Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Ở lại thành phố hay về quê?

Con đường từ công ty về nhà tôi khoảng 12 cây số, chạy từ quận 7 tới quận 2. Ngày nào tôi cũng được một người đồng nghiệp chở về vì tiện đường - nhà em đồng nghiệp còn cách xa công ty đến gần 20 cây số. Có những hôm kẹt xe, trời đổ cơn mưa lớn, hai đứa nhìn nhau ngao ngán vì mãi không nhích được thêm trên quãng đường đông nghẹt.

Cả tôi và em đồng nghiệp đều là người nhập cư giữa thành phố lớn gần chục triệu dân này. Đôi khi thằng bé thở dài nói, "mai sau dành dụm được chút là em sẽ về quê".

Ở lại thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội hay về quê là trăn trở của nhiều người trẻ. Trong những nhóm tìm việc trên Facebook, hầu như ngày nào tôi cũng thấy có những bạn đăng ẩn danh với câu hỏi xoay quanh việc ở lại thành phố hay về quê, "em nên cố tìm việc ở TPHCM hay về quê làm giáo viên bây giờ ạ?", hay "ở quê em có công ty của Trung Quốc tuyển phiên dịch, em không biết giờ về quê vài năm nữa có trở lại thành phố được hay không?".

Ở lại thành phố hay về quê? - 1

"Sáng nào đi làm cũng phải oằn mình trên con đường này, nhiều hôm trời mưa, tôi phải dậy sớm đi làm trước cả tiếng để tránh kẹt xe", anh Hoàng Chí Hùng (ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ về tình trạng kẹt xe ở khu vực cửa ngõ Đông Bắc TPHCM, tháng 10/2024 (Ảnh: Nam Anh)

Đấy là những câu hỏi hoàn toàn chính đáng của các bạn trẻ, khi thu nhập ở các thành phố lớn không còn là con số trong mơ với đại bộ phận người lao động và mức chi tiêu ngày càng đắt đỏ. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Anker được công bố năm 2023, mức lương đủ sống năm 2022 ở vùng 1, trong đó có TPHCM hay Hà Nội, là khoảng 8,55 triệu đồng, trong khi mức lương tối thiểu vùng cho năm 2023 của vùng một là 4,68 triệu đồng - chỉ bằng 54,7% lương đủ sống.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2023, mức thu nhập bình quân của người lao động tại TPHCM chỉ đạt 6,51 triệu đồng.

8,55 triệu là mức lương đủ sống nhưng nếu so sánh với chi phí sinh hoạt thì sẽ thấy con số này là quá khiêm tốn. TPHCM có mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ đứng thứ hai cả nước và chỉ sau Hà Nội. Nếu muốn sống ở các thành phố lớn với mức lương như vậy, nhiều bạn trẻ phải chấp nhận thuê nhà chung với bạn bè, ở trọ ở những nơi xa trung tâm, chịu khó nấu ăn thay vì đi ăn ngoài và chắt chiu hàng ngày.

Nhiều người coi những đánh đổi trên như "chi phí cơ hội" và sau một vài năm đi làm, chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện. Song trên thực tế, nhiều người lao động đều cảm nhận được câu chuyện mức tăng lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt ở các thành phố lớn. Viễn cảnh làm được vài năm rồi sẽ khấm khá hơn chưa chắc đã đúng, khi tiền lương dường như chỉ đủ để trang trải cuộc sống chứ không còn dư dả để dành dụm.

Tôi nhớ cách đây 10 năm khi bắt đầu đi làm công việc văn phòng đầu tiên cho một công ty nhỏ ở Hà Nội, tôi được trả lương khoảng 5,5 triệu đồng. Sau 10 năm, nhiều bạn trẻ ra trường với công việc tương tự, mức lương khởi điểm cũng chỉ nhỉnh hơn được 2-3 triệu đồng, trong khi nhiều thứ đã đắt gấp đôi, gấp ba so với trước đây.

Câu chuyện của tôi không đại diện chung cho mọi ngành nghề, nhưng đó là một cảm nhận chung của nhiều bạn trẻ khi cảm thấy với mức lương hiện tại, áp lực xoay xở ở thành phố là rất nặng nề.

Với những người trẻ như chúng tôi, một điều quan trọng để quyết định có ở thành phố hay không là khả năng "an cư lạc nghiệp". Không ai muốn sống cảnh nay chuyển chỗ trọ này, mai sang chỗ trọ khác ở thành phố và để có thể sống ổn định cần có khả năng mua được nhà. Nhưng đây là câu chuyện ngày càng xa vời với nhiều người trẻ khi giá bất động sản tăng chóng mặt.

Theo ước tính của nhiều chuyên gia, trong khoảng 10 năm qua, giá bất động sản tại các thành phố lớn đã tăng hàng chục lần. Mua được nhà thành phố trở thành điều không tưởng với nhiều người trẻ, trong khi nhu cầu nhà ở ngày càng cao với số lượng dân nhập cư tăng mỗi năm ở các thành phố lớn, đồng nghĩa với việc giá nhà cũng bị đẩy cao hơn. Tất nhiên tôi có nhiều bạn bè ở tuổi 30 đã mua được nhà ở thành phố, nhưng không ít người cũng mãi quẩn quanh với câu hỏi, bao giờ mới có một chỗ ở ổn định.

TPHCM vẫn đứng đầu những nơi người dân muốn chuyển đến sinh sống nhất, theo báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2023, và động lực chính để mọi người tới TPHCM là kỳ vọng tìm được nơi làm việc tốt hơn (với 31.5%). Tuy nhiên, mức lương tăng chậm, giá cả sinh hoạt tăng phi mã và đặc biệt là giá nhà đất tăng cao chóng mặt khiến nhiều người trẻ đang phải tư duy lại tương lai. 

Với tôi, những nỗi lo về chất lượng môi trường cũng được cân nhắc nghiêm túc khi quyết định sống ở các thành phố lớn. Mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhiều lần rơi vào ngưỡng báo động, lọt vào  nhóm các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được nhiều người quan tâm khi sống ở thành thị. Kẹt xe, khói bụi, triều cường và một sự ngột ngạt mỗi khi ra đường, nhất là giờ cao điểm. Bởi vậy, không ít người chọn rời xa thành thị để mưu cầu một cuộc sống yên tĩnh hơn, bớt ô nhiễm và cải thiện tình hình sức khỏe.

Chọn về quê đồng nghĩa với việc nhiều bạn trẻ chọn về ở chung với gia đình, tiết kiệm được phần chi phí thuê nhà cửa. Chỉ số giá tiêu dùng tại nhiều tỉnh thành thấp hơn Hà Nội và TPHCM, nên cho dù mức lương không cao như ở thành phố thì vẫn dễ xoay xở hơn. Cuộc sống chậm rãi, môi trường trong lành hơn cũng là động lực để không ít người dứt áo khỏi thành phố.

Khi các công ty giờ đây không chỉ tập trung tại Hà Nội hay TPHCM, người lao động có thể tìm việc tại nhiều tỉnh thành khác. Tôi có những người bạn đã rời khỏi Hà Nội để về các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và làm việc trong các khu công nghiệp với mức lương phù hợp với cuộc sống tại quê nhà.

Nhiều bạn lựa chọn về quê mở trung tâm tiếng Anh khi tìm thấy cơ hội ở thị trường giáo dục. Không chỉ vậy, với việc nhiều công việc chuyển sang hình thức online cùng các công việc tự do, một bộ phận bạn trẻ chọn trở về quê và làm việc từ xa để tiếp tục với những công việc mang lại nguồn thu nhập tốt.

Thành phố luôn có sức hút riêng khi đại diện cho một cuộc sống trẻ trung, năng động, hiện đại với nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi cơ hội kinh tế giờ đây đã không còn tập trung ở các thành phố lớn và nhiều người đánh giá lại những ưu tiên cho cuộc sống của bản thân, rời thành phố lớn trở về quê hương hay tới những thành phố nhỏ khác cũng là một lựa chọn phù hợp.

Đôi khi nhìn những người bạn đang lay lắt với cuộc sống nơi thành phố, tôi tin rằng việc rời đi cũng không phải một lựa chọn tồi. Thế giới ngày càng trở nên "phẳng" hơn và mỗi người có thể tìm kiếm cơ hội ở khắp mọi nơi.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!