Tâm điểm
Bảo Trung

Quản lý tài sản mã hóa ở Việt Nam: Siết hay mở?

Việc quản lý tài sản mã hóa tại Việt Nam đang trở thành một chủ đề được quan tâm, khi Chính phủ xem xét ban hành khung pháp lý để điều chỉnh lĩnh vực này.

Dự kiến, một nghị quyết thí điểm sẽ được áp dụng trên toàn quốc, không chỉ nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo mà còn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Quản lý tài sản mã hóa ở Việt Nam: Siết hay mở? - 1

Tài sản mã hóa gắn liền với công nghệ blockchain (Hình minh họa: Getty).

Khi nói tới thị trường tài sản mã hóa không thể không nhắc đến công nghệ blockchain (chuỗi khối). Hầu hết các loại tài sản mã hóa hiện nay đều được "đúc" và ghi nhận trên nền tảng công nghệ blockchain. Đây là một hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán, nơi thông tin được tổ chức thành các khối riêng lẻ và liên kết chặt chẽ với nhau. Sự liên kết này được củng cố bằng các giải pháp mật mã tinh vi, đảm bảo thông tin trong chuỗi luôn toàn vẹn và gần như không thể bị chỉnh sửa.

Nói một cách đơn giản, blockchain là một công nghệ phi tập trung, cho phép người sở hữu tự kiểm soát tài sản của mình mà không cần thông qua ngân hàng hay tổ chức trung gian. Chính đặc điểm này đã tạo nên giá trị cốt lõi của tài sản mã hóa: tính minh bạch, an toàn, không thể bị chỉnh sửa và không phụ thuộc vào một trung tâm duy nhất.

Bản chất phi tập trung của tài sản mã hóa khiến cách tiếp cận quản lý trở thành bài toán khó. Nhiều nước tiếp cận theo hướng cấm tài sản mã hóa, nhiều nước lại đưa ra khung quản lý với nguyên tắc bảo vệ nhà đầu tư, đánh thuế hoạt động kinh doanh tài sản mã hóa, đảm bảo ổn định tài chính và chống rửa tiền. Với các nước tiếp cận theo hướng có khung pháp lý về tài sản mã hóa, thì sự khác biệt nằm ở mức độ cho phép (giới hạn đến đâu) và tốc độ cập nhật chính sách.

Thời gian gần đây, Mỹ là một trong những nước có tốc độ cập nhật chính sách về tài sản mã hóa rất nhanh, qua đó góp phần đưa đến sự bùng nổ của các quỹ ETF Bitcoin giao ngay (quỹ giao dịch trên sàn cho phép người dân đầu tư gián tiếp vào Bitcoin), với tài sản tăng trưởng lên hơn 120 tỷ USD. Điều này phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của nhà đầu tư, cho thấy họ ngày càng quan tâm đến tài sản mã hóa.

Song song đó, giao dịch Stablecoin (một loại tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị ổn định, thường được neo vào một tài sản ổn định như USD) đã tăng vọt lên hơn 27 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, vượt qua tổng số giao dịch của cả Visa và Mastercard (các dịch vụ tài chính đa quốc gia). 

Tại châu Á, Hồng Kông (Trung Quốc) đã đi đầu trong việc cấp phép cho các sàn giao dịch, quản lý stablecoin và chấp thuận các ETF tiền điện tử, định vị là một trung tâm khu vực trong nền kinh tế tài sản kỹ thuật số.

Singapore áp dụng một khung quản lý toàn diện cho tài sản mã hóa, từ việc cấp phép, bảo vệ người dùng, áp dụng chính sách thuế với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, vừa khuyến khích đổi mới công nghệ vừa bảo vệ an toàn hệ thống tài chính.

Với Việt Nam, hành lang pháp lý về thị trường tài sản mã hóa dự kiến được ban hành ở mức độ thí điểm với quy mô hạn chế, có sự kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, qua đó đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời giúp cơ quan quản lý có thời gian xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thiết nghĩ cách tiếp cận trên là phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang chủ trương ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, y tế thông minh...

Cơ chế sandbox cho phép thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới trong môi trường kiểm soát, hạn chế tác động tiêu cực ra bên ngoài. Như vậy, với cơ chế này, ở giai đoạn đầu tiên chúng ta có thể tiếp cận theo hướng thân thiện với tài sản mã hóa để "đo lường" thị trường, kịp thời đưa ra các biện pháp điều chỉnh cần thiết.

Đơn cử, đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không bắt buộc nhà đầu tư mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa về lưu ký tại các tổ chức được cấp phép; nhà đầu tư nào không thực hiện quy định này có thể bị phạt 100 - 200 triệu đồng.

Như trên đã nêu, bản chất của tài sản mã hóa là phi tập trung, nếu bắt buộc nhà đầu tư cá nhân chuyển tài sản đang nắm giữ về lưu ký tại các tổ chức được cấp phép, nghĩa là đưa tài sản phi tập trung vào một hệ thống tập trung thì liệu có đi ngược lại nguyên lý vận hành cốt lõi của blockchain?

Nên chăng thay vì bắt buộc thì quy định theo hướng khuyến khích nhà đầu tư chuyển tài sản về các sàn giao dịch và ví lưu ký được cấp phép, với yêu cầu các tổ chức này phải minh bạch, bảo mật và tuân thủ quy định trong nước cũng như quốc tế. Các tổ chức này cũng cần thực hiện biện pháp xác minh danh tính người dùng và ngăn chặn rửa tiền theo tiêu chuẩn toàn cầu, như nhiều sàn giao dịch lớn hiện nay đang thực hiện.

Để bảo vệ nhà đầu tư, khuôn khổ pháp lý về tài sản mã hóa cần quy định chặt chẽ việc phòng ngừa rủi ro hệ thống và tấn công mạng. Nếu các tổ chức lưu ký được cấp phép bị lỗi hệ thống, bị tấn công mạng hay phá sản, tài sản của nhà đầu tư sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Điều này từng xảy ra với một số sàn tập trung trên thế giới, do vậy, khi trường hợp này xảy ra thì chính sách bảo vệ nhà đầu tư sẽ như thế nào?

Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư càng nghiêm ngặt, khả thi, thì nhà đầu tư sẽ càng yên tâm chuyển tài sản mã hóa của mình về lưu ký tại các tổ chức được cấp phép, vì nó giúp giải quyết một trong những "nỗi đau" của các nhà đầu tư là tính rủi ro cao khi tham gia giao dịch ở các sàn quốc tế (không được cấp phép ở Việt Nam).

Tài sản mã hóa là "vàng kỹ thuật số", là nền tảng cho một thế hệ công nghệ mới: Web3 (thế hệ internet phi tập trung), tài chính phi tập trung (DeFi), metaverse (vũ trụ ảo) và quyền sở hữu số. Nếu Việt Nam muốn đón đầu làn sóng đổi mới sáng tạo này, chúng ta nên xây dựng một khung pháp lý mở dựa trên các công cụ tiên tiến, có khả năng thích ứng cao.

Tác giả: Nhà báo Bảo Trung là Trưởng ban Khoa học Công nghệ, báo Dân trí.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!