Ngai vàng bị phá: Câu hỏi nhức nhối về sự an toàn của bảo vật quốc gia
Sáng tháng Năm, Đại nội Huế bỗng trở thành tâm điểm của những dòng tin khiến chúng ta phẫn nộ: phần bệ tỳ tay của ngai vàng triều Nguyễn - biểu tượng quyền uy cao nhất của vương quyền phong kiến Việt Nam - bị đập phá ngay tại khu vực trưng bày trong điện Thái Hòa. Hình ảnh mảnh gỗ gãy ngang nằm lạnh lẽo trên nền gạch không chỉ khiến giới chuyên môn đau đớn, mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi như vết cắt nhức nhối về việc bảo vệ, giữ gìn bảo vật quốc gia.
Chúng ta vẫn thường nói về di sản với niềm tự hào, nhưng thật chua chát khi một bảo vật như ngai vàng lại có thể bị tổn thương ngay tại trung tâm của một di tích quốc gia đặc biệt, nằm trong quần thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa là bản gốc, được công nhận Bảo vật quốc gia (Ảnh: Vi Thảo).
Tôi lặng người khi đọc tin. Không chỉ vì giá trị của hiện vật - một tác phẩm chạm khắc tinh xảo mang đậm dấu ấn quyền lực vương triều cuối cùng - mà bởi câu hỏi cũ lại hiện về: Chúng ta đã thực sự làm đủ để bảo vệ những giá trị văn hóa ấy chưa?
Câu hỏi ấy không chỉ đặt ra sau vụ việc ở Huế. Nó từng là câu chuyện tại khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lê khi người dân và cán bộ di tích phát hiện hai đối tượng người nước ngoài đã đào trộm khu lăng mộ vua Lê Túc Tông - một hành vi không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn xúc phạm nghiêm trọng đến vùng đất thiêng liêng, nơi gắn liền với lịch sử nhà Lê Trung Hưng của Đại Việt. Chỉ cách nhau vài tuần, hai sự kiện đều gây phẫn nộ, đều khiến cộng đồng văn hóa và người dân yêu lịch sử đau lòng. Và điều đáng buồn hơn cả: đó không phải những câu chuyện cá biệt.
Di sản Việt Nam đang phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại: sự xâm hại xảy ra ngày càng nhiều, ở cả cấp độ cá nhân và hệ thống. Đó có thể là một hành vi phá hoại nhất thời, như vụ đập gãy ngai vàng; cũng có thể là hành vi có tổ chức, như vụ đào trộm cổ vật ở Lam Kinh. Nhưng tựu trung, tất cả phản ánh những lỗ hổng nguy hiểm trong công tác bảo vệ di sản: từ nhận thức cộng đồng đến cơ chế pháp luật, từ hệ thống quản lý đến công nghệ giám sát và chính sách đầu tư.
Tôi từng đứng trong điện Thái Hòa, nhìn ngai vàng từ khoảng cách an toàn - không phải vì lo sợ điều gì, mà vì lòng kính trọng với di sản. Đó không chỉ là nơi vua ngự triều; đó là nơi vang lên những tuyên bố thiên mệnh, nơi tổ chức các nghi lễ quốc gia của một triều đại. Vậy mà, biểu tượng ấy - vốn nên được đặt sau lớp kính chống va đập, trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt - lại bị xâm hại một cách dễ dàng đến thế.
Chúng ta không thể nói rằng "không ai ngờ tới", bởi những sự cố như vậy đã từng xảy ra. Và ở các nước có truyền thống bảo tồn di sản lâu đời, điều đó gần như không thể xảy ra.
Tại Anh, ngai vàng của vua Edward - biểu tượng quyền lực vương triều hơn 700 năm tuổi - được đặt trong không gian kính chống đạn, với hệ thống giám sát 24/7 và giới hạn tối đa tiếp cận. Tại Pháp, bức họa Mona Lisa được bảo vệ bằng nhiều lớp an ninh, không chỉ để tránh trộm cắp mà còn ngăn chặn mọi tác động vật lý. Ở Trung Quốc, Tử Cấm Thành được trang bị hệ thống cảm biến rung động, camera thông minh và đội ngũ an ninh được đào tạo bài bản. Tại Nhật Bản, di sản kiến trúc gỗ được số hóa toàn diện, và mỗi tác động nhỏ đều được kiểm tra nghiêm ngặt bởi hệ thống quản lý rủi ro quốc gia.
Họ làm vậy không vì sợ hãi, mà vì lòng tôn kính đối với quá khứ dân tộc, với các bậc tiền nhân. Còn chúng ta thì sao? Không ít di tích trọng điểm tại Việt Nam vẫn thiếu lớp bảo vệ cơ bản nhất. Nhiều bảo tàng vẫn trưng bày bảo vật quốc gia chỉ sau một lớp kính mỏng, không có cảnh báo an ninh, không có cảm biến môi trường. Nhân lực bảo vệ thì vừa thiếu, vừa không được đào tạo chuyên sâu. Trong khi đó, lượng khách du lịch tăng vọt sau đại dịch lại tạo thêm áp lực lên hệ thống vốn đã quá tải.
Điều này đặt ra một yêu cầu không thể trì hoãn: chuyển từ tư duy "trưng bày" sang tư duy "bảo vệ chủ động và thông minh". Không thể chỉ đặt hiện vật ra cho công chúng chiêm ngưỡng, mà phải tạo ra cơ chế tiếp cận an toàn - vừa đảm bảo giá trị văn hóa, giáo dục, vừa giữ vững nguyên trạng vật thể.

Hình ảnh được cho là của ngai vàng triều Nguyễn sau khi bị xâm hại lan truyền trên mạng xã hội (Nguồn: Facebook Huế Di sản Lịch sử triều Nguyễn).
Chúng ta cũng không thể tiếp tục giao trách nhiệm bảo vệ di sản hoàn toàn cho ngành văn hóa. Di sản là của quốc gia, là của nhân dân - và việc bảo vệ nó phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ công tác xây dựng pháp luật cho đến điều hành chính sách, đảm bảo an ninh, nâng cao nhận thức, truyền thông…
Tôi nghĩ chúng ta cần sớm ban hành thêm các nghị định, thông tư để triển khai cụ thể hơn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) theo hướng nâng cao năng lực bảo vệ, tăng chế tài đối với hành vi xâm hại, bổ sung quy chuẩn trưng bày hiện vật quý và yêu cầu ứng dụng công nghệ giám sát bắt buộc đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Chúng ta cần xây dựng "Chiến lược quốc gia về an toàn di sản văn hóa", huy động các nguồn lực công - tư, áp dụng mô hình giám sát thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến va chạm, nhận diện hành vi… Không thể để một bảo vật quốc gia bị hủy hoại chỉ vì thiếu một chiếc camera, một tấm kính, hay một quy trình phản ứng chuyên nghiệp.
Chúng ta cũng cần giáo dục di sản ngay từ nhà trường, bởi không ai bảo vệ thứ mình không hiểu rõ. Khi học sinh biết ngai vàng không chỉ là nơi từng ngự trị của các bậc đế vương, mà còn là nơi từng chứng kiến những tuyên bố, quyết định trọng đại ảnh hưởng đến cả cộng đồng - các em sẽ không xem đó là "đồ cổ", mà là một phần của lịch sử dân tộc. Khi người dân coi lăng mộ vua Lê không chỉ là "một khu đất thiêng" mà là nơi thể hiện lòng tôn kính tổ tiên - họ sẽ đứng lên ngăn chặn mọi hành vi xúc phạm.
Sự việc ở Huế cũng là lời nhắc nhở rằng: di sản không thể tự bảo vệ mình. Nếu không có một cơ chế đủ mạnh, nếu không có nhân lực đủ tâm và đủ chuyên môn thì những hiện vật quý giá nhất cũng có thể bị tổn hại chỉ vì một khoảnh khắc sơ sẩy.
Tôi tin rằng, sau "cú sốc" này, chúng ta không chỉ dừng lại ở những lời xót xa. Đây phải là thời điểm khởi đầu cho những việc cần làm ngay trong bảo vệ di sản, để những gì xảy ra với ngai vàng triều Nguyễn không bao giờ lặp lại.
Mỗi mái đình, viên gạch, pho tượng, hay ngai vàng không chỉ là hiện vật - mà là sợi chỉ nối liền quá khứ với hiện tại, giúp chúng ta biết mình là ai trong dòng chảy vô tận của thời gian. Nếu hôm nay chúng ta biết trân trọng và gìn giữ những ký ức ấy, thì ngày mai, con cháu chúng ta sẽ còn nguyên di sản, còn nguyên bảo vật nhắc nhớ nguồn cội để tiếp bước.
Và vì thế, mỗi hành động bảo vệ di sản hôm nay không chỉ là giữ lại những gì đã có - mà là gieo một hạt giống văn hóa cho mai sau. Chúng ta không giữ di sản cho quá khứ, mà giữ cho một tương lai tự tin, giàu bản lĩnh và đầy bản sắc Việt Nam.
Tác giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn là thạc sĩ chuyên ngành quản lý di sản và nghệ thuật tại Đại học Bắc London (University of North London); tiến sĩ quản lý văn hóa tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Ông hiện là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương. Ông đã từng có gần 25 năm làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, và là Viện trưởng trước khi chuyển sang làm công tác chuyên trách tại Quốc hội.
Những chủ đề quan tâm của ông là quản lý văn hóa, quản lý di sản và nghệ thuật, truyền thông mới, công nghiệp văn hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!