Vì sao người dân vẫn nghi ngờ hoá đơn tiền điện?
(Dân trí) - Những phản ánh về sự bất thường trong hoá đơn tiền điện đã bắt đầu rục rịch từ tháng 4 vừa qua và dần trở nên gay gắt hơn vào tháng 6 này.
Một số gia đình tỏ ra bức xúc bởi tiền điện phải trả trong tháng này của họ tăng gấp 4, gấp 5 lần dù vẫn đang trong thời gian được “hỗ trợ Covid-19”. Anh Lê Phong (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết hoá đơn tiền điện tháng 6 của gia đình anh tăng đột biến, gấp 4,5 lần, dù vẫn đang trong thời gian được “hỗ trợ vì Covid-19”.
Anh Thành (Cầu Giấy) cũng phản ánh về việc hóa đơn tăng gấp gần 5 lần. Nếu số tiền thanh toán tháng 4 chưa đến 1 triệu đồng thì con số phải trả cho tiền điện tháng 5 là hơn 5 triệu đồng…
“Từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C… Nắng nóng liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6/2020 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh”.
Đây là giải thích của đại diện EVN Hà Nội với phóng viên Dân trí về những thắc mắc của khách hàng do giá điện tăng cao “đột biến”.
Người viết chắc rằng, câu trả lời này cũng là mẫu số chung cho những mối băn khoăn tương tự của người tiêu dùng cả nước. Với giá điện bậc thang, dùng càng nhiều, tiền càng lớn.
Vấn đề là mối nghi ngờ vẫn không hề dừng lại. Nhiều người dân thậm chí còn lo có sự khuất tất trong khâu tính toán, đo lường, mà cụ thể là độ chính xác của công tơ.
Phía EVN khẳng định, công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa, khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ điện.
Lý thuyết thì đúng là như vậy. Đã là thu thập tự động và thực hiện từ xa thì sao có gian lận? Vậy tại sao người dân vẫn nghi ngờ?
Cá nhân người viết cho rằng, sự nghi ngờ này một phần xuất phát sâu xa từ tâm lý người tiêu dùng vốn dĩ đã không an tâm về quyền lợi của bản thân họ có được đảm bảo hay không giữa bối cảnh vẫn còn cơ chế độc quyền bán lẻ trong mặt hàng điện.
Chúng ta biết rằng, không chắc chắn giá điện liệu có rẻ hơn khi xoá được độc quyền hay không (thậm chí đã có những phân tích khẳng định, nếu xoá bỏ độc quyền, giá điện còn đắt hơn nhiều so với hiện tại), nhưng việc chỉ có một người bán đương nhiên sẽ dẫn tới tâm lý ngờ vực.
Dù giá điện thấp hơn hay cao hơn, họ cũng chỉ có một sự lựa chọn, không so sánh được mức giá như khi có nhiều bên cung cấp.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam từng có lần nhận xét: “Công tác công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về các phương án giá không cao, không đầy đủ khiến người tiêu dùng có quyền nghi ngờ trong việc tính giá, hoặc đưa các chi phí không đúng vào giá.
Đối với ngành điện, dư luận vẫn còn nghi ngờ vì không biết giá điện có “gánh” các khoản thua lỗ đầu tư ngoài ngành hay không?
Giá điện có cộng vào các khoản chi phí không được tính vào giá, những chi phí không liên quan đến sản xuất, cung ứng điện như chi phí xây dựng sân golf, chi phí xây dựng các công trình phúc lợi công cộng…
Hơn nữa, cách tính toán tiền điện tiêu thụ hàng tháng khá “rối rắm”, khó hiểu… đã gây ra những bức xúc, thiếu sự đồng thuận trong xã hội” (VOV, tháng 5/2019).
Cho nên, nếu muốn cởi bỏ được tâm lý ngờ vực này của người tiêu dùng, bên bán là EVN và cơ quan quản lý là Bộ Công Thương không còn cách nào khác ngoài tăng tính minh bạch và đối thoại với người dân.
Một dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới đã được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến rộng rãi. Liên tục trong nhiều tháng, các toạ đàm, các cuộc hội thảo đã được tổ chức, điều này cho thấy, không phải là không có những nỗ lực từ nhà điều hành để “lắng nghe”.
Vấn đề chỉ còn là, việc “tiếp thu” và thực hiện được đến đâu trong thực tế mà thôi.
Người viết chợt nhớ, từ nhiều năm trước, cùng với việc ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu, một chuyên trang cũng đã được ra mắt với lời hứa sẽ đăng tải đầy đủ mọi vấn đề liên quan đến quy định chính sách, cơ cấu giá thành, chi phí… hai ngành này.
Đặc biệt là công khai cả tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, kể cả về thu nhập của cán bộ công nhân viên.
Tuy nhiên, có vẻ như trong thời gian gần đây, những thông tin trên chuyên trang này đang không còn được cập nhật liên tục và kịp thời như trước. Người đọc cũng không dễ dàng gì để tìm hiểu được các vấn đề đã được cơ quan điều hành đề cập đến như tuyên bố ban đầu.
Cho nên, chủ trương là một nhẽ, làm được đến đâu trong thực tế mới là yếu tố quyết định và mới mang tính thuyết phục!
Bích Diệp