Đổi mới tư duy trong quản lý, sử dụng nguồn tài lực cho phát triển
Để phát huy tính độc lập, tự chủ của kinh tế Việt Nam trong thế giới đầy biến động, một trong những đòi hỏi đặt ra là đất nước phải tạo dựng và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tiền tệ (nguồn tài lực) để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng khá hiệu quả nguồn tài lực đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thuộc nhóm hàng đầu khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý và sử dụng nguồn tài lực còn nhiều bất cập. Thất thu ngân sách nhà nước vẫn diễn ra trong những năm qua; cân đối chi chưa gắn kết chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu từ nền kinh tế; còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công.v.v…
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế thấp. Năm 2023 hệ số Icore ở mức 7,89, nghĩa là phải bỏ ra 7,89 đồng vốn đầu tư để thu được 1 đồng tăng trưởng kinh tế.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ định hình lại phương thức sản xuất, để đất nước không bị "lẽo đẽo" theo sau, chúng ta có nhiều việc cần làm, bao gồm tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài lực của đất nước.
Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ chúng ta cần tôn trọng và khích lệ việc thực hiện các nguyên tắc, bao gồm: Đổi mới tư duy trong cải cách thể chế; tôn trọng và thực hiện nguyên tắc thị trường; linh hoạt điều hành kinh tế theo ngưỡng mục tiêu định hướng cho cả giai đoạn kế hoạch 5 năm thay vì chốt chặt từng năm; chấp nhận sự đánh đổi một số mục tiêu; cần bức tranh kinh tế thực để ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách và giải pháp điều hành kinh tế.
Đảng tiên phong trong đổi mới tư duy, ban hành chủ trương đột phá thể chế bằng các Nghị quyết, trên cơ sở đó Quốc hội và Chính phủ cụ thể hóa bằng pháp luật, chính sách và giải pháp thực hiện.
Trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ "Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống chính trị mà Đảng là hạt nhân; lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính sách và sự tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; bằng thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước; sự vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy nhà nước và thông qua công tác kiểm tra - giám sát"…
Chúng ta cần khẩn trương rà soát sửa đổi, minh bạch môi trường pháp lý; hoàn thiện đồng bộ, thống nhất hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính làm cơ sở để khai thác, quản lý và sử dụng nguồn tài lực hiệu quả.
Nguyên tắc thị trường cần được áp dụng nhất quán trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài lực cho phát triển.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, Ông Klaus Schwab khuyến nghị các quốc gia muốn thành công cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với đòi hỏi đầu tiên là xây dựng một xã hội cởi mở, đồng thời chuẩn bị kỹ cho những gì sắp tới.
Chúng ta vui mừng với Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nhiều nội dung quan trọng, mang tính bước ngoặt, đó là yêu cầu các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Đây là tư duy mang tầm chiến lược để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ trí thức của Việt Nam.
Lúc này, một mặt chúng ta cần nâng cao hiệu quả, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách; mặt khác phải tập trung nguồn lực, hoàn thành dứt điểm các dự án đầu tư quan trọng; kiên quyết nói không với đầu tư dàn trải; huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu.
Kết quả thực hiện dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là điển hình sinh động về tập trung nguồn lực, tập trung chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo các địa phương, đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận so với cách làm trước đây nên thời gian triển khai dự án đã được rút ngắn từ 3 đến 4 năm xuống còn 7 tháng. Thành công của dự án là cột mốc đánh dấu sự phát triển của đất nước, minh chứng cho khả năng vượt qua mọi khó khăn khi có quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân.
Thời gian tới, chủ trương xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tận dụng cơ hội dịch chuyển các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam là giải pháp quan trọng, cần thiết để bổ sung nguồn lực tài chính trong nước, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao cho phát triển.
Khi xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm tài chính quốc tế, đồng nghĩa với thị trường chứng khoán sẽ được nâng cấp lên thị trường mới nổi, thực hiện vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là hai xu thế chính, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia, đưa thế giới bước vào một kỷ nguyên mới, với những thay đổi lớn mang tính chu kỳ, thay đổi cấu trúc với những đột phá chưa từng có.
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, chịu tác động mạnh từ những gì đang diễn ra của kinh tế, chính trị thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam muốn phát triển thì không thể đứng ngoài xu hướng chung.
Để thực hiện khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cùng với động lực tinh thần và hào khí dân tộc, đất nước phải có một nguồn tài lực mạnh, sử dụng hiệu quả nhằm tạo dựng và phát huy cao nhất các động lực tăng trưởng mới, phù hợp với xu thế thế giới, đưa nền kinh phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!