Ông Sáu Dân vì dân
Những ngày này nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), trên báo chí có nhiều bài viết chia sẻ kỷ niệm và tưởng nhớ công lao to lớn của ông với đất nước.
Tôi may mắn được làm việc trực tiếp với ông Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt kính mến, trong một thời gian khá dài, từ tháng 4/1982 đến tháng 5/1988. Giai đoạn này ông Sáu Dân là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Tôi là vụ phó vụ Dầu Khí, từ 1983 là vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, chuyên phụ trách xây dựng cơ bản - cán bộ trực tiếp dưới quyền của ông Sáu.
Thời kỳ đó có nhiều công trình công nghiệp nặng đang được xây dựng: Thủy điện Hòa Bình, Trị An, nhiệt điện Phả Lại, công trình Dầu khí ở Vũng Tàu, Apatit Lào Cai…, nên tôi lại càng có nhiều dịp để tiếp cận, học hỏi ông Sáu Dân trong công việc.
Một trong những điều tôi nhận thấy ở phong cách làm việc của ông với cấp dưới là: Hễ làm việc gì có lợi cho dân cho nước thì ông không bắt bẻ thủ tục, có khi lại còn khen chúng tôi.
Trong số rất nhiều kỷ niệm, xin kể hai câu chuyện làm cho tôi có ấn tượng sâu sắc về tinh thần vì dân của ông Sáu Dân.
Câu chuyện thứ nhất
Tháng 11/1979 chúng ta khởi công xây dựng Thủy điện Hòa Bình, mục tiêu là tháng 12/1988 phát điện tổ máy 1.
Muốn vậy thì tháng 1/1983 phải xong việc chặn dòng đợt 1, tháng 1/1986 chặn dòng đợt 2. Công tác di dân làm gấp rút, tiền vốn hạn chế, việc thì nhiều và phải làm nhanh để đảm bảo tiến độ.
Năm 1983 khi tôi tiếp nhận vị trí vụ phó phụ trách xây dựng cơ bản của vụ Công nghiệp nặng thấy các cơ quan đang thực hiện hai phương án di dân. Dân ở tập trung di dời tập trung, có khu tái định cư. Dân ở phân tán theo phương án di "vén ", nghĩa là mức nước dâng cao nhất của Hồ Hòa Bình là +120 m thì di "vén" nhà dân đi theo sườn núi, cứ lên cao hơn mức +120m là được.
Hộ dưới thấp "vén" trước, cao hơn "vén" sau, theo tiến độ mức nước dâng để "vén". Như hình ảnh "vén quần qua suối" của dân miền núi! Di như vậy chỉ dựa vào sức dân, theo tinh thần động viên sức dân thời chiến. Khi một nhà di hàng xóm đến giúp, dỡ mái ra và khiêng nhà lên cao hơn, rồi lợp lại, đỡ chi phí di dời.
Khi xong việc chặn dòng và xây đập, bắt đầu tích nước, chúng tôi phát hiện các điểm hạn chế của phương án di "vén". Khi nước ngập, những người dân di "vén" như sống trên các đảo nhỏ, bị cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cuộc sống rất là khốn đốn.
Cùng lúc đó. ở phía Nam , tại công trình thủy điện Trị An, công tác di dân được làm rất chu đáo. Chi phí cho một hộ dân cũng cao hơn. Các khu tái định cư xây dựng khang trang, đảm bảo đời sống bình thường cho người dân phải di dời.
Chúng tôi lên làm việc với Ban Công tác Sông Đà của tỉnh Hà Sơn Bình (gồm tỉnh Hòa Bình và Hà Tây cũ). Mọi người so sánh hai công việc di dân của hai nhà máy thủy điện và kiến nghị áp dụng tiêu chuẩn di dân của Trị An cho Hòa Bình, bỏ hình thức di "vén". Chúng tôi về báo cáo Chủ nhiệm Sáu Dân. Ông Sáu nói:
- Các anh cho tạm ứng tiền làm ngay theo đề xuất, thủ tục xây dựng cơ bản sẽ hoàn thiện sau. Chờ xong thủ tục thì còn lâu. Cứ theo định mức cho từng hộ dân như Trị An mà làm. Việc có lợi cho dân thì không ngại. Dân mình chịu hy sinh trong hai cuộc chiến nhiều rồi, dân khổ lắm, đừng bắt dân chịu khổ thêm nữa. Đây lại là vùng đồng bào dân tộc ít người, đời sống đang rất khốn khổ. Ở Trị An trước đây tôi đã chỉ đạo: Dân đi đến nơi ở mới phải đảm bảo tốt hơn nơi ở cũ! Cả về điều kiện sống và việc làm!
Chính việc lo cho dân khi phải di dời dân để làm các công trình xây dựng lớn với tinh thần: Dân đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ là bắt đầu từ đó.
Câu chuyện thứ hai
Tháng 1/1988 chúng tôi đi công tác lên tỉnh Hoàng Liên Sơn (gồm tỉnh Lào Cai , Yên Bái và huyện Than Uyên của Lai Châu bây giờ).
Anh Bùi Quang Vinh, lúc đó là phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch tính làm việc cùng chúng tôi tại tỉnh, sau đó xuống các cơ sở sản xuất và các huyện. Ngày 23/1/1988 chúng tôi lên huyện Văn Yên. Anh Hoàng Xuân Lộc, chủ tịch huyện, làm việc cùng (sau này anh Lộc là Bí thư tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2005-2010).
Khi trình bày về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện và các đề xuất, anh Lộc cho biết trong tổng số 75.000 dân Văn Yên lúc đó, khoảng 30.000 dân là gốc từ Yên Bình di dời sang để giải phóng lòng hồ cho thủy điện Thác Bà.
Thủy điện Thác Bà phát điện từ năm 1971, nhưng đến tận bây giờ (1/1988) dân gốc lòng hồ Thác Bà vẫn chưa có điện dùng! Huyện đề nghị cho làm đường dây 35Kv kéo điện từ Cổ Phúc lên. Chúng tôi thảo luận và ủng hộ đề nghị của huyện, nhất trí cho làm ngay. Tuy nhiên, có anh em cán bộ đi cùng nói:
- Kể hoạch vừa giao xong, các anh quyết mạnh thế, lấy tiền đâu, vật tư đâu mà làm? Các "sếp" có đồng ý không?
Hồi đó để làm được đường dây 35Kv , ngoài chỉ tiêu tiền vốn còn phải có chỉ tiêu vật tư, từ máy biến thế, cáp nhôm, trụ điện, sứ cách điện. Việc giải quyết vật tư rất khó khăn, liên quan nhiều bộ.
Tôi trả lời:
- Về tôi sẽ báo cáo ông Lê Danh (lúc đó anh Lê Danh là phó chủ nhiệm phụ trách xây dựng cơ bản) và ông Sáu Dân, chắc chắn là các ông ấy ủng hộ.
Về Hà Nội tôi báo cáo anh Lê Danh, anh Lê Danh kéo tôi lên Hồ Tây (hồi đó ông Sáu ở trên Quảng Bá, Hồ Tây) báo cáo ông Sáu. Ông Sáu nói:
- Cho làm ngay, làm ngay, Bổ sung vào kế hoạch 1988. Cứ làm rồi ghi Kế hoạch sau. Việc này đáng lẽ phải làm lâu rồi. Dân hy sinh tất cả, bỏ hết nhà cửa ruộng vườn, chùa chiền, nhà thờ cho chúng ta làm điện. Hàng vạn dân di dời từ Yên Bình lên Văn Yên xa hơn 60, 70 km, đến nơi hoang vu hẻo lánh hơn. Làm xong điện thì lại không được hưởng. Các nơi khác có điện, người hy sinh tất cả đề làm điện thì lại chưa có gì. Các anh cho làm ngay. Cuối năm nay phải có điện cho Văn Yên!
Cuối năm 1988 đường dây 35Kv từ Cổ Phúc lên Mậu A đóng điện. Dân Văn Yên có điện sau khoảng 25 năm từ bỏ quê hương đã ngập dưới lòng hồ thủy điện Thác Bà.
Nhiều người dân lúc đó nói: Đúng là ông Sáu Dân mọi việc vì dân!
Dõi theo thời sự lúc này, tôi thấy trên nhiều diễn đàn bàn chuyện cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Bằng chính cuộc đời vì dân, vì nước của mình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm gương lớn cho chúng ta: Dám quyết đáp! Khi ra quyết định thì "đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi" mà nghĩ đến và đặt lợi ích của người dân lên đầu tiên.
Tác giả: Ông Võ Hồng Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X; đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!