Tâm điểm
Nguyễn Lân Hiếu

Tiềm năng du lịch chữa bệnh ở Việt Nam

Tuần vừa rồi tôi nhận được thư cảm ơn của một sư thầy người Việt đang định cư ở châu Âu. Trong lần trở về Việt Nam, sư thầy đã tin tưởng lựa chọn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để phẫu thuật căn bệnh thoát vị đĩa đệm đa tầng mà ở châu Âu các bác sĩ đã khuyên sư thầy nhập viện càng sớm càng tốt.

Sư thầy chọn Việt Nam để phẫu thuật vì niềm tin vào sự tiến bộ của y tế quê nhà và chúng tôi hạnh phúc được phục vụ. Vết sẹo mổ tối thiểu sau gáy sẽ là kỷ niệm đẹp sư thầy mang về nơi định cư.

Khi cầm bức thư cảm ơn trên tay, tôi xúc động nghĩ đến loại hình du lịch chữa bệnh là một hướng đi mà nhiều nước đã triển khai như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngay cả Philippines cũng có những bệnh viện 5 sao để thu hút khách nước ngoài.

Tiềm năng du lịch chữa bệnh ở Việt Nam - 1

Hệ thống máy hiện đại được đầu tư tại Bệnh viện 108 (Ảnh minh họa: PV)

Tôi từng được làm việc ở một số bệnh viện như vậy nên xin chia sẻ một vài suy nghĩ. Trước hết, du lịch chữa bệnh là xu hướng hoàn toàn đúng. Những người giàu có nhu cầu và họ cần được tạo điều kiện để sử dụng tài chính cho việc chăm lo sức khỏe của mình và người thân. Sức khỏe là vô giá với bất cứ ai trong xã hội.

Thực tế đã chứng minh thu hút khách nước ngoài đến chữa bệnh là một trong những cách quảng bá thương hiệu đất nước không gì tốt bằng. Kết hợp du lịch với chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh là ngành công nghiệp đã chứng minh hiệu quả kinh tế tốt như ở Singapore và Thái Lan.

Nhật Bản và Hàn Quốc có vẻ không đặt nặng vấn đề kinh tế trong lĩnh vực du lịch chữa bệnh, nhưng họ vẫn phát triển lĩnh vực này và rõ ràng thương hiệu quốc gia lên tầm cao mới khi rất nhiều nhân vật quan trọng ở nước khác, nhất là các nước châu Á, đã sang hai nước này để chữa bệnh.

Các nước đã thành công trong lĩnh vực kể trên vì ngoài việc biến bệnh viện thành khách sạn nhiều sao, thì chất lượng chuyên môn là nhiệm vụ được đặt ra hàng đầu. Các kỹ thuật phương pháp điều trị mới luôn được cập nhật triển khai. Các chuyên gia tên tuổi, bao gồm cả chuyên gia quốc tế, được thu hút đến làm việc và tạo điều kiện phát triển chuyên môn...

Hệ thống tiếp thị và truyền thông của họ hoạt động liên tục và chuyên nghiệp. Bộ phận chăm sóc khách hàng có vị trí quan trọng hàng đầu. Không gì quảng cáo tốt hơn cho bệnh viện bằng các phản hồi của chính bệnh nhân và người thân mình.

Ngoài ra, chính phủ các nước đó luôn hỗ trợ cho hướng đi này. Mỗi nước sẽ có chính sách khác nhau, nhưng tựu trung là tìm mọi cách để đẩy mạnh nhất việc thu hút bệnh nhân giàu có đến khám chữa bệnh. Vừa kiếm được tiền, vừa tạo công ăn việc làm và lại còn nâng cao hình ảnh quốc gia, chưa kể thu hút được các bác sĩ giỏi, đội ngũ lành nghề chữa bệnh cho người dân mình.

Chúng ta từng nghe số liệu là mỗi năm người Việt chi 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Nhân đây, tôi xin có vài lời khuyên với những ai đang có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài. Đó là cần nắm được quy trình chữa bệnh tại các bệnh viện quốc tế này. Mỗi nơi có một quy trình khác nhau, tuy kết quả cuối cùng đa phần là tốt nhưng nếu không có sự hướng dẫn thì có thể "sai một ly đi một dặm".

Mọi người cũng cần tìm hiểu mình đang chữa bệnh gì? Bệnh này ở Việt Nam chữa thế nào? Tỷ lệ thành công có cao không. Nên tham khảo các bác sĩ chuyên khoa trước khi lên đường ra nước ngoài điều trị. Rất nhiều xét nghiệm trong nước có thể sử dụng được khi ra nước ngoài, đặc biệt hệ thống chẩn đoán hình ảnh có lưu trên PACS (một giải pháp lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa) để truy cập bất cứ nơi nào có internet. Ngoài việc tiết kiệm tiền bạc và thời gian, đây còn là bằng chứng khách quan giúp chẩn đoán và đánh giá tiến triển bệnh.

Điều trị ở nước ngoài, khi chuẩn bị ký giấy làm thủ thuật phẫu thuật hãy cố gắng đọc thật kỹ các điều khoản, đặc biệt về các tai biến xảy ra. Tốt nhất mọi người nên nhờ luật sư giỏi tiếng Anh xem giúp. Tiền mổ có thể chuẩn bị đủ nhưng khi biến chứng xảy ra thì họ sẽ không miễn phí.

Nếu bạn ra nước ngoài và áp dụng phương pháp mới chưa có ở Việt Nam (một cách quảng cáo hay nhất để thu hút người Việt), tôi chỉ khuyên bạn hỏi một câu: "Phương pháp này đã được dùng ở đây chưa và bảo hiểm y tế có chi trả không?". Nếu bảo hiểm y tế chưa chi trả thì gần như chắc chắn chúng ta sẽ là thử nghiệm trên người của một phương pháp mới, mà lại còn phải trả phí!

Mọi người cũng nên chọn các địa chỉ uy tín, ít vẽ ra nhiều xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu bệnh viện nào trả lời các bạn không cần xem các kết quả cận lâm sàng của Việt Nam, sang đấy sẽ làm lại từ đầu... thì đây chính là những bệnh viện có dấu hiệu không lành mạnh, xin đừng lựa chọn.

Trở lại với vấn đề phát triển ngành công nghiệp du lịch chữa bệnh, muốn phát triển được chúng ta cần có đường lối, chính sách của Chính phủ cũng như xuất phát từ mong muốn của các cơ sở y tế cả công và tư.

Tôi đã đi chữa bệnh nhiều nơi và chắc chắn một điều một số nước trong khu vực là những nơi ta có thể hướng đến. Hiện nay người bệnh ở một số nước "sợ" đến Singapore vì số tiền phải bỏ ra để chữa bệnh rất lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Nhiều bệnh viện của chúng ta đã cải tiến về dịch vụ do đó chỉ cần xây dựng quy trình, truyền thông chăm sóc khách hàng và sự tham gia của chính quyền về mặt cơ chế hỗ trợ. Chắc chắn sẽ có không chỉ một mà nhiều bệnh viện thành công.

Cuối cùng với hàng triệu kiều bào có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kết hợp thăm quê hương, hệ thống y tế của chúng ta có trách nhiệm suy nghĩ về vấn đề này một cách hết sức nghiêm túc.

Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!