏ ra chăm chút, tỉ mẩn gửi gắm lên tấm vải lanh đen biết bao ước vọng về hạnh phúc thanh tân trong mỗi mũi thêu.
Nếu biết lễ phục của phụ nữ Dao cần đến một năm để hoàn thiện với hàng trăm giờ cặm cụi thêu thùa, người làm phim sẽ không để cho diễn viên của mình mặc bộ đồ ấy đi chăn trâu như một bộ phim đang gây tranh cãi.
Văn hóa bản địa là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo nghệ thuật. Nhưng nguyên tắc cao nhất của sáng tạo nghệ thuật từ văn hóa bản địa là sự hiểu biết và tôn trọng nền văn hóa đó. Muốn vậy phải dành thời gian để thực hành văn hóa cùng với cộng đồng ấy, để hiểu cách họ ăn họ mặc, cách họ nói họ nghĩ.
Nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm đã làm được điều đó với "Những đứa trẻ trong sương" - bộ phim lọt vào Top 15 giải Oscar, hạng mục "Phim tài liệu xuất sắc nhất". Tất nhiên, phim tài liệu sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật khác, không có hư cấu. Nhưng nếu không đặt sự tôn trọng văn hóa lên cao nhất, Hà Lệ Diễm đã không thể thành công với thước phim đầu tay.
Trong "Những đứa trẻ trong sương", bà mẹ H'Mông hiện lên với những âu yếm máu thịt dành cho con gái như mọi bà mẹ trên trái đất này: "Mặc dù mẹ con mình luôn cãi nhau, nhưng từ khi con đi mất thì mẹ không thể ngừng khóc được".
Bà mẹ ấy cũng đầy trải nghiệm và cởi mở như mọi bà mẹ thời hiện đại khi chia sẻ với con gái chuyện chọn chồng: "Nó sẽ nói ngon nói ngọt "em lấy anh đi", rồi thề thốt làm mọi thứ vì con, nhưng đừng vội tưởng thế là nó yêu con lắm…".
Và cũng bà mẹ H'mông ấy dặn con cách từ chối bạn trai sao cho chuẩn mực, đúng đắn và xứng với những lời tốt đẹp, tử tế mà họ dành cho mình: "Con hãy nói "em buồn lắm vì không có duyên số", chứ đừng nói "tao không thích mày". Em cũng thấy tội anh nhưng chắc là số chưa đến. Anh về nhà tìm vợ của anh đi. Xem nắng của anh bên nào thì anh về bên ấy. Em không phải nắng của anh. Anh đừng giận em".
Nghe những lời nói của bà mẹ H'mông, tôi bất giác thấy thêm yêu cả một nền văn hóa. Một sáng tạo nghệ thuật đúng đắn chắc chắn phải là thứ khiến người xem, người thưởng lãm yêu mến cái văn hóa ấy thay vì dùng văn hóa như một phụ gia và lại nêm nếm vào những món ăn không hợp vị.
Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!